05:08 15/05/2017

Vận động lao động làm việc ở nước ngoài trở về đúng hạn

Trong những năm qua, lao động người Thanh Hóa đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động là người nước ngoài của Hàn Quốc) đã được tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, chi phí thấp, thu nhập tương đối cao.

Lao động Việt Nam đi lao động tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Ảnh: dolap.gov.vn

Đến nay, Thanh Hóa có khoảng 5.000 lao động đã và đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này. Hằng năm, số tiền lao động làm việc tại Hàn Quốc gửi về cho gia đình chiếm 42% tổng số tiền lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về. Tuy nhiên, hiện nhiều lao động người Thanh Hóa đang làm việc tại Hàn Quốc tự ý đổi chỗ làm, không về nước đúng hạn theo hợp đồng, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc và khiến nhiều lao động mất quyền lợi khi có nguyện vọng đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc nhưng lại bị dừng lại.

Hàng nghìn lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp

Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết: Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.048 lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Do không giải quyết được tình trạng lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc nên tháng 3/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có thông báo về việc ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2017 đối với 58 quận/huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố.

Trong đó Thanh Hóa có 6 huyện nằm trong diện ngừng tiếp nhận lao động là: Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Triệu Sơn và Nga Sơn vì có số lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc nhưng chưa về nước từ 60 người trở lên ở mỗi huyện.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành, UBND các cấp tổ chức tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật xuất khẩu lao động và các quy định hướng dẫn chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp thông tin về tình hình lao động Thanh Hóa làm việc tại Hàn Quốc, những chính sách ưu đãi đối với lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn.

Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều công văn cung cấp danh sách, địa chỉ người lao động đang cư trú bất hợp pháp, người lao động sắp hết hạn hợp đồng lao động theo chương trình EPS cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo triển khai thực hiện; phối hợp với chính quyền địa phương nâng cao chất lượng tuyển chọn và đào tạo người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với các tổ chức, đoàn thể vận động, tư vấn đến tận các gia đình có con, em và người thân làm việc tại Hàn Quốc, yêu cầu các gia đình cam kết vận động con, em và người thân thực hiện đúng các quy định của pháp luật và các cam kết trong hợp đồng, không ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc…

Vận động thuyết phục thực hiện chính sách xuất khẩu lao động

Đông Sơn là một trong trong 6 huyện của Thanh Hóa nằm trong diện ngừng tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc năm 2017. Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, tính đến ngày 31/3/2017, Đông Sơn có 311 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Anh Lê Trọng Cường (33 tuổi), thôn 5, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, một lao động quá hạn 2 năm vừa từ Hàn Quốc trở về cho biết: Một trong những lý do khiến lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không về nước đúng hạn là do thu nhập ở Hàn Quốc cao hơn gấp nhiều lần so với trong nước.

Mặt khác, chủ sử dụng lao động tại Hàn Quốc cũng muốn giữ lại lao động cũ có tay nghề cao, đã thông thạo tiếng bản ngữ để tiếp tục sử dụng lao động rẻ, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, vấn đề việc làm sau khi về nước cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều lao động mặc dù đã quá hạn nhưng không muốn về. Anh Cường dù đã trở về nước gần 1 năm, nhưng đến nay anh vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Hiện, anh đang tìm hiểu một vài công ty xuất khẩu lao động có uy tín trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục đăng ký xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản.

Chị Lê Thị Ba (33 tuổi), thôn 5, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn có chồng đang lao động tại Hàn Quốc quá hạn 6 tháng nhưng chưa về nước chia sẻ: Thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Đông Sơn và Xã Đông Minh đã thường xuyên đến gia đình để tuyên truyền về những hệ lụy của việc cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Chị cũng thường xuyên liên hệ động viên chồng về nước. Tuy nhiên, vì chưa có định hướng nghề nghiệp lâu dài nên chồng chị cũng như nhiều lao động khác muốn ở lại Hàn Quốc một thời gian nữa …

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đông Sơn: Điều 35 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định nếu người lao động ở lại trái phép sau khi hết hạn hợp đồng; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng sẽ bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng và không được đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm.

Thực tế chế tài xử phạt này chưa đủ mạnh để giải quyết tận gốc vấn đề. Bởi với thu nhập bình quân từ 30 đến 40 triệu đồng/tháng, nhiều lao động có thu nhập đến 50 triệu đồng/tháng thì chỉ cần làm 2 tháng tại Hàn Quốc là đủ tiền nộp phạt.

Bên cạnh đó, vấn đề xử phạt hành chính cũng gặp nhiều khó khăn, bởi đối tượng bị xử phạt đang ở Hàn Quốc, nên khi gửi lệnh xuống địa phương hoặc qua Kho bạc nhà nước, sẽ rất khó thực hiện…

Để khắc phục tình trạng này, huyện Đông Sơn đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc chấp hành nghiêm hợp đồng lao động, về nước đúng thời hạn. Trong đó, có việc gọi điện, gửi thư đến các gia đình có người lao động đã hết hạn hợp đồng và người lao động đang ở lại làm việc bất hợp pháp để họ động viên, khuyên bảo người lao động.

Huyện đã tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các xã, đến trực tiếp gia đình người lao động để tuyên truyền, vận động; thông báo danh sách người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, nhà văn hóa thôn. Nhờ đó, trong năm 2016 và quý 1/2017, huyện đã tuyên truyền, vận động được 159 lao động về nước đúng hạn…

Huyện Hoằng Hóa có 198 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin bằng nhiều hình thức đến tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương và người dân về chính sách, quyền lợi của người lao động khi về nước đúng hạn; chính sách ưu đãi mới khi người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước; các nguy cơ, rủi ro người lao động phải đối mặt khi làm việc và cư trú bất hợp pháp… Mặc dù vậy, số lượng lao động trở về huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Như vậy, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như: có thể bị công an bắt giữ bất kỳ lúc nào; nhiều chủ sử dụng lao động bất hợp pháp thanh toán tiền lương chậm trễ nên lao động Việt Nam dễ mất hết tài sản nếu bị bắt; nhiều quyền lợi của người lao động bị ông chủ xem nhẹ…

Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân việc người lao động ở lại cư trú bất hợp pháp đã làm liên lụy, ảnh hưởng đến hàng trăm lao động khác. Nhiều lao động đã qua học tiếng Hàn chờ được thi tuyển đành phải khép lại ước mơ sang Hàn Quốc để tìm kiếm thị trường lao động khác.

Hy vọng, cùng với những giải pháp cụ thể, thiết thực tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện, thời gian tới, tỷ lệ lao động ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ giảm, góp phần tạo cơ hội cho những lao động đang có nguyện vọng, đủ điều kiện được sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc thời gian tới...

Khiếu Tư (TTXVN)