Yên Bái siết chặt quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản

Hoạt động khai thác khoáng sản tại tỉnh Yên Bái còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cơ sở hạ tầng.

Khai thác đá hoa trắng ở tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+

Hoạt động khai thác khoáng sản mặc dù mang lại những hiệu quả nhất định như tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế..., tuy nhiên hoạt động này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, cần tăng cường công tác quản lý, gắn với bảo vệ môi trường để phục vụ phát triển bền vững.

Nhiều sai phạm bị xử lý

Là một trong những tỉnh miền núi có tài nguyên khoáng sản phong phú, Yên Bái hiện có 257 mỏ và điểm quặng, trong đó một số loại có trữ lượng lớn, chất lượng tốt như đá vôi trắng, caolanh - felspat, quặng sắt, grafit...

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 122 giấy phép khai thác khoáng sản, được cấp cho 92 doanh nghiệp với 17 loại khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cơ sở hạ tầng.

Nhằm siết chặt công tác quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu dừng hoạt động một số trường hợp vi phạm.

Từ cuối năm 2016, tỉnh Yên Bái đã tiến hành thu hồi giấy phép khai thác của 5 doanh nghiệp do không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Yên Bái thu hồi giấy phép khai thác của 11 doanh nghiệp, trong đó có 7 doanh nghiệp khai thác quặng sắt, 1 doanh nghiệp khai thác vàng, 3 doanh nghiệp khai thác đá granit bán phong hóa, đá vật liệu xây dựng, đá thạch anh.

Nguyên nhân do những mỏ trên nhiều năm không hoạt động và doanh nghiệp không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Riêng trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã đề nghị UBND tỉnh ban hành 7 quyết định đóng cửa mỏ, 7 quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Việc xử lý các sai phạm về môi trường của một số đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn cũng được các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc tích cực. Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc hoạt động của mỏ đá Cốc Há II của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam làm tràn bùn đất, bột đá, gây ảnh hưởng đến đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Lục Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã vào cuộc; phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Lục Yên tiến hành kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng. Từ đó, đã yêu cầu Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam khẩn trương khắc phục ảnh hưởng, đền bù, hỗ trợ cho người dân. Đồng thời, yêu cầu Công ty phải thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như tạo bờ chắn bãi thải, hạn chế nước mưa chảy tràn chảy vào bãi thải, gia cố đáy bãi thải... để ngăn ngừa nước mưa mang theo bùn đất, bột đá ra khu vực xung quanh; không được phép đổ bùn bột đá tại vị trí bãi thải hiện tại.

Mới đây, sau khi nhận được nội dung phản ánh việc Công ty TNHH Khoáng sản V.Star ở tổ 19, thị trấn Yên Bình xả thẳng chất thải xuống hồ Thác Bà, chỉ cách trạm bơm nước phục vụ sinh hoạt cho thành phố Yên Bái chừng 500 mét, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Công ty.

Với hành vi vi phạm của Công ty này, cuối tháng 5/2017, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 346 triệu đồng, trong đó 276 triệu đồng đối với hành vi “xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải” và 70 triệu đồng đối với hành vi “xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định của pháp luật"; đồng thời yêu cầu Công ty thường xuyên nạo vét các bể lắng của công trình xử lý nước thải sản xuất và nước mưa chảy tràn để đảm bảo khả năng xử lý; khẩn trương lập hồ sơ để được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định, không được phép xả nước thải ra hồ Thác Bà khi chưa có giấy phép xả thải.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đang được các ngành chức năng tăng cường kiểm soát và xử lý. Từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố Yên Bái đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên sông Hồng. Huyện Văn Chấn đã tiến hành ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác vàng trái phép dọc các sông, suối trên địa bàn. Các huyện Văn Yên, Trấn Yên cũng đã tăng cường công tác quản lý đối với các dự án nạo vét luồng đường thủy...

Cùng với đó, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác quản lý cát, sỏi. Trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái hiện có 11 giấy phép khai thác cát, sỏi được cấp trên sông Hồng và sông Chảy, trong đó có 7 khu vực mỏ đã đi vào khai thác.

Tăng cường công tác quản lý

Bên cạnh công tác khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khoanh định, phê duyệt các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quy hoạch khoáng sản..., công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Yên Bái cần được chú trọng hơn nữa.

Năm 2015, tỉnh Yên Bái đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 34 đơn vị; lập biên bản xử lý hành chính đối với 12 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là trên 1,5 tỷ đồng. Năm 2016 tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 28 đơn vị; lập biên bản xử lý hành chính đối với 6 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là 159 triệu đồng.

Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cho biết, trong công tác quản lý khai thác khoáng sản, ngoài Sở Tài nguyên và Môi trường còn cần có sự tham gia, phối hợp của các ngành và chính quyền địa phương; có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước khác. Công tác quản lý khoáng sản hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những tồn tại nhất định.

Theo ông Hà Mạnh Cường, nguyên nhân của những tồn tại, một phần do ý thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, một phần do công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra đôi khi còn chồng chéo, trùng lặp; việc xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế, chưa kiên quyết; chưa có cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các sở, ngành liên quan; một số nội dung do nhiều ngành quản lý, nhiều văn bản hướng dẫn dẫn đến chồng chéo trong trách nhiệm như công tác quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ bờ sông...

Để làm tốt công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách về bảo vệ môi trường theo phân cấp của Chính phủ.

Trên cơ sở quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành sẽ nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Quy định quản lý khoáng sản ở địa phương cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản, tiết kiệm tài nguyên, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ khoáng sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các chỉ đạo của cấp trên trong quản lý, hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về khoang sản và bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật; kiểm soát ô nhiễm môi trường, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

Đinh Hữu Dư (TTXVN)
Bảo đảm môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản Tây Núi Pháo
Bảo đảm môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản Tây Núi Pháo

Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác chế biến mỏ thiếc - Bismuts Tây Núi Pháo thuộc xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên do Công ty cổ phần Kim Sơn làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2011. Sau một thời gian đi vào hoạt động, từ cuối năm 2015 đến năm 2016, dây chuyền tuyển quặng công suất 45.000 tấn/năm của Công ty dừng hoạt động để nâng cấp thiết bị và mới hoạt động trở lại để hiệu chỉnh thiết bị vào đầu năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN