Xử phạt vi phạm giao thông: Tăng nặng để răn đe

Từ 10/11/2012 tới, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP (ngày 19/9/2012) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP (ngày 2/4/2010) về tăng cường các biện pháp xử phạt vi phạm giao thông sẽ có hiệu lực, với các hình thức tăng nặng mức xử phạt. Năm thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ áp dụng mức xử phạt tăng này.

 

Bổ sung quy định


Trước đây, Nghị định 34/CP không quy định cụ thể việc lái xe bị tạm giữ giấy phép lái xe do vi phạm giao thông có được phép tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian chờ nộp phạt hay không. Điều này dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định xử phạt, gây khó cho cả lực lượng chức năng lẫn người tham gia giao thông. Khắc phục bất cập này, theo quy định bổ sung trong Nghị định 71/CP, khi bị tạm giữ giấy tờ xe, người vi phạm luật giao thông sẽ bị xử phạt về việc chạy xe không có giấy tờ, nếu quá hẹn không đi nộp phạt.


Thanh tra GTVT và CSGT Hà Nội phối hợp kiểm tra giấy tờ kinh doanh của xe taxi.

 

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 71/CP quy định: “Để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định... Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ”.


Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, tình hình trật tự an toàn giao thông trên cả nước đến thời điểm này vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an toàn giao thông. Tình trạng người tham gia giao thông vi phạm pháp luật về giao thông cũng có chiều hướng gia tăng, nhất là các vi phạm về nồng độ cồn. 9 tháng qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý gần 61.000 trường hợp người điều khiển xe ô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn quá mức quy định, số vụ tai nạn giao thông do lái xe say rượu bia gây ra chiếm khoảng 5% tổng số vụ, trong khi các lực lượng chức năng khó xử lý triệt để những vi phạm về nồng độ cồn.
Theo Phòng Hướng dẫn luật và Xử lý điều tra tai nạn (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt), trên thực tế, việc xử lý những trường hợp lái xe có sử dụng rượu bia đang gặp nhiều khó khăn, vì các đối tượng sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện thường có những hành vi vi phạm nghiêm trọng như: Chạy quá tốc độ, lấn làn đường, sẵn sàng tránh né, ngang nhiên hành hung lực lượng kiểm tra… Bên cạnh đó, do quân số các đội cảnh sát giao thông mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, dẫn đến hạn chế trong công tác phối hợp với công an sở tại, cộng với mức xử phạt trước đây chưa đủ mạnh, nên chưa tạo được tính răn đe với người vi phạm.


Do đó, Nghị định số 71/CP bổ sung quy định phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe gắn máy có nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với trường hợp nếu vượt quá trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Bên cạnh việc bị phạt tiền, các trường hợp vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe 60 ngày, bị tạm giữ phương tiện 10 ngày. Riêng trường hợp người lái ô tô có nồng độ cồn dưới mức 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 2 đến 3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 30 ngày hoặc tước giấy phép lái xe không thời hạn nếu gây tai nạn nghiêm trọng… Đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng cảnh sát giao thông trong kiểm tra, xử lý vi phạm.


Nghị định 71/CP cũng quy định sẽ phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng (thay cho mức phạt hiện nay từ 300.000 - 500.000 đồng) đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/giờ đến dưới 10 km/giờ. Trường hợp điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10 - 20 km/giờ sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (mức phạt hiện nay là từ 800.000 - 1.200.000 đồng). Phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng (hiện nay 4 - 6 triệu đồng) đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/giờ, ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe 60 ngày. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định từ 10 - 20 km/giờ (hiện nay trên 20 km/giờ) sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Trường hợp người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (mức hiện nay là 500.000 - 1.000.000 đồng)... Đặc biệt, các trường hợp đua xe , cổ vũ đua xe trái phép theo Nghị định 71/CP sẽ bị phạt tới 40 triệu đồng, tịch thu xe và tước giấy phép lái xe không thời hạn…

 

“Thuốc đắng dã tật”


Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giao thông, cũng như phản ánh của nhiều người dân, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến luật giao thông, thì việc tăng nặng mức xử phạt trong một số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông hiện nay là việc làm cần thiết, nếu không nói là quá muộn, nhằm thiết lập lại kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực giao thông, nâng cao ý thức tự giác cho mọi người tham gia giao thông. Đây có thể coi là liều thuốc mạnh để xử lý vi phạm, hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông hiện nay, trong bức tranh toàn cảnh về giao thông đang “rối như tơ vò”. Thực tế, mức tiền phạt tăng nặng sẽ đánh mạnh vào túi tiền của người vi phạm, nên có tác dụng “trừng phạt kinh tế”.


Điều đáng quan ngại hiện nay là các mức phạt trong Nghị định 71/CP đều tăng nặng liệu có phát sinh tiêu cực trong quá trình các lực lượng chuyên ngành thực thi nhiệm vụ. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, nhiều chiến sỹ cảnh sát giao thông khẳng định sẽ không thể nảy sinh tiêu cực. Ví dụ, quy định vi phạm tốc độ trong Nghị định 71/CP sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn so với Nghị định 34/CP và việc xử lý vi phạm tốc độ sẽ khó phát sinh tiêu cực nếu “bắn tốc độ” một nơi, xử lý vi phạm ở nơi khác. Cụ thể, khi xe vi phạm bị phát hiện, tổ cảnh sát giao thông bắn tốc độ sẽ thông báo số xe vi phạm cho tổ cảnh sát giao thông khác trên đường phía trước đón lại xử lý. Vi phạm này đã được tổ bắn tốc độ lưu vào máy, vào hồ sơ nên tổ cảnh sát giao thông xử lý khó có thể bỏ qua để phát sinh tiêu cực. Nếu các vi phạm khác có cách xử lý thích hợp cũng có thể hạn chế tiêu cực xảy ra.

 

Tất cả lực lượng chuyên ngành vào cuộc Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Bộ Công an): 

Để triển khai có hiệu quả Nghị định 71/CP, bên cạnh lực lượng cảnh sát giao thông, tất cả các lực lượng chuyên ngành như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh và thanh tra giao thông sẽ cùng phối hợp tham gia xử lý vi phạm và đảm bảo giao thông. Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt sẽ có văn bản hướng dẫn. Từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã 5 lần ban hành, sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhưng mức xử phạt không đủ sức răn đe. Do vậy, Nghị định 71/CP ban hành đã nâng cao mức xử phạt, bổ sung thêm các chế tài xử lý đủ sức răn đe, như bổ sung quy định tạm giữ phương tiện đối với 10 nhóm hành vi; tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với 17 nhóm hành vi; đặc biệt so với Nghị định 34/CP, Nghị định 71/CP đã tăng mức phạt tiền từ 1,5 đến 2,5 lần của 44 nhóm hành vi.

 

Chỉ có chế tài xử phạt mạnh mới đủ sức răn đe Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Phó Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội:

Trong khi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao, thì việc tăng mức xử phạt theo quy định tại Nghị định 71/CP của Chính phủ sẽ tạo sức răn đe đối với người vi phạm, góp phần giảm tai nạn, ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Việc mỗi năm có hàng chục nghìn người chết vì tai nạn giao thông là không thể chấp nhận được. Mỗi ngày lực lượng chức năng xử phạt hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm, từ vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lấn làn đường, chạy quá tốc độ, lái xe sử dụng rượu bia... nhưng xem ra số vi phạm mỗi năm đều tăng, người điều khiển phương tiện chưa biết sợ, thậm chí nhờn luật. Do đó, chỉ có chế tài mạnh mới đủ sức răn đe.

 

Xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn gặp nhiều khó khăn Đại úy Phạm Hùng (Đội Khám nghiệm-Phòng Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt):

Công tác xử lý vi phạm đối với những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông đang gặp không ít khó khăn, bởi chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, trang thiết bị phục vụ cho việc xử lý thiếu và yếu, trong khi người dùng rượu bia thì thờ ơ, coi thường chính mạng sống bản thân. Bên cạnh đó, khi gây ra tai nạn, đa số những chủ phương tiện đều bỏ đi khỏi hiện trường hoặc viện lý do bản thân không điều khiển phương tiện nên từ chối yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu của lực lượng chức năng. Do đó, các quy định mức phạt tăng nặng theo Nghị định 71/CP sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng cảnh sát giao thông trong kiểm tra, xử lý vi phạm.


Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN