Xây dựng văn hóa cầu thang chung cư-Bài 1: 'Cha chung không ai khóc'

Khi các chung cư, các khu đô thị mọc lên ngày càng nhiều thì cũng đồng nghĩa với việc nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc trong không gian chung ấy; đặc biệt, việc sử dụng cầu thang bộ hay cầu thang máy đã trở thành vấn đề đáng quan tâm khi tính sở hữu cá nhân đối với tài sản chung vẫn còn cao.

Tùy tiện xả rác, biến thành nhà kho, thậm chí thành sân phơi quần áo... là tình trạng của nhiều cầu thang chung cư hiện nay. Và cũng bởi là không gian chung nên trách nhiệm gìn giữ cầu thang dường như không của riêng ai.

Cầu thang bộ thành... "nhà kho"

Leo 1 vòng cầu thang bộ khu chung cư K3 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi không thể phân biệt được đây là lối đi lại hay là nhà kho của người dân khi gầm cầu thang bị các hộ trưng dụng thành nơi cất giữ đồ đạc cũ. Ngay lối đi cầu thang còn có cả những chiếc lò đốt vàng mã dưới góc tường ám khói đen kịt. Nhiều người còn lấn chiếm khoảng lớn hành lang, lối đi để phục vụ mục đích cá nhân như: Đem những món đồ chơi trẻ em cỡ lớn, giá phơi quần áo, bàn ghế bày ra hành lang để tiết kiệm diện tích sinh hoạt trong nhà.

Một số người dân vô tư cho biết: “Ở đây, nhà nào chả thế, trong nhà không có chỗ thì đành mang ra gầm cầu thang để tạm, cũng chỉ có góc cầu thang mới có thể đốt được vàng mã chứ ai lại đốt ở trong nhà”.

Lấn chiếm không gian cầu thang bộ. Ảnh: Thu Trang


Đây cũng là tình trạng diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu chung cư, đặc biệt là những chung cư cũ và những chung cư dành cho người thu nhập thấp. Những hộ dân ở đây cảm thấy khá bất tiện với diện tích chật hẹp của căn hộ, nên để có thêm không gian sinh hoạt, người dân không ngần ngại chiếm dụng những không gian chung. Đơn cử như khu chung cư Hồ Gươm Plaza, Mỗ Lao, Hà Đông, tiếng là những khu chung cư cao cấp và dân cư vừa đến ở hơn một năm nay, nhưng vừa bước vào thang bộ đã thấy nồng nặc mùi uế khí, mùi rác thải, rác vứt đầy ở các bậc thang, nhiều nhà còn tận dụng tay vịn cầu thang để phơi quần áo, khăn lau...

Vấn đề đáng nói là, cầu thang bộ không chỉ có vai trò là lối đi lại ở khu chung cư mà nó còn là nơi thoát hiểm khi có sự cố, hỏa hoạn, kể cả ở nhiều khu chung cư cao tầng được trang bị thang máy vẫn phải thiết kế thang bộ riêng. Tuy nhiên, do nhiều người dân thiếu ý thức và thiếu hiểu biết nên nhiều nơi, người dân vẫn chiếm dụng không gian cầu thang bộ.

Bà Nguyễn Thị Tâm, khu chung cư CT6, Kiến Hưng, Hà Đông kể: “Nhiều người sống ở chung cư nhưng thiếu ý thức chung. Có lần, chỗ tôi đã bị hỏa hoạn lớn do có người vứt mẩu thuốc hút dở xuống ống thông khí ở thang bộ, điếu thuốc rơi đúng xuống khu chứa rác ở tầng hầm và bén cháy, lan sang trạm biến áp của tòa nhà làm trạm biến áp phát nổ. Tuy không có thương tích về người nhưng đã làm cháy mất 2 chiếc xe máy dưới hầm để xe, 3 ngày liền mất điện toàn cục, nhiều người bị kẹt trong thang máy, nhiều gia đình phải di dời đi nơi khác “lánh nạn”... Chỉ một hành động nhỏ nhưng đã gây ra hậu quả rất lớn”.

Chen lấn trong thang máy

Không chỉ cầu thang bộ, nhiều khu chung cư rất đẹp, được trang bị thang máy hiện đại nhưng người sử dụng thang máy lại không “đẹp” khi thiếu văn hóa ứng xử với phương tiện hiện đại này.

Anh Nguyễn Thế Hùng, Khu đô thị Xa La chia sẻ: “Nhiều khi trong thang máy toàn là rác, túi bóng, mẩu thuốc lá, vỏ kẹo... Có lần, tôi phải tự tay nhặt rác và vứt vào thùng rác tầng nhà mình. Dù Ban quản lý có thuê người dọn dẹp hàng ngày nhưng không “xuể” vì vừa dọn xong lại có người xả rác ngay. Thậm chí, nhiều người còn khạc nhổ trong thang máy, viết bậy bạ lên cửa thang máy khiến những người vào sau không khỏi bức xúc. Tôi cũng không đồng tình với những người cởi trần, ăn mặc thiếu lịch sự khi đi trong thang máy chung cư vì ở đó còn có người già, trẻ nhỏ nữa”.

Theo phản ánh của nhiều người dân, đứng đợi thang máy ở các chung cư vào những lúc cao điểm còn thường xuyên chứng kiến cảnh chen lấn, chưa đợi người trong bước ra thì người bên ngoài đã lao vào.

“Có khi đang vội đi làm mà phải đứng đợi thang cả vài chục phút vì người tầng trên giữ thang đợi nhau khiến thiết bị phải rú chuông liên tục... Nhiều người còn biến thang máy thành chỗ để cho trẻ con ăn khi cứ vào thang máy rồi bấm thang đi lên đi xuống liên tục, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người khác”, chị Nguyễn Bình Minh, khu chung cư CT6, Kiến Hưng, Hà Đông bức xúc.

Nhiều người dù sống trong khu đô thị hiện đại và rất văn minh nhưng lại tự làm xấu đi không gian sống của mình bằng những hành động thiếu ý thức trong ứng xử nơi công cộng. Dù chỉ là phương tiện đi lại nhưng thang máy hay thang bộ cũng cần là những không gian văn hóa để xây dựng nếp sống văn minh, nhất là khi các khu đô thị, các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều.


Tạ Nguyên - Thu Trang


Lùng bùng cơ chế quản trị chung cư
Lùng bùng cơ chế quản trị chung cư

Cuộc sống chung cư tại Hà Nội có nhiều ưu điểm, nhưng đồng thời cũng có nhiều bất cập. Do không thể tự chủ trong các vấn đề về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nên người dân chung cư phải phụ thuộc rất nhiều vào sự “biết điều” hay “không biết điều” của chủ đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN