Việt Nam hiện có 10,1 triệu người cao tuổi

Để thích ứng với già hóa dân số chúng ta không được coi người cao tuổi là gánh nặng, mà nên coi đây là một cơ hội. Đó là khẳng định tại Hội thảo quốc tế “Thích ứng với già hóa dân số” diễn ra ngày 17/7 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo.

Tỷ lệ già hóa “chóng mặt”


Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên hiện nay là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm tới 17% và năm 2050 là 25%.


Nếu như các nước có nền kinh tế phát triển phải mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (số người trên 60 tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (số người trên 60 tuổi chiếm 20%) như Hoa Kỳ 69 năm, Canada 65 năm… thì Việt Nam chỉ mất 22 năm, đây là một tốc độ nhanh đến “chóng mặt”.


Cũng theo ông Tân, xã hội càng phát triển, nguy cơ đối mặt với mức sinh thấp là nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số nhanh. Ở nước ta hiện nay, nhiều địa phương đang có mức sinh khá thấp như: Khu vực TP  Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ. Theo thống kê, tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một người phụ nữ) của TP Hồ Chí Minh hiện nay là 1,45 con, đây là mức thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,10 con.


Trong khi đó, chúng ta không có chính sách dân số riêng cho từng khu vực, mà chỉ tổ chức các cuộc vận động người dân sinh đủ số con để đảm bảo mức sinh thay thế. Nếu để mức sinh xuống quá thấp thì sẽ rất khó để “vực dậy” và nguy cơ dân số già thậm chí siêu già sẽ đến rất nhanh. Điều này sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế xã hội như: Thiếu hụt lao động, gia tăng các chi phí chăm sóc y tế, an sinh xã hội…


Đầu tư cho người cao tuổi


Trước nguy cơ dân số già, cần có chính sách thích ứng để không bị động kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đã nhận thức được khả năng già hóa dân số và đã có những động thái để thích ứng. Cụ thể như việc chúng ta đã có Luật Người cao tuổi ra đời từ năm 2009, Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi….


Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho số lượng người cao tuổi ngày càng gia tăng, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 35, hướng dẫn các cơ sở bệnh viện thành lập khoa lão, hỗ trợ cho người cao tuổi trong quá trình khám bệnh, tổ chức khám chữa bệnh hàng năm cho người cao tuổi. 


Bộ cũng vừa ban hành Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với nội dung tăng cường chăm sóc người cao tuổi ngay tại cộng đồng, để người già được chăm sóc sớm hơn. Nếu hoàn toàn dựa vào bệnh viện, nhà dưỡng lão thì sẽ rất tốn kém, chi phí cao. Thói quen chung sống các thế hệ trong gia đình là một đặc điểm rất phù hợp để có thể xây dựng các chương trình nâng cao chăm sóc sức khỏe người cao tuồi ngay tại gia đình.


Theo Thứ trưởng Tuấn, cần phải tiếp tục nghiên cứu các chính sách chăm sóc dài hạn. Người cao tuổi ở nước ta có ít nhất từ 2 bệnh mãn tính trở lên, cao nhất là 4 bệnh mãn tính, chi phí điều trị sẽ rất lớn trong khi điều kiện kinh tế của người cao tuổi nước ta vẫn còn khó khăn. Bộ Y tế đang nghiên cứu để tìm ra mô hình chi phí ít và hiệu quả.


"Để thích ứng với già hóa dân số chúng ta không được coi người cao tuổi là gánh nặng, mà nên coi đây là một cơ hội. Cụ thể, khi số lượng người cao tuổi ngày càng tăng lên, sẽ nảy sinh các nhu cầu phục vụ cho đối tượng này như: Thiết kế nhà ở, thiết kế đường xá, dụng cụ, phương tiện phù hợp... Nếu các doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu này thì có thể phát triển thành lĩnh vực rất lớn, có tiềm năng", Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.


TN/Báo Tin Tức
Thách thức của già hóa dân số
Thách thức của già hóa dân số

Nếu không có những chính sách ứng phó kịp thời, Việt Nam khó có thể vượt qua những thách thức trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN