Vì sao tỷ lệ trẻ em nông thôn chết đuối nhiều hơn thanh thị?

Hôm qua (18/1), tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện cam kết giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ em, ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Tại 15 tỉnh có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao nhất của Việt Nam, tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước thời gian qua đã giảm rõ rệt.

Kết quả công bố tại hội nghị cho thấy ở Tiền Giang, năm 2009 có 175 trẻ tử vong do đuối nước, năm 2010 còn 25 em. Ở Bắc Giang, năm 2009 có 114 trẻ bị đuối nước, năm 2010 chỉ còn 24 trẻ. Ở Thái Bình, năm 2009 có 52 trẻ bị đuối nước, năm 2010 chỉ còn 33 trẻ bị đuối nước. Ở Thanh Hóa, năm 2009 có 53 trẻ tử vong do đuối nước, năm 2010 còn 33 trẻ.

Để tránh rủi ro tử vong do đuối nước không nên cho trẻ em chơi ở những nơi có ao hồ. Ảnh: L.P


Trước những tín hiệu tích cực trên, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Đó chỉ là những kết quả bước đầu. Công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước cho trẻ em nói riêng thời gian tới rất cần sự nỗ lực liên ngành và của toàn xã hội”.

Đuối nước (tai nạn do nước) vẫn là vấn đề nan giải trong số những loại hình tai nạn thương tích cho trẻ em ở thế giới nói chung, nhất là đối với những nước đang phát triển, những nơi có nhiều dân di cư. Vấn đề này càng quan trọng đối với Việt Nam, một đất nước có hơn 200.000 km sông ngòi và hơn 3.000 km bờ biển, đó là chưa kể đến các diện tích ao hồ, đầm, phá… Theo ông Nguyễn Trọng An, trẻ ở nông thôn chết đuối nhiều hơn trẻ thành thị.

Điều đáng chú ý là hầu hết các ca tử vong đều diễn ra trong các hoạt động hàng ngày và trẻ em nông thôn với sự quan tâm, chăm sóc không chặt chẽ như trẻ em thành phố là đối tượng có nguy cơ cao hơn cả.


Các đại biểu đều cho rằng: Môi trường sống kém an toàn là nguyên nhân dẫn tới những tai nạn đuối nước ở trẻ em. Đó là những hố nước trong khu vực công trình xây dựng, những giếng không có nắp đậy, ao, đầm không có hàng rào…

Cần sớm nhân rộng dạy trẻ học bơi

Nói về hậu quả của việc đuối nước đối với trẻ em, ông Nguyễn Trọng An cho biết: Đa phần các em bị đuối nước đều tử vong, nếu không tử vong cũng bị chết não hoặc bị tàn tật suốt đời. Các chuyên gia đều khuyến nghị việc dạy trẻ học bơi càng sớm càng tốt. “Việc thí điểm dạy bơi trong trường học cho trẻ em thời gian qua ở một số địa phương cũng đem lại hiệu quả tích cực và hoàn toàn có khả năng nhân rộng”, ông Nguyễn Trọng An cho biết.

Trong hơn 1 năm qua, với sự tài trợ của Tổ chức cứu trợ Hoàng gia Ôxtrâylia, thành phố Đà Nẵng đã triển khai chương trình này tại tất cả các trường học và rất được trẻ em, nhà trường và gia đình ủng hộ. Chương trình này còn tiếp tục khoảng 5 - 6 năm nữa. Kết quả từ việc thực hiện chương trình này cho thấy việc triển khai dạy bơi cho trẻ tại trường hoàn toàn khả thi với nhiều địa phương khác.

Xã hội hóa việc sử dụng và xây dựng bể bơi cũng là một cách lý tưởng để phổ cập dạy bơi cho trẻ. Với những trường học chưa trang bị được bể bơi, có thể bàn bạc, phối hợp với chính quyền thuê các bể bơi trên địa bàn. “Lên danh sách các bể bơi, phân chia thời gian sử dụng cho các trường học để đảm bảo học sinh các trường đều có nơi học bơi”, ông Nguyễn Trọng An đề xuất.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em và phòng chống đuối nước trẻ em vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015.


Trong thời gian tới, theo bà Ngô Thị Minh, ủy ban sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ để phân công rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong công tác này, để góp phần giảm thiểu tỷ lệ trẻ bị đuối nước nói riêng và cải thiện môi trường an toàn cho trẻ nói chung.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN