Trẻ ăn “trái cấm”- lỗi tại ai?

Hầu hết các trường hợp trẻ ăn “trái cấm” đều do giáo dục gia đình chưa theo kịp sự tò mò khám phá của tuổi mới lớn. Thêm vào đó tư tưởng “không vẽ đường cho hươu chạy” lại càng khiến gia đình và con trẻ không thể “nói chuyện” với nhau trên lĩnh vực giáo dục giới tính nhạy cảm này.

Thiếu hiểu biết, không chia sẻ

Ảnh mang tính minh họa


“Một cô bé mặt bấm ra sữa, cơ thể còn chưa phát triển hết phải lên giường siêu âm. Bác sĩ siêu âm khám rồi nói, đi siêu âm sớm quá, thai chưa xuống đến tử cung, tuần sau quay lại. Bệnh nhân điềm tĩnh xuống giường, thản nhiên đi về. Tôi lạnh gáy”, chị Hồng Linh (Đống Đa, Hà Nội) nhớ lại lần đi khám thai gần nhất của mình. Tại đó, chị đã gặp nhiều cô bé chưa đến 18 tuổi mà đã đi khám với thái độ “cực nhờn”- điều đó chứng tỏ không phải lần khám, phá thai đầu tiên.

Một bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Trung ương giấu tên cho biết: “Nhiều bệnh nhân bạc mặt vì thiếu máu sau nhiều lần giải quyết hậu quả. Tôi cũng hỏi vì sao không dùng biện pháp tránh thai thì lý do luôn không thuyết phục. Bạn trai không muốn mất cảm giác nên không dùng bao cao su, bạn gái sợ tác dụng phụ nên không uống thuốc tránh thai. Cuối cùng hậu quả là liên tục gặp bác sỹ”.

Bác sỹ trên cũng cho biết, có những cặp, chỉ sau khi cưới mới phải gặp bác sỹ, nhưng tình trạng vô cùng nan giải. “Các em đã dùng nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp đến mức sau này bị vô sinh. Thậm chí, có em kể lại, trung bình đã dùng đến 5 liều thuốc loại đó trong một tháng. Không thể hiểu nổi giữa thời đại thông tin thế này mà các cô, các cậu thành phố còn lệch lạc như thế”, vị bác sỹ lo lắng.

Lo lắng đó không phải không có lý khi số lượng trẻ quan hệ tình dục sớm ngày càng tăng trong khi hiểu biết về sức khỏe sinh sản lại “thủng lỗ chỗ”. Càng lo ngại hơn khi các đối tượng này khi “dính” vào yêu đương lại không biết giải tỏa thắc mắc ở đâu. Bố mẹ - người thân nhất lại không phải là người các em thấy có thể cởi mở để hỏi han. Chính vì thế, những “kinh nghiệm dân gian” sau khi quan hệ không mang lại kết quả đã khiến những người trẻ dại dột phải mang bầu bí sớm.

Thậm chí, chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Hòa - Trung tâm Tư vấn tình cảm Linh Tâm còn cảnh báo một xu hướng mới: Các bạn trẻ muốn tự tìm hiểu và tự giải quyết “hậu quả” của quan hệ tình dục không an toàn. Các em sẵn sàng tự mua thuốc phá thai, thuốc chữa các bệnh đường tình dục về tự điều trị. Đây là điều rất nguy hiểm vì những bệnh này phải được khám và điều trị theo hướng dẫn của các bác sỹ.

Giáo dục giới tính ở gia đình

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, giáo dục giới tính trong gia đình là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về sức khỏe sinh sản. Điều này đòi hỏi hai yếu tố: Thứ nhất, phụ huynh nắm vững kiến thức giới tính. Thứ hai, các thành viên trong gia đình luôn chan hòa cởi mở và chia sẻ với nhau.

Nội dung giáo dục giới tính cũng phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Chẳng hạn, theo các chuyên gia, ở độ tuổi 3-6, nội dung giáo dục nên đơn giản, dễ hiểu song phải hình thành trong trẻ sự khác biệt giữa nam và nữ. Chẳng hạn, cha mẹ có thể chỉ cho trẻ biết được sự khác biệt giữa trẻ nam và trẻ nữ ở tóc. Trẻ nam thường cắt tóc ngắn, trẻ nữ thì thường để tóc dài. Trẻ nam ăn mặc những bộ quần áo gọn gàng mang tính thể thao, trong khi đó trẻ nữ lại mặc những quần áo màu sắc sặc sỡ. Những kiến thức này bước đầu giúp cho trẻ có được thói quen ứng xử theo giới.

Khi trẻ lớn hơn một chút (6-10 tuổi), trẻ đã hiểu biết hơn trước rất nhiều, bố mẹ có thể dạy cho trẻ cách thức ứng xử, ăn nói theo giới mà xã hội chấp nhận. Đối với bé gái, cha mẹ dạy trẻ cách ăn nói nhẹ nhàng, tính dịu dàng trong giao tiếp, biết nội trợ và biết làm đẹp cho bản thân. Đối với bé trai, cha mẹ dạy cho các con tính thẳng thắn cương quyết, quyết đoán…

Ở giai đoạn tiền dậy thì (11-15 tuổi), phụ huynh chuẩn bị tâm lý để con đón nhận thay đổi của cơ thể như có hành kinh ở con gái, sự phát triển cơ bắp và mộng tinh của con trai… Giáo dục giới tính ở giai đoạn này nhằm hoàn thiện nhân cách, nâng cao khả năng chịu tránh nhiệm trong quan hệ khác giới, biết cách phòng tránh những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Vì vậy, cha mẹ có thể trò chuyện với con cái một cách thẳng thắn những chủ đề khác nhau, như sự phát triển về thể chất và tâm sinh lý, mối quan hệ giữa tình bạn khác giới, tình yêu, sinh đẻ, thai nghén và những quan hệ giới tính khác.

Giáo dục giới tính cho con luôn là sự ngại ngần với phần lớn bậc phụ huynh. Chính vì thế, với các bước trên đây do chuyên gia tư vấn, các bậc phụ huynh có thể áp dụng thường xuyên trong cuộc sống. Chỉ có như thế, sức khỏe sinh sản cho các thế hệ kế tiếp mới được nâng lên và đảm bảo chất lượng.

C.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN