Trại giam Ngọc Lý, nơi “gieo mầm” hướng thiện

Bằng tấm lòng chân thành, sự cảm thông sâu sắc và trách nhiệm trong công việc cảm hóa, giáo dục phạm nhân, các cán bộ, chiến sĩ ở Trại giam Ngọc Lý (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã giúp phạm nhân nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo, sớm chấp hành xong án phạt tù để trở về với gia đình. Nơi đây đã “gieo mầm” hướng thiện, giúp những người một thời lầm lỗi có cơ hội được hoàn lương, trở về với gia đình, cộng đồng.

Trại giam Ngọc Lý được thành lập năm 1982 với tên gọi là Trại quản lý và cải tạo phạm nhân Đồng Hưu tại xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, tỉnh Hà Bắc (cũ). Năm 1984, Trung tâm trại được chuyển về đóng tại xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và đổi tên thành Trại giam Ngọc Lý, trực thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an. Trại giam Ngọc Lý gồm 4 phân trại, một khu sản xuất và một khu trung tâm chỉ huy đóng trên địa bàn các huyện Tân Yên, Yên Dũng, Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) và huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Hiện Trại đang quản lý, giam giữ hơn 4.500 phạm nhân, phạm các tội nguy hiểm có mức án từ chung thân trở xuống.

Cùng cán bộ, chiến sĩ đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt và lao động của phạm nhân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ ở đây. Không khí lao động diễn ra hăng say.

Phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Ngọc Lý tham gia lao động sản xuất. Ảnh: Việt Hùng-TTXVN


Đại úy Nguyễn Văn Lai, cán bộ Trại giam Ngọc Lý cho biết: Công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân được Ban lãnh đạo Trại thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Phạm nhân được phân loại quản chế và giam giữ đúng đối tượng, phạm nhân nữ, phạm nhân vị thành niên được giam giữ ở khu riêng. Tất cả phạm nhân mới đến Trại đều được tổ chức học tập pháp luật, nội quy trại giam.

Cảm nhận rõ nhất khi chúng tôi đến thăm Trại giam Ngọc Lý là tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, có thể coi là “tình người trong kỷ luật”. Ở đây, dù bị cách ly khỏi cộng đồng, nhưng phạm nhân vẫn được cập nhật thông tin về đời sống xã hội qua các buổi sinh hoạt, xem tivi, đọc báo... Hàng năm, trại đều tổ chức các lớp học xóa mù, dạy văn hóa cho phạm nhân. Ngày nghỉ, trại tổ chức cho phạm nhân xem phim về khoa học - giáo dục, tham gia các hoạt động văn nghệ thể thao, mỗi phân trại đều có đội văn nghệ, bóng chuyền, bóng đá... Cán bộ, chiến sĩ Trại giam Ngọc Lý rất chú trọng đến chế độ ăn, ở, mặc, phòng và chữa bệnh cho phạm nhân. Tất cả phạm nhân sau khi vào Trại đều được cán bộ y tế thăm khám, lập phiếu sức khỏe lưu hồ sơ, bố trí lao động phù hợp với sức khỏe, tuổi tác. Phạm nhân ốm đau đều được khám chữa bệnh kịp thời. Với những phạm nhân bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá, Trại tạo điều kiện tốt nhất cho họ chuyển đến các bệnh viện tuyến trên để điều trị kịp thời.

Lĩnh án 7 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạm nhân Trần Thị Thanh, quê Bắc Giang, cho biết: Tất cả những điều kiện sinh hoạt, nơi ăn, chốn ở, công việc, lao động cải tạo đều được ban giám thị, cán bộ Trại giam quan tâm sát sao, tạo mọi điều kiện cho phạm nhân có tinh thần thoải mái để cải tạo, phấn đấu rèn luyện, sớm trở về với gia đình và cộng đồng. Không chỉ dạy chữ, dạy văn hóa, Trại còn tổ chức các lớp dạy nghề như may mặc, điện tử, chăn nuôi, trồng trọt…, sau đó bố trí phạm nhân vào các đội sản xuất phù hợp, vừa tạo ra sản phẩm, vừa giúp phạm nhân sau khi ra Trại có một nghề để kiếm sống.


Đối với những phạm nhân sắp mãn hạn tù, Trại còn tổ chức cho họ học lớp tái hòa nhập cộng đồng, liên hệ với Hội Luật gia, Hội Liên hiệp Thanh niên nhằm giúp phạm nhân nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm, nâng cao trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn trật tự xã hội, phòng chống HIV/AIDS, không để xảy ta tình trạng tái phạm. Các cán bộ, chiến sĩ ở Trại giam Ngọc Lý lấy tình người để đối xử với phạm nhân. Họ sử dụng phương pháp cảm hóa để thuyết phục, khuyên nhủ phạm nhân nghiêm chỉnh chấp hành án, yên tâm cải tạo. Chính vì vậy, các phạm nhân đều gọi cán bộ là “thầy”, “cô”, và xưng “em” rất tự nhiên. Có thể nói, nơi đây như một “trường học thứ hai” giúp những người đã từng lầm lỗi học lại bài học về đạo đức, pháp luật, khơi dậy những “mầm thiện” trong mỗi con người.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, Thiếu tá Nguyễn Thị Oanh, cán bộ quản giáo Trại giam Ngọc Lý cho biết: “Có nhiều phạm nhân vào Trại vẫn ương ngạnh, máu anh chị nổi lên, còn lôi kéo cả những phạm nhân khác chống đối theo. Với những trường hợp như thế, cán bộ quản giáo phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu về tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình xem họ có khúc mắc, khó khăn gì trong quá trình cải tạo để động viên phạm nhân có cái nhìn nhận đúng đắn hơn, chấp hành tốt nội quy”.

Công tác giảm án, đặc xá cho phạm nhân được cán bộ, chiến sĩ Trại giam đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Trại đều tổ chức các đợt xét giảm án theo đúng kế hoạch, yêu cầu, quy định. Hàng chục nghìn phạm nhân đã được giảm án tha tù trước thời hạn. Đây là động lực giúp phạm nhân tích cực cải tạo để sớm nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Dịp 2/9 năm nay, Trại giam Ngọc Lý có 573 trường hợp được đặc xá, điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với phạm nhân. Kết quả này là cả một sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi trong công tác giáo dục người phạm tội của cán bộ, chiến sĩ trong Trại. “Công tác đặc xá thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước với người phạm tội, là cơ hội để những người đã cải tạo tiến bộ sớm trở về với gia đình, trở thành người lương thiện có ích cho xã hội, đồng thời là động lực thúc đẩy cho những phạm nhân chưa đủ điều kiện đặc xá phấn đấu cải tạo tốt hơn, để sớm có cơ hội được nhận sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phạm nhân cải tạo, đồng thời đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc trong xét giảm án cho phạm nhân” - Trung tá Bùi Văn Luận, Phó Giám thị Trại giam Ngọc Lý khẳng định.

Được đặc xá trong dịp này, phạm nhân Trần Văn Hiển, Phân trại số 1, Trại giam Ngọc Lý, không dấu khỏi xúc động cho biết: “Tôi rất vui mừng vì mình có tên trong danh sách đặc xá đợt này, và vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước với chính sách khoan hồng đã tạo điều kiện cho những người lầm lỗi, những người ăn năn hối cải thực sự như tôi có cơ hội sớm trở về gia đình, làm lại cuộc đời”.

Đồng Thúy (TTXVN)
Niềm vui, sự bồi hồi trước ngày đặc xá
Niềm vui, sự bồi hồi trước ngày đặc xá

Như 18 nghìn phạm nhân được đặc xá trên cả nước, những ngày này anh em Đoàn Văn Vươn sống trong bầu không khí háo hức, hồi hộp chờ ngày đặc xá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN