TP Hồ Chí Minh: Thiếu sân chơi cho trẻ em


TP Hồ Chí Minh có 23 nhà thiếu nhi từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 6.000/1,7 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Việc thiếu sân chơi cho trẻ là một trong những nguyên nhân đẩy nhiều em đến với các trò chơi thiếu lành mạnh, mang tính bạo lực, nghiện game online...

Để tìm được một sân chơi giải trí giúp trẻ rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần tại TP Hồ Chí Minh hiện nay là khá khó khăn. Thực tế, TP.HCM vẫn có những sân chơi đang hoạt động nhưng không đáp ứng đúng và đủ nhu cầu cho trẻ em. Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nhận định: “Hiện nay, số lượng sân chơi cho trẻ em thành phố rất ít. Sân chơi trí lực còn yếu và nặng về năng khiếu”.


Điểm vui chơi cho trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn khá khiêm tốn-Ảnh CTV


Bà Thảo dẫn chứng: Nhà thiếu nhi tại một số quận, huyện chỉ dạy đàn, ngoại ngữ, vẽ, bơi... và các lớp học này cũng căng thẳng chẳng kém gì các lớp học tại các trường vì cũng có kiểm tra, thi lên lớp... Điều này khiến trẻ đến nhà thiếu nhi tưởng được xả stress sau những giờ học căng thẳng, nhưng kết quả nhiều lúc còn bị căng thẳng hơn. Ngoài ra, nhiều nhà thiếu nhi còn tận dụng sân chơi cho trẻ để kinh doanh như: Làm bãi giữ xe ô tô, cho thuê mặt bằng làm nhà hàng tiệc cưới, mở trung tâm luyện thi đại học, thậm chí dành ra vài trăm mét vuông để cho thuê bán gốm sứ như nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức... Đó là những lý do vì sao nhu cầu vui chơi của trẻ em rất lớn, nhưng các nhà thiếu nhi chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.

Công viên cũng là điểm vui chơi ngoài trời lý tưởng cho trẻ em. Tuy nhiên, theo khảo sát thì chỉ có khoảng 7% trẻ chơi ở công viên trong khi thành phố có trên 120 ha đất công viên. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con em mình ra công viên chơi bởi công viên bây giờ quá xô bồ và ẩn chứa nhiều tệ nạn xã hội. Hơn nữa, hiện nay nhiều công viên biến thành chỗ bán hàng rong, tổ chức sự kiện quảng cáo và là nơi “đóng phim” của các cặp yêu nhau. Bên cạnh đó, các công viên cũng thường thiếu các khu vui chơi dành cho trẻ em nên phụ huynh dắt con em ra đây cũng không biết cho trẻ chơi trò gì.

Theo bà Hồ Thị Luấn, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, việc thiếu sân chơi giải trí thực thụ khiến trẻ không có môi trường phù hợp để tiếp thu những bài học quan trọng để bồi dưỡng kỹ năng sống như: Thực hành giao tiếp xã hội, học cách bình tĩnh, kiềm chế bản thân, học cách vượt qua thất bại và quan trọng nhất là học cách hiểu người khác... Đây là một trong số những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng bạo lực trong giới trẻ ngày càng gia tăng.

Theo bà Hồ Thị Luấn, sân chơi đạt tiêu chuẩn là nơi phải thu hút được trẻ em và tạo không gian vui chơi thật sinh động, hình thức đa dạng, kích thích trí sáng tạo, đồng thời nâng cao thể lực phù hợp với các độ tuổi.

TP Hồ Chí Minh đến năm 2015 có khoảng 10 triệu dân, trong đó có hơn 3 triệu trẻ em. Để có thể chăm sóc tốt đời sống tinh thần cho trẻ em thành phố, theo bà Phạm Phương Thảo thì thành phố nên quy hoạch quỹ đất dành sân chơi cho trẻ em; đẩy mạnh xây dựng nhà thiếu nhi các quận, huyện; đầu tư ngân sách nhà nước và kêu gọi xã hội hóa để xây dựng khu vui chơi tại các công viên trên địa bàn, đồng thời miễn giảm thuế, phí đối với các trò chơi trẻ em.

Phương - Tuyết
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN