2.383 ca mắc COVID-19 mới
Ngày 12/7/2021, Việt Nam ghi nhận thêm 2.383 ca mắc mới, trong đó TP Hồ Chí Minh có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất (1.764 ca), tiếp theo là Bình Dương 128 ca, Tiền Giang 118 ca, Đồng Nai 82 ca, Khánh Hòa 58 ca,...
Như vậy, đến 19 giờ ngày 12/7, Việt Nam có tổng cộng 30.259 ca ghi nhận trong nước và 1.940 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 28.689 ca, trong đó có 6.557 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 11 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Lào Cai, Quảng Ninh.
Có 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Đắk Nông, Quảng Nam, Nam Định.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 539 ca.
Ngày 12/7 có thêm 56 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 123 ca. Số ca điều trị khỏi là 9.331 ca.
Tổng cộng, cả nước đã thực hiện tiêm chủng 4.051.585 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.774.138 người; số người đã được tiêm đủ 2 mũi là: 277.447 người.
Phó Thủ tướng đồng ý thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 4638/VPCP-KGVX ngày 12/7/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19.
Văn bản nêu rõ: Xét kiến nghị của Bộ Y tế tại Tờ trình số 1002/TTr-BYT ngày 7/7/2021 về việc cho phép thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo đề nghị của các tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:
Đồng ý các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà đảm bảo an toàn. Căn cứ phản hồi của các tỉnh đang thực hiện, Bộ Y tế rà lại hướng dẫn cho sát với thực tiễn.
Kiểm soát chặt người vào thành phố Hà Nội
Theo Công điện số 14/CĐ-CTUBND, do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành đầu giờ chiều ngày 12/7/2021, Hà Nội sẽ kiểm soát chặt người về từ vùng dịch, cách ly 14 ngày với người về từ TP Hồ Chí Minh, test tất cả những người vào Hà Nội..
Theo công điện này, ngày 11/7/2021, Thành phố Hà Nội ghi nhận 18 ca mắc trong đó phần lớn là các trường hợp về từ Thành phố Hồ Chí Minh; đây là nguy cơ, rủi ro, lây lan dịch bệnh rất lớn cho nhân dân Thủ đô.
TP Hà Nội yêu cầu tăng cường kiểm soát toàn bộ người dân từ các tỉnh, thành phố trở về Thành phố: Yêu cầu người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc các vùng dịch khác hoặc có tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nêu trên phải khai báo đầy đủ trung thực, phải có giấy xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 tối đa 3 ngày trước khi trở lại Thành phố; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đi vào các địa bàn có dịch nêu trên vẫn phải thực hiện xét nghiệm trước khi trở lại Thành phố. Lập các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa, các bến tàu, bến xe liên tỉnh vào Thành phố và tại Cụm cảng hàng không miền Bắc: Kiểm soát toàn bộ người, phương tiện ra, vào Thành phố tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc chủ động với toàn bộ người từ các tỉnh, thành phố khác trở về Thành phố, đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh xâm nhập.
Từ 0 giờ ngày 13/7/2021, Hà Nội áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch, cách ly tại nhà 14 ngày.
Đặc biệt, từ 0 giờ ngày 13/7/2021: Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Trong chiều 12/3, tại phiên họp trực tuyến Ban Chỉ đạo chống COVID-19 với các quận, huyện của TP Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã khẳng định: Đối với người đi từ vùng có dịch về, đặc biệt là các tỉnh phía nam và TP HCM, chính quyền địa phương sẽ thực hiện ra quyết định cách ly tại nhà 14 ngày thay vì 7 ngày như trước đây, đồng thời thực hiện xét nghiệm 3 lần.
Tại các cửa ngõ vào thành phố, Sở Y tế cũng sẽ kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR-Realtime âm tính trong vòng 3 ngày kể từ khi người dân trở về Hà Nội.
Cũng tại cuộc họp, Công an TP Hà Nội cho biết: Dự kiến sẽ lập 22 chốt kiểm soát người, phương tiện liên quan công tác kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ, đường nhánh... ra vào Thủ đô. Thời gian lập chốt dự kiến vào ngày 14/7.
TP Hồ Chí Minh vượt mốc 13.000 ca mắc COVID-19
Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh liên tục gia tăng trên 1.000 trường hợp/ngày. Đến nay, số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã vượt mốc 13.000 trường hợp và đang tiếp tục tăng.
Để ứng phó với tình huống xấu nhất, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị phương án 50.000 giường bệnh qua việc trưng dụng ký túc xá, chung cư tái định cư để làm bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.
Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã thành lập 8 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với 29.730 giường; trong đó, ngày 11/7 đã bàn giao Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 (5.000 giường), dự kiến trong 5 ngày nữa sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 5, 7, 8. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị được 28.500 giường thu dung bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và dự kiến số giường sẽ tăng lên 30.000, thậm chí đã sẵn sàng cho kịch bản 50.000 giường. Thành phố luôn chuẩn bị sẵn sàng xe cứu thương ở các bệnh viện thu dung COVID-19 để chuyển các bệnh nhân này sang bệnh viện điều trị.
Về vấn đề thu dung và điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, trước tình hình dịch bệnh còn diễn tiến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh quyết định đưa vào sử dụng thêm một bệnh viện 1.000 giường hồi sức. Ước tính trung bình 1.000 giường bệnh sẽ cần khoảng 200 nhân lực y tế.
Theo tính toán của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố cần khoảng 1.500 bác sĩ, 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị theo 2 đợt.
Trong thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến đầu tại TP Hồ Chí Minh cũng đã cử hàng trăm nhân viên y tế đến các Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 để tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân nặng. Trước đó, tại buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu rõ Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị đội ngũ gần 10.000 cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng chi viện cho TP Hồ Chí Minh.
Được biết, hiện nay, theo đề nghị của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các bệnh viện trung ương trên địa bàn và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên của các trường y tế trên cả nước trong tuần này sẽ có mặt tại TP Hồ Chí Minh để chi viện, phối hợp với chính quyền và y tế sở tại để thực hiện nhiệm vụ.
TP Hồ Chí Minh thay đổi thứ tự đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19
Chiều tối 12/7, tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ thay đổi thứ tự đối tượng ưu tiên trong đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 thứ 5.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã được phân bổ hơn 54.000 liều vaccine Pfizer và 1 triệu liều vaccine Moderna. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng số vaccine này. Trong đợt tiêm chủng lần thứ 5, TP Hồ Chí Minh sẽ thay đổi thứ tự đối tượng ưu tiên tiêm, cụ thể là tập trung tiêm cho những người có bệnh lý nền; những người trên 65 tuổi; người nghèo, đối tượng chính sách. Để triển khai tiêm vaccine cho đúng các đối tượng trên, Sở Y tế sẽ phối hợp với các quận, huyện lập danh sách cụ thể.
Dự kiến việc tiêm vaccine diễn ra trong thời gian từ 2-3 tuần. Thành phố sẽ lập điểm tiêm tại 312 trạm y tế quận, huyện và mỗi quận, huyện sẽ tổ chức thêm một địa điểm tiêm khác. Thành phố dự kiến tổ chức 630 điểm tiêm, dự kiến tiêm cho 120 người/điểm tiêm/ngày. Để đảm bảo giãn cách, thời gian tiêm sẽ diễn ra trong các khung giờ 8 giờ-13 giờ, 15 giờ-20 giờ hàng ngày trong suốt thời gian triển khai.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang tổng hợp nhu cầu và nghiên cứu đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho các "shipper". Hiện có 10.000 tài xế đã được tiêm vaccine, trong đó có 4.000 tài xế xe tải, 6.000 tài xế xe taxi, xe buýt.
Không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với trường hợp đi lại trong TP Hồ Chí Minh
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các Sở, ngành về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có yêu cầu các chốt không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với trường hợp đi lại trong thành phố.
UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Ban quản lý các KCX-KCN-KCNC tăng cường tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2279 của UBND TPHCM; yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.
Các đơn vị, ban ngành cần chủ động làm việc với các công ty, nhà máy, xí nghiệp được phép hoạt động trên địa bàn quản lý để phối hợp với các địa phương, các tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh có công nhân, chuyên gia thường xuyên di chuyển qua lại có giải pháp hạn chế đi lại (tổ chức ăn, nghỉ tại nơi sản xuất; tổ chức xe ô tô đưa rước tập trung công nhân, chuyên gia nhằm hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân lưu thông qua lại giữa các địa phương); tùy theo điều kiện làm việc cụ thể, xem xét điều chỉnh quy mô, quy trình sản xuất tại các phân xưởng nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo đúng quy định; có phương thức kiểm tra, xử lý phù hợp, tránh để xảy ra ùn tắc, tập trung đông người; ưu tiên các phương tiện đã được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp Giấy nhận diện khi lưu thông qua khu vực kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.
UBND TP Hồ Chí Minh giao Công an TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm, đúng quy định đối với các trường hợp lưu thông trên đường mà không thật sự cần thiết, không có lý do chính đáng; chỉ đạo các lực lượng ứng trực tại các chốt phòng, chống dịch COVID-19 có giải pháp linh hoạt trong quá trình hoạt động để hạn chế ùn tắc giao thông, tập trung đông người; phối hợp với Sở GTVT tổ chức phân luồng tạo làn riêng (luồng xanh) và được ưu tiên kiểm tra nhanh đối với các phương tiện đã được Sở GTVT cấp Giấy nhận diện.
Xem xét mở lại một phần chợ đầu mỗi Thủ Đức
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 12/7, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 68/273 chợ hoạt động.Cả 3 chợ đầu mối lớn trên địa bàn đều tạm ngưng do liên quan đến các ca mắc COVID -19.
"Trong 1-2 ngày tới, Sở sẽ xem xét cho mở cửa trở lại một phần chợ đầu mối Thủ Đức trên cơ sở đánh giá các điều kiện phòng, chống dịch tại chợ này. Riêng chợ đầu mối Hóc Môn, Sở đã nhận được phương án của Ban quản lý chợ nhưng chưa được thống nhất hoàn toàn vì còn chờ UBND huyện Hóc Môn phê duyệt. Riêng chợ đầu mối Bình Điền do nằm trong khu phong tỏa nên chưa thể mở cửa trở lại", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.