Tính bỏ việc vì đề xuất bỏ 60 phút cho con bú

Thông tin về việc bỏ quy định lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc khiến nhiều người vô cùng lo lắng.

Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và con

Phụ nữ luôn chịu nhiều vất vả, áp lực trong việc sinh và nuôi con nhỏ khi vẫn phải tham gia lao động. Nhiều phụ nữ rất khó khăn để có thể hồi phục sức khỏe sau khi sinh con.

Chính vì vậy, việc lao động nữ được nghỉ 60 phút trong một ngày làm việc mà vẫn hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động theo quy định tại điều 155, Bộ luật Lao động được cho là rất hợp lý, tạo tâm lý thoải thoái cho lao động nữ, vừa đảm bảo sức khỏe cho trẻ nhỏ.

Nhân viên y tế khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho mẹ và bé. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 mới đây có nhiều thay đổi liên quan tới quyền của lao động nữ tại nơi làm việc, trong đó có việc bỏ quy định lao động nữ được nghỉ 60 phút mỗi ngày trong thời gian nuôi con nhỏ. Dự kiến, tháng 3/2017, Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ được trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 4 trình Quốc hội xem xét.

Thông tin này đã trở thành chủ đề “nóng” được người dân bàn luận nhiều trong thời gian qua. Đặc biệt, hàng nghìn lao động nữ đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước tỏ ra lo ngại khi biết thông tin sẽ không được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc.

Chị Hà Thị San, công nhân Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho hay, con chị mới được 7 tháng, cháu rất hay quấy khóc về đêm. Ngày đi làm vất vả, về đến nhà là con khóc, đòi theo mẹ, đêm phải thức giấc nhiều lần để dỗ dành và cho con bú.

Nhiều lúc, chị San mệt mỏi, gần như kiệt sức, luôn trong tình trạng thèm một giấc ngủ hoặc được nghỉ ngơi chút ít. “Với những bà mẹ đang nuôi con nhỏ, được nghỉ 60 phút mỗi ngày là vô cùng quý giá. Nếu quy định này bị cắt, có lẽ tôi phải bỏ việc để chăm con rồi sau này tìm chỗ khác để đi làm vậy”, chị San lo lắng.

Cùng chung tâm trạng như chị San, chị Lại Thị Hương, quê ở Thái Bình, đang làm việc tại công ty YAMAHA cũng đang trải qua những ngày tháng nuôi con mọn vất vả. Là nhân viên trực tiếp sản xuất trong nhà máy, chị phải làm việc liên tục 7 tiếng/ngày.

Theo quy định hiện hành, chị được đi muộn hoặc nghỉ sớm hơn để kịp cho con bú, chuẩn bị thức ăn dặm cho con. “Với người khác, có thể 1 tiếng mỗi ngày không có nhiều ý nghĩa, nhưng với chúng tôi, đó là quãng thời gian tranh thủ việc nhà, chăm con và nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe. Nếu quy định này bị bãi bỏ, lao động nữ đang nuôi con nhỏ đã vất vả sẽ càng vất vả hơn và nguy cơ stress là rất cao.”, chị Hương chia sẻ.

Nhu cầu của chị San, chị Hương cũng là mong mỏi của hàng nghìn nữ công nhân nghèo đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước. Việc áp dụng các ưu đãi như giảm thời gian làm việc, bố trí vị trí công việc phù hợp, không phân công công tác xa nhà, dài ngày thực sự rất cần thiết đối với lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi.

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Trẻ em, trong đó nhất trí phải chăm sóc giáo dục toàn diện trẻ ở 1.000 ngày đầu tiên. Tại nhiều cuộc bàn tròn, các chuyên gia cũng khẳng định cần phải giáo dục toàn diện trẻ ở 3 năm đầu đời để phát triển tiềm năng thể lực cũng như trí tuệ. Trong giai đoạn này, không có mối quan hệ tương tác nào giá trị hơn giữa mẹ và trẻ, giúp bé thích nghi với môi trường bên ngoài.

Phó Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, sữa mẹ là quý nhất, không gì thay thế được để trẻ phát triển ở giai đoạn vàng. Não bộ của đứa trẻ rất cần sữa mẹ để phát triển. Không những thế, sữa mẹ còn có sức đề kháng, vắc xin tốt nhất chống lại các nhiễm khuẩn và bệnh tật cho bé.

Việc cho con bú trực tiếp chính là sự tương tác, giao tiếp, truyền đạt... từ đó kích thích sự phát triển của trẻ, cả về thể lực lẫn trí tuệ. Được nghỉ 60 phút cho con bú người mẹ sẽ thoải mái tinh thần, kích thích tuyến sữa tiết ra nhiều và có chất lượng hơn để đảm bảo nuôi con tốt hơn so với việc vắt sữa ra từ sáng rồi trữ trong tủ lạnh.

Vì thế, việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội định bỏ quy định 60 phút mỗi ngày đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà mẹ và vấn đề dinh dưỡng của đứa trẻ.

Không nên xóa bỏ một quy định nhân văn

Nguyên nhân dẫn đến việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có thể sẽ sửa đổi Dự thảo luật Lao động là do nhiều công ty, doanh nghiệp đề xuất rằng, việc cho lao động nữ nghỉ 60 phút/ ngày làm ảnh hưởng đến quy trình, tiến độ sản xuất, nhất là những ngành nghề có nhiều công nhân nữ như dệt may, da giầy…

Nhiều doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, họ đề nghị người lao động nữ cam kết không sinh con trong 2-3 năm và chủ động cho lao động nữ nghỉ việc khi vi phạm cam kết trước khi công ty thu nhỏ sản xuất kinh doanh.

Đại diện các doanh nghiệp lý giải rằng, ưu tiên cho lao động nữ trong quá trình làm việc là đúng đắn và công bằng. Tuy nhiên, với quy định lao động nữ được nghỉ 60 phút mỗi ngày như hiện nay sẽ làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong bố trí kế hoạch, tăng chi phí sản xuất.


Những công ty có ít lao động nữ thì sự ảnh hưởng đó không quá lớn và nằm trong khả năng tự điều chỉnh, sắp xếp của doanh nghiệp, nhưng với nhiều công ty, khi lao động nữ chiếm gần 100% thì đó là cả một vấn đề không hề nhỏ.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: Phụ nữ sau khi sinh rất cần thời gian để phục hồi sức khỏe cũng như nuôi con. Các doanh nghiệp nên tính toán sao cho phù hợp nhất, không nên chỉ vì lợi nhuận mà bỏ hẳn một điều khoản tốt đẹp trong luật bao nhiêu năm chúng ta mới có được. Không nên bỏ một quy định rất nhân văn như vậy.

Theo đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An, trẻ em là thế hệ tương lai, là nguồn lực của đất nước nên ưu tiên cho phụ nữ cũng là mang lại những lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Bên cạnh đó, thời gian dành cho ưu đãi này cũng chỉ diễn ra khoảng 6 tháng, vì vậy không tác động nhiều tới hoạt động của doanh nghiệp.

Kể cả có khó khăn trong việc bố trí kế hoạch sản xuất, thì doanh nghiệp cũng nên thông cảm và tạo điều kiện cho lao động. Đó cũng là một trong những cách khuyến khích, động viên để họ cống hiến nhiều hơn nữa cho công việc, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Trước nhiều ý kiến phản đối về việc này, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, việc các doanh nghiệp đề xuất bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày sẽ được xem xét kỹ.

Đây mới chỉ là một phương án khi đưa ra lấy ý kiến của các bộ ngành, người dân. Bộ Lao động Thương binh Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và bình đẳng giới nên trước khi trình dự thảo Luật Lao động sẽ phải tham khảo ý kiến đầy đủ các bên để đảm bảo tính công bằng nhân văn.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước thực hiện chế độ thai sản cho lao động nữ khá tốt so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh khác, điều kiện làm việc, chế độ tiền lương ở các nước trong khu vực lại cao hơn, dịch vụ chăm sóc sức bà mẹ, trẻ em của họ cũng tốt hơn.

Với việc kiến nghị bãi bỏ quy định trên, các chủ doanh nghiệp hy vọng họ sẽ có thêm một giờ làm việc của phụ nữ, nhưng sự mệt mỏi về thể xác, căng thẳng về tinh thần, nỗi niềm lo lắng cho con nhỏ ở nhà, liệu một giờ đồng hồ đó có đem lại thêm nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Đỗ Bình (TTXVN)
Có thể bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày
Có thể bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày

Ngày 9/1, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) cho biết: “Sẽ xem xét đề xuất bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày của dự thảo Luật Lao động sửa đổi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN