Thiếu nước ngay cạnh công trình cấp nước sinh hoạt

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái, hiện trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hơn 400 công trình cấp nước sạch tập trung, nhưng đến nay có tới 30% công trình không phát huy hiệu quả hoặc kém hiệu quả, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

Người dân Yên Bái, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn đang trong tình trạng đi lấy từng can nước về sinh hoạt ở ngay cạnh công trình cấp nước đã được đầu tư xây dựng.

Đã đến lúc cần xem xét lại hiệu quả và cách thức đầu tư xây dựng các công trình nước sạch nông thôn thuộc địa bàn đặc thù ở tỉnh miền núi này.

Gần 10 năm nay, ngày 2 lượt, bà Hoàng Thị Nhình ở thôn Lò Gạch, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phải đi xin từng can nước. Ở đây, nước sinh hoạt không chỉ thiếu vào mùa khô mà là quanh năm suốt tháng. Cũng bởi thế, hình ảnh người dân đi xin nước không hiếm gặp vào mỗi buổi sớm, buổi chiều tại thôn này.

Bà Nhình cho biết, ở đây thiếu nước lắm, nhà có điều kiện người ta chung nhau đào nước sạch nhưng tôi già rồi nên nước ăn hàng ngày thì đi xin hàng xóm, nước giặt giũ thì lấy tạm ở cái giếng đào tay thôi.

Đáng lưu ý là tại đây, từ năm 2003, nhà nước đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch tập trung nhưng người dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng.

Cố gắng xây bể chứa nước rồi lại đập bể đi là thực trạng của hầu hết các gia đình. Có nhà xây bể xong chỉ dùng đúng được 1 lần duy nhất vì không có nước sạch. Biết là nước giếng bị ô nhiễm nhưng gia đình bà Nhình cũng không có sự lựa chọn nào khác.

Theo phản ánh của chính quyền cũng như người dân, công trình nước sạch tự chảy của thôn chỉ có nước trong một thời gian rất ngắn khi mới đi vào hoạt động và cũng không phải hộ dân nào trong làng cũng có nước để dùng. Được biết, thiết kế của công trình này có công suất 500m3 nước/ngày-đêm nhưng do đầu nguồn không có nước nên công trình đã bị bỏ hoang gần 10 năm nay.

Cũng như ở Hạnh Sơn, công trình cấp nước sinh hoạt ở thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. 400 nhân khẩu ở bản tái định cư này đang phải tự lo nước sinh hoạt hàng ngày. Từ năm 2010 đến nay, bà con góp tiền mua đường ống dùng tạm. Nhưng nếu bị sạt lở toàn bộ bể chứa nước của công trình cũng sẽ không còn.

Trên địa bàn huyện Văn Chấn hiện có 75 công trình cấp nước tập trung, trong đó có tới 15 công trình hoạt động kém hiệu quả và 9 công trình không hoạt động được. Ngoài việc quản lý kém hiệu quả thì việc khảo sát để đặt địa điểm công trình là nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt ngay cả khi gia đình họ ở ngay cạnh công trình cấp nước sinh hoạt.

Không chỉ tại Văn Chấn, các công trình nước sạch ở nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại thôn Làng Mác, Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, công trình cấp nước sinh hoạt được khởi công và đưa vào sử dụng năm 2000 từ nguồn vốn của UNICEF với công suất thiết kế là 73m3 nước/ngày đêm. Nhưng chỉ được một thời gian, công trình đã không còn cung cấp nước cho người dân.

Ông Lự Kim Vi, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Lạc cho biết: Mấy năm trở lại đây, do tác động của môi trường, lượng mưa mỗi năm có giảm đi, lượng nước không đảm bảo để phục vụ cho công trình này nữa. Do vậy, nước từ công trình phục vụ được rất ít hộ, chỉ những hộ gần mới sử dụng được, còn các hộ ở xa thì không thể có nước chảy đến được.

Vì vậy, các gia đình ở Làng Mác đều tích can để chứa nước dùng tạm trong những tháng cao điểm. Một số hộ tự đào giếng để có nước sinh hoạt. Nhưng cũng có nơi không thể đào được giếng, người dân phải góp tiền mua đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về để sử dụng.

Nguyên nhân của tình trạng này là do chất lượng thi công công trình kém, thiết kế không đảm bảo, quản lý vận hành kém, không có nguồn vốn để sửa chữa mỗi khi công trình bị hỏng... Ngoài ra, ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu dẫn tới tình trạng khi xây dựng công trình thì nguồn nước cung cấp đủ nhưng sau một thời gian, nguồn nước cạn kiệt dần không thể đáp ứng được nhu cầu cho người dân nữa...

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, tìm ra giải pháp để các công trình cấp nước sạch ở Yên Bái đáp ứng được nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt này.


Đức Tưởng (TTXVN)

Kiên Giang: Nhiều nơi thiếu nước sạch
Kiên Giang: Nhiều nơi thiếu nước sạch

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện nay, nhiều nơi người dân thiếu nước sạch sử dụng sinh hoạt, nhất là vào mùa khô, tập trung ở các địa phương vùng ven biển.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN