Thấp thỏm với thị trường rau Tết

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ cuối tháng 12/2012 đã ảnh hưởng nặng đến sản xuất rau, giá rau cao ngất ngưởng khiến người tiêu dùng lo ngại. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không thiếu rau cung ứng cho thị trường trước và sau Tết.

 

Tăng giá ở khâu lưu thông


Cách Tết gần một tháng, ở Hà Nội, giá hầu hết các loại rau xanh, củ, quả đều tăng vọt. Theo ghi nhận của Tin tức, tại chợ Nghĩa Tân, chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong 2 tuần nay, giá các loại rau, củ tăng rất mạnh. Cà chua có giá 30.000 đồng/kg, khoảng 1 tuần trước đó là 15.000 đồng/kg; xà lách từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; cải bắp từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; khoai tây từ 16.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; su hào từ 3.000 đồng/củ lên 8.000 đồng/củ. Một số loại rau như cải chíp, cải mơ, cải cúc… đều tăng 4.000 - 6.000/kg so với trước đây. Giá rau tại các cửa hàng rau sạch còn cao hơn 5.000 - 7.000/kg, thậm chí có một số mặt hàng như khoai tây là 35.000 đồng/kg, cao hơn ngoài chợ đến 10.000 đồng/kg.


 

Thời tiết lạnh ảnh hưởng đến năng suất rau xanh, rau sinh trưởng chậm.

Khảo sát tại các chợ cóc cũng thấy giá rau cao gấp đôi so với 2 tuần trước. Bắp cải là 15.000 đồng/kg; giá cà chua là 23.000 - 25.000 đồng/kg; khoai tây 18.000 - 20.000 đồng/kg; cải cúc 20.000 đồng/kg; xà lách 30.000 đồng/kg; su hào 5.000 -6.000 đồng/củ… Chị Bùi Thị Sâm, một người bán rau ở chợ cóc trong khu nhà C, tổ 37, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Khoảng hơn 10 ngày nay, các loại rau, củ bắt đầu tăng giá. Tôi vẫn lấy rau ở chợ đầu mối Đồng Xa, lúc giá mới tăng, tôi thắc mắc thì thương lái giải thích vì dạo này trời rét quá, rau không lên được”.


Giá rau tại những chợ rau đầu mối lớn của Hà Nội có “mềm” hơn do ở đây tập trung số lượng lớn và bán buôn. Tuy nhiên theo những người bán hàng, giá rau đã tăng đáng kể trong mấy tuần qua. “Loại nào cũng tăng vùn vụt, nhất là rau sống”, chị Nga (Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội), chủ một sạp rau lớn ở chợ đầu mối trên đường Lê Đức Thọ kéo dài (quận Cầu Giấy) nói. Tại đây, giá cà chua khoảng 17- 20.000 đồng/kg, giá bán lẻ một số loại rau quả ở chợ đầu mối như cải ngọt là 10.000 đồng/kg, cải bắp 10.000 đồng/kg, cải thảo 13.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg, khoai tây 17.000 - 18.000 đồng/kg.


Giá rau tăng làm chi phí chợ búa của các bà nội trợ thêm nặng. “Nửa tháng trước, mỗi ngày tôi chỉ tốn 15.000 - 20.000 đồng mua rau. Bây giờ phải tốn tới 35.000 - 40.000 đồng”, cô Mùi (tổ 37, phường Dịch Vọng Hậu, Hà Nội) kể.


Về lý do khiến giá rau tăng, ngoài yếu tố thời tiết quá lạnh, rau sinh trưởng chậm, thậm chí có nơi còn mất mùa thì còn do các khâu trung gian tùy tiện đẩy giá. Và thực tế, việc tăng giá này không đem lại nhiều lợi ích cho người trồng rau. Vợ chồng anh Nguyễn Phan Quyết (Tây Tựu, Từ Liêm) cho biết: “Đợt rét vừa qua giá rau có tăng lên nhưng cũng chỉ hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Giá rau bán tại ruộng phụ thuộc nhiều vào lượng rau, như mấy hôm trước trời lạnh, rau lớn chậm thì giá cao hơn nhưng bình thường chênh lệch không lớn”. Người trồng rau ở Tây Tựu cho biết, giá rau cải xanh mua tại ruộng hiện nay là 8.000 - 9.000 đồng/kg; cải chíp 10.000 đồng/kg; cải cúc, cải ngọt 8.000 đồng/kg; khoai tây 13.000 - 14.500 đồng/kg; xà lách 10.000 - 12.000 đồng/kg… mà đó đã là giá bán lẻ. Tại làng rau Phúc Lý (Từ Liêm), giá các loại rau cũng không khác lắm so với Tây Tựu. Tuy nhiên, từ ruộng rau đến các chợ, giá rau đã tăng gần như gấp đôi đối với hầu hết các mặt hàng.

 

Không lo thiếu rau


Đánh giá về nguồn cung rau Tết cho thị trường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Quốc Doanh khẳng định: Với diện tích và sản lượng như hiện nay, lượng rau xanh cơ bản đủ cung cấp cho trước và sau Tết. Ở Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... theo tính toán đều dư thừa khoảng 30- 50% sản lượng. Chỉ có Hà Nội ước tính thiếu gần 200.000 tấn rau. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương, về tổng thể thì không thiếu rau, điều quan trọng là điều hòa giữa nơi thiếu và nơi thừa. “Tình hình nguồn cung dồi dào của các tỉnh lân cận, cộng với 200.000 tấn rau dư của khu vực phía Nam có thể đủ cung cấp cho miền Bắc”, ông Doanh cho biết.


Tuy nhiên, dự báo cuối tháng 1 sẽ còn một đợt không khí lạnh tăng cường tràn xuống miền Bắc gây rét đậm rét hại trên diện rộng. Một số vùng rau chuyên canh tương đối lớn như Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội), Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội)… nơi có diện tích rau tương đối lớn, nhiều ruộng rau có nguy cơ sinh trưởng chậm. Cục Trồng trọt cũng nhìn nhận nếu vẫn tiếp tục rét đậm thì có thể sẽ khan hiếm rau xanh. Vì vậy, hiện nay Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tranh thủ nắng ấm, đôn đốc nông dân tập trung chăm sóc để rau sinh trưởng tốt nhất. Với những diện tích rau chuyên màu đã thu hoạch, tập trung chỉ đạo bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng, khẩn trương làm đất, chuẩn bị hạt giống rau đa dạng chủng loại và đảm bảo chất lượng gieo trồng càng sớm càng tốt để có đủ lượng rau cung cấp cho thị trường trước và sau Tết. Lưu ý tăng cường phân hữu cơ, tập trung hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc rau màu sao cho đạt năng suất cao nhất và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Bài và ảnh: Thu Hồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN