Tạo dựng ý thức về an toàn giao thông

Yếu tố an toàn giao thông khi đi xe buýt luôn được người sử dụng quan tâm. Ý thức này đang được nâng cao từ cả phía lái xe và người sử dụng xe buýt


Anh Nguyễn Minh Hải, lái xe tuyến xe buýt số 44 Trần Khánh Dư – Bến xe Mỹ Đình: “Cơ chế thưởng phạt nghiêm có tác động đến ý thức lái, phụ xe”


Đa phần lái xe buýt đều ý thức được trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách trên xe. Chúng tôi luôn thực hiện đúng phương châm: Không bỏ khách ở tất cả các tuyến, kể cả vào những lúc 9 - 10 giờ tối hay khi trời mưa gió, rét mướt.


Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn có tình trạng lái xe vi phạm luật giao thông như lấn lề, lấn làn, chạy nhanh, chạy ẩu. Nguyên nhân không phải lái xe không ý thức được phải đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như hành khách, mà bởi đặc thù của xe buýt là phải xuất bến và về bến đúng giờ, trong khi cơ sở hạ tầng, đường sá không đáp ứng nổi nhu cầu và các phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều. Nếu đường nào cũng như đường Nguyễn Trãi, có làn dành riêng cho xe buýt thì chắc chắn 100% sẽ không có xe buýt nào dám chạy ẩu. Thêm vào đó là ý thức của người đi xe máy, ô tô cá nhân, nhiều người tham gia giao thông mà không nắm được luật, gây khó khăn cho lái xe buýt.


Từ khi Tổng Công ty vận tải Hà Nội áp dụng cơ chế thưởng phạt nghiêm cũng đã tác động lớn đến việc chấp hành quy định của lái xe. Theo đó, nếu muộn hoặc bị âm giờ thì sẽ phải bù cho đúng lịch trình. Công ty cho mỗi lái xe 10 điểm tương đương với 1 triệu đồng tiền thưởng, tùy theo lỗi vi phạm cụ thể sẽ bị trừ điểm dần, mức phạt về cơ bản là theo thang điểm bị trừ, nếu bị trừ quá 10 điểm đó thì sẽ trừ vào lương. Mức lỗi thấp nhất thường là 300.000 đồng. Còn trường hợp để mất an toàn hoặc có bất cứ vấn đề gì xảy ra thì tùy mức độ mà lái xe sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.


Anh Đào Văn Thái, nhân viên bán vé xe buýt số 19 Trần Khánh Dư – Bến xe Yên Nghĩa: Cùng nỗ lực để hoàn thiện hơn


Là phương tiện vận tải công cộng phục vụ hành khách rất đa dạng cả về lứa tuổi, trình độ, công việc và mức sống, nên cũng khá phức tạp. Đa số những người đi xe buýt đã có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh nội quy xe buýt, nhưng cũng có những hành khách chưa đi xe nhiều nên cách ứng xử của họ cũng còn hơi kém. Cụ thể như ăn kẹo cao su dán lên ghế, lên cửa sổ, đi vé ngày vứt lung tung… Là một phụ xe buýt, luôn lấy tiêu chí phục vụ hành khách làm đầu, coi những người đi xe cũng giống như người nhà của mình, nên nếu thấy có gì chưa đúng, chưa phải thì chúng tôi lên tiếng nhắc nhở. Bản thân phụ xe cũng không phải lúc nào cũng hoàn hảo, cũng có nhầm lẫn, sai sót, nên hành khách và phụ xe cần biết thông cảm cho nhau và cùng nỗ lực xây dựng văn hóa xe buýt.


Anh Nguyễn Hoàng Anh, lái xe Xí nghiệp xe buýt Liên Ninh – Chi nhánh Tổng công ty vận tải Hà Nội (xe buýt số 19, Trần Khánh Dư – Bến xe Yên Nghĩa): “Chúng tôi luôn cố gắng chạy xe an toàn, dừng đúng điểm”


Bản thân tôi thấy rằng, lái xe, phụ xe buýt là những người làm dịch vụ, chúng tôi hiểu và lúc nào cũng nhiệt tình với hành khách. Có những hành khách để quên đồ đạc trên xe chúng tôi cũng giữ hộ khi họ đến nhận thì trả lại; cụ già em nhỏ lên xe chúng tôi hỗ trợ lên xuống an toàn; với phụ nữ mang thai mình cũng phải để ý nhắc nhở nhường chỗ, sắp xếp ghế ngồi cẩn thận. Tất nhiên, hành khách đi xe buýt cũng còn tùy người, nhiều tầng lớp, nhận thức không giống nhau nên không phải lúc nào họ cũng tuân thủ tốt nội quy.


Tôi cho rằng có lúc phụ xe, lái xe cũng chính là hành khách của dịch vụ nào đấy, bản thân cũng muốn được phục vụ tận tình, nên trong công việc của mình phải làm sao cho hành khách thấy thoải mái nhất có thể. Đại đa số lái xe buýt chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chạy xe an toàn, dừng đúng điểm, cho hành khách lên xuống đúng cửa... Lái xe lưu thông trên đường, dù ngắn, dù dài, kể cả xe khách hay xe tải hay xe máy, xe đạp đều có thể xảy ra nhiều bất trắc, rủi ro chứ không phải chỉ do cho chủ quan người lái xe. Đừng chỉ đổ tại lái xe chạy nhanh, ẩu nếu nhìn tổng quan về hạ tầng. Tôi lái xe buýt trong thành phố, tốc độ cho phép bao nhiêu thì tôi chạy bấy nhiêu, đúng quy định và cũng chỉ 30 – 35km/h. Giờ tan tầm, người người đổ xô ra đường, đi bộ lái xe tránh làm sao được.


Hà Liên-XM

Để xe buýt không còn "thiếu văn hoá"
Để xe buýt không còn "thiếu văn hoá"

Những ý kiến đóng góp để xây dựng văn hoá xe buýt của Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN