Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới để phòng chống dịch cúm gia cầm

Ngày 10/4, Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng chống cúm A(H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới.

 Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu; đặc biệt chú ý những người đến từ vùng có dịch cúm A(H7N9) và các chủng vi rút gia cầm khác; xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đồng thời tham mưu với UBND tỉnh tổ chức triển khai diễn tập liên ngành phòng chống dịch cúm gia cầm.

Ngành y tế tăng cường lấy mẫu giám sát các trường hợp viêm phổi nặng tại cộng đồng, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm tác nhân gây bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) và các chủng vi rút cúm khác. Các bệnh viện tổ chức thu dung, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp nghi ngờ; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bùng phát, lây lan rộng, kéo dài.

Tất cả các phương tiện nhập cảnh qua Cửa khẩu đều phải đi qua máy phun khử độc tự động để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Địa phương tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm; cung cấp kịp thời thông tin tới cộng đồng để người dân không hoang mang; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh, đặc biệt tại các tỉnh trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm cao và các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc và Campuchia.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) ở người, người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Mọi người không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Đối với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A(H7N9), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: Không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; không nên tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng; luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành vệ sinh cá nhân tốt...

Thu Phương (TTXVN)
Các tỉnh phía Bắc về Hà Nội họp bàn chống dịch cúm gia cầm
Các tỉnh phía Bắc về Hà Nội họp bàn chống dịch cúm gia cầm

Chiều 31/3, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học và lãnh đạo của các tỉnh phía Bắc đã dự hội nghị phối hợp triển khai công tác phòng, chống cúm gia cầm, cúm A/H7N9 giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh thành phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN