Tăng cường 6 đoàn kiểm tra thực phẩm dịp Tết Đinh Dậu

Nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường công tác dự phòng và an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Sở Y tế cần phối hợp với các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân năm 2017. Các đoàn tập trung kiểm tra, kiểm soát, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, các quầy hàng thức ăn đường phố trong dịp Tết.

Trong năm 2017, thành phố sẽ xây dựng 4 trung tâm giết mổ tập trung, mở rộng quy hoạch vùng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, cải tạo và thiết lập lại hệ thống chợ, thiết kế lại quầy bán hàng bảo đảm vệ sinh, thiết kế hệ thống cấp thoát nước. Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm đưa tất cả hoa quả vào quản lý theo hướng xây dựng quy định các cửa hàng bán hoa quả, kiểm soát chặt nguồn gốc, xuất xứ; tuyệt đối không cho hoa quả bày bán ở vỉa hè, lòng đường… UBND thành phố Hà Nội kiến nghị cần đưa nước sinh hoạt vào danh mục thực phẩm cần phải thường xuyên kiểm tra, coi đây là một tiêu chí trong an toàn thực phẩm.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm trứng gà sạch. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Với sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã có bước chuyển biến. Ban Chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp được kiện toàn và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, các đơn vị trong công tác an toàn thực phẩm.

 Công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung tuyên truyền, qua đó nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người dân về an toàn thực phẩm. Người dân đã chủ động cung cấp thông tin vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cho cơ quan quản lý nhà nước…

5 năm qua, công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh; số lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra và số tiền xử phạt tăng lên qua các năm. Toàn thành phố đã kiểm tra hơn 824.200 cơ sở, phạt tiền hơn 18.500 cơ sở với tổng số tiền trên 92 tỷ đồng; tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm chất lượng trị giá gần 48 tỷ đồng. Lực lượng thanh tra chuyên ngành xử lý vi phạm 786/3.536 cơ sở, trong đó có 371 cơ sở bị phạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Thực tế kiểm tra, giám sát tại một số vùng trồng rau, chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn cho thấy, nông dân đã sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng còn manh mún, chưa mang tính tập trung cao. Đặc biệt, vấn đề giết mổ gia súc, gia cầm còn nhiều hạn chế khi các lò mổ chưa hoạt động hết công suất. Tại một số địa phương, các lò mổ còn nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Việc buôn bán thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh còn mất an toàn vệ sinh, chưa rõ ràng trong quản lý chợ khi phân khu bán thực phẩm rau, thịt còn lẫn lộn, tràn lan.

Tuyết Mai (TTXVN)
Tăng giám sát thực hiện chính sách an toàn thực phẩm
Tăng giám sát thực hiện chính sách an toàn thực phẩm

Ngày 4/1, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm việc với UBND tỉnh để nghe báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN