Tách Luật Giao thông đường bộ: Còn nhiều ý kiến tranh luận

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN - Bộ GTVT) vừa tổng hợp ý kiến người dân, doanh nghiệp vận tải và các đối tượng chịu tác động của chính sách trong dự thảo Luật Đường bộ tại 63 tỉnh, thành phố. Thực tế cho thấy, còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.

Không nên tách thành 2 luật

Theo bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (TCĐBVN), thực hiện Nghị quyết số 106/2020 của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020, Bộ GTVT đã xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đồng thời, Bộ Công an xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

Chú thích ảnh
Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Ngọc Hà (Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 3 chính sách gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ. Quy tắc giao thông đường bộ và quản lý người điều khiển phương tiện được quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

Ngày 2/12/2020, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 4152 gửi Chính phủ về việc báo cáo giải pháp xử lý đối với 3 Luật. Trong đó, thông tin ý kiến của đại biểu Quốc hội về 3 nội dung liên quan đến 2 dự thảo Luật. Kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội cho thấy, có 63,79% đại biểu không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật Đường bộ, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và 66,74% đại biểu không đồng ý thay đổi thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an hoàn thiện các Luật này. Bộ GTVT đã lấy ý kiến các Ban của Đảng, Quốc hội về tiếp thu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, không nên tách thành 2 luật. Vì trong thực tế, nếu tách thành 2 luật, Luật Đường bộ sẽ không bao quát hết các vấn đề của đường bộ. Tương tự, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ cũng không đảm bảo nội hàm của Luật này. Chủ trương của Đảng đã nêu rõ, việc đảm bảo ATGT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ cũng có nhiều vấn đề liên quan đến đảm bảo ATGT, với nhiều nội dung đan xen, không thể tách rời.

Bên cạnh đó, các điều kiện trong quản lý hạ tầng, vận tải, xử lý vi phạm chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là pháp luật về ATGT phải được thực thi nghiêm minh, kịp thời, như các quy định, nguyên tắc trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Muốn xử lý nghiêm vi phạm cần phải đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để “phạt nguội”. Việc tách thành 2 luật sẽ làm rườm rà thêm, khó giải quyết được các vấn đề đảm bảo ATGT phát sinh trong đời sống xã hội...

Cân nhắc kỹ trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch lái xe

Nhiều ý kiến từ các Sở GTVT không tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Thêm vào đó, GPLX của Việt Nam hiện đã được nhiều nước trên Thế giới công nhận và Việt Nam cũng đã cấp GPLX quốc tế. Việc đổi GPLX cũng đã tiên phong thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 được người dân đánh giá cao.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm, hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX đều do dân sự quản lý. Quan điểm của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam là không nên chuyển chức năng này từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. 

Còn theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), nội dung đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cần tách khỏi Luật Giao thông đường bộ hiện nay. Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn, chuyên sâu hóa các yếu tố ATGT đối với người, phương tiện và quy tắc giao thông, giải quyết các bất cập thực tế về ATGT, an ninh trật tự trên đường. Luật Đường bộ có mục tiêu cơ bản là phát triển được hệ thống đường bộ hoàn thiện, có các thiết chế đáp ứng được yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ trong thời kỳ mới.

Ngoài ra, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ 2008. Tại dự thảo của Bộ Công an trình Chính phủ không xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe riêng, mà xác định xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này. Sau khi Quốc hội ban hành luật, thì việc giao Bộ nào quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc về thẩm quyền của Chính phủ. 

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết, TCĐBVN sẽ tiếp tục lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố và 370 trung tâm đào tạo, 152 trung tâm sát hạch lái xe về các nội dung trong dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị các Sở GTVT lấy ý kiến thăm dò các Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe bằng phiếu kín về các điều khoản mới của Luật Đường bộ, thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Bộ GTVT hay Bộ Công an.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Trẻ em vi phạm Luật Giao thông đường bộ có được giảm tiền phạt?
Trẻ em vi phạm Luật Giao thông đường bộ có được giảm tiền phạt?

Bạn đọc hỏi: Con tôi 15 tuổi điều khiển xe gắn máy dưới 50 cc, vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm thì bị xử phạt như thế nào và có được giảm tiền phạt không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN