Siết chặt việc thực hiện lắp “hộp đen” cho xe khách

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1/7/2012, các loại xe chở khách theo tuyến cố định, xe khách hợp đồng, xe khách du lịch và xe côngtennơ phải lắp đặt và khai thác tốt thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen).

 

Nhiều doanh nghiệp vận tải còn lo ngại về chất lượng “hộp đen”.

 

Đây là điều kiện bắt buộc để được cấp phép kinh doanh vận tải. Nhưng đến nay, việc lắp hộp đen vẫn bị xem nhẹ, thậm chí nhiều doanh nghiệp lắp hộp đen chỉ để đối phó với các lực lượng chức năng. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường siết chặt quản lý nhằm bảo đảm sự an toàn trong kinh doanh vận tải.

 

Lắp “hộp đen” chỉ để đối phó


Mục sở thị tại bến xe Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), sau hơn 2 tháng quy định lắp hộp đen có hiệu lực, có thể nói, nhiều xe khách không chấp hành nghiêm túc quy định về lắp hộp đen. Khi được hỏi về hộp đen, lái xe khách chạy các tuyến cố định Mỹ Đình - Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên… đều tỏ ra thờ ơ. Những chiếc hộp đen (màu đen, to bằng bàn tay) xe thì lắp ở dưới gần chân phanh, xe thì để chỏng chơ trên táp lô. Các lái xe cho biết, khi xe chạy quá tốc độ, đèn đỏ của hộp đen sẽ nhấp nháy và phát tín hiệu âm thanh để cảnh báo lái xe điều chỉnh chân ga.


Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Tin tức nhận thấy nhiều lái xe còn mơ hồ về tính năng và kỹ năng sử dụng hộp đen. Họ chỉ biết mua hộp đen theo chỉ đạo của doanh nghiệp quản lý, còn lắp loại nào, sử dụng ra sao thì... không mấy quan tâm. Tình trạng mua hộp đen không có đủ tính năng cần thiết để tiết kiệm tối đa chi phí lắp đặt diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng thừa nhận, họ hiện không có bộ phận kiểm soát, theo dõi việc sử dụng thiết bị này, do đó việc kiểm tra và nhắc nhở lái xe chấp hành quy định lắp đặt và sử dụng hộp đen còn chưa triệt để. Đây là thực tế chung của các đơn vị vận tải, nhất là với các hợp tác xã vận tải quy mô nhỏ lẻ thì việc lắp hộp đen càng lơi lỏng.


Việc lắp đặt “hộp đen” sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát được tốc độ xe chạy.

Theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ, đến ngày 1/7/2012, cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, với trên 16.000 đầu xe phải lắp đặt hộp đen. Qua kiểm tra của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Phú Yên, Thái Nguyên… đến nay có khoảng 90% số phương tiện của các địa phương đã lắp hộp đen. Tuy nhiên, đáng lưu ý là ngay cả với những xe đã lắp hộp đen thì việc thực hiện quy định về cảnh báo tốc độ đến lái xe cũng không được các lái xe lẫn doanh nghiệp chú trọng. Theo quy định, hộp đen phải cung cấp được 6 nhóm dữ liệu như: Thông tin về xe, lái xe, hành trình của xe, tốc độ vận hành, số lần dừng đỗ đóng mở cửa, thời gian làm việc của lái xe. Tuy nhiên, qua kiểm tra, nhiều hộp đen không lưu trữ đủ các dữ liệu này, thậm chí thiếu cả dữ liệu về tốc độ vận hành. Thực tế này cho thấy, việc lắp đặt hộp đen đến nay tại các đơn vị vận tải chỉ mang tính đối phó.


Nhiều chuyên gia ngành giao thông đều chung nhận định: Rõ ràng việc lắp đặt hộp đen không được các nhà xe quan tâm đúng mức, lắp chỉ nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp thậm chí đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị tiết giảm các chức năng bắt buộc theo quy định để giảm chi phí đầu tư. Trên thực tế, dữ liệu tốc độ vận hành xe chạy trên suốt hành trình đóng vai trò quan trọng giúp các cơ quan quản lý giám sát được tốc độ xe chạy để kịp thời cảnh báo lái xe. Tuy nhiên, nếu bổ sung thêm chức năng quản lý dữ liệu này vào hộp đen thì các xe dễ bị phát hiện về vi phạm tốc độ, nên dữ liệu này thường bị phớt lờ hoặc bị vô hiệu hóa.


Một thực tế đáng lưu ý nữa là trên thị trường hiện có hàng chục đơn vị cung cấp hộp đen. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm này trên thị trường chưa được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Hệ quả là việc khai thác hộp đen theo quy định của Bộ GTVT đến nay vẫn chưa có hiệu quả như mong muốn. Thêm vào đó, theo lộ trình, phải đến ngày 1/7/2013, quy định xử phạt phương tiện không chấp hành các quy định về việc lắp hộp đen mới có hiệu lực xử phạt. Đây chính là lý do để nhiều doanh nghiệp vận tải làm ngơ trong việc lắp đặt, cũng như đảm bảo chất lượng hoạt động của loại thiết bị này trong thời gian qua.

 

Cần sớm có chế tài quản lý về sử dụng hộp đen


Theo Vụ Vận tải và Pháp chế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), hiện nay, số lượng các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã vận tải có từ 5 đến 7 đầu xe chiếm tỷ lệ lớn. Đa phần các doanh nghiệp này chưa thực hiện đầy đủ quy định về lắp và sử dụng thiết bị này một cách hữu hiệu. Nhiều doanh nghiệp vận tải lo ngại về chất lượng hộp đen.


Lãnh đạo một số Sở GTVT địa phương đưa ra hàng loạt bất cập trong quản lý, sử dụng hộp đen như có quá nhiều doanh nghiệp cung cấp thiết bị hộp đen, trong khi phần mềm hoạt động của các nhà cung cấp khác nhau nên việc quản lý sẽ khó khăn. Chưa kể đến chuyện nhiều chủ xe tự tìm kiếm và lắp hộp đen theo kiểu, giá rẻ nhất thì lắp. Ngoài ra, do các cơ quan quản lý chuyên ngành thiếu chế tài xử lý nên các doanh nghiệp xem nhẹ việc thành lập bộ phận giám sát hoạt động của hộp đen, thậm chí nếu có phát hiện doanh nghiệp vi phạm cũng khó xử lý do thiếu quy định.


Trước thực trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tập trung kiểm tra việc sử dụng hộp đen tại một số địa phương trọng điểm trên toàn quốc, trong đó chú trọng việc phối hợp với Sở GTVT các địa phương tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thành lập bộ phận theo dõi, giám sát hoạt động, cập nhật thường xuyên thông tin liên quan đến việc lắp đặt và sử dụng hộp đen và coi đây là những tiêu chí bắt buộc để được cấp đăng ký kinh doanh vận tải.


Về mặt quản lý nhà nước, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng bộ quy định hướng dẫn chi tiết, thống nhất trên toàn quốc về hệ thống biểu mẫu liên quan đến việc theo dõi hoạt động của hộp đen tại các doanh nghiệp vận tải, làm cơ sở để yêu cầu các doanh nghiệp kết nối dữ liệu hành trình chạy xe về Sở GTVT các địa phương và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để giám sát đồng bộ. Đối với đơn vị cung ứng hộp đen, tới đây cũng sẽ quy định đầy đủ hơn về tính năng. Số hộp đen hiện đã lắp đặt nếu không đủ tính năng sẽ phải thay thế hoặc bổ sung theo quy định.


Bên cạnh đó, hộp đen sử dụng phải rõ nhãn mác, gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng và điều quan trọng nhất là tất cả các đơn vị cung ứng hộp đen sẽ phải thống nhất phần mềm hoạt động để tiện theo dõi. Trên cơ sở những quy định này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tham mưu cho Bộ GTVT ban hành thông tư hoặc văn bản quy phạm pháp luật để sớm áp dụng vào thực tế, trong đó bao gồm các chế tài, trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận liên quan.

 

Vụ trưởng Vụ Vận tải và Pháp chế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Trần Quang Bình: Cần có những quy định quản lý chặt chẽ hơn

 

Tình trạng sử dụng hộp đen chưa đúng, đủ tính năng trên xe khách hiện nay là vấn đề cần chấn chỉnh. Bên cạnh đó, cũng đang phổ biến tình trạng doanh nghiệp tự mua hộp đen để lắp dẫn đến hiện tượng bớt xén tính năng. Đáng lưu ý là việc thành lập bộ phận theo dõi an toàn giao thông qua hộp đen hiện còn chưa được chú trọng, trong đó, đa số các doanh nghiệp vận tải nhỏ hiện vẫn chưa thành lập bộ phận này. Rõ ràng, thời gian tới cần có những quy định, cách quản lý chặt chẽ hơn, để sử dụng hộp đen theo đúng tính năng, mang lại hiệu quả như chủ trương đặt ra.

 

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: Chú trọng hiệu quả của việc sử dụng:

Mặc dù số phương tiện lắp đặt hộp đen hiện đã đạt khoảng 90%, nhưng cần chú trọng hơn về hiệu quả của việc khai thác thiết bị này. Chẳng hạn khi xe chạy quá tốc độ, hộp đen sẽ phát tín hiệu cảnh báo đến lái xe và gửi dữ liệu về trung tâm điều hành của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp vận tải nhỏ hiện nay lắp đặt hộp đen để đối phó với cơ quan chuyên ngành, nên đã xuất hiện tình trạng một vài tính năng cơ bản của hộp đen như cảnh báo tốc độ, giám sát lái xe… đã bị tiết giảm hoặc “vô hiệu hóa”, nhằm tiết kiệm phí lắp đặt và tránh sự quản lý của lực lượng chức năng. Do đó, tới đây cần phải xây dựng một Trung tâm Quản lý thiết bị, thông tin, dữ liệu chung trên phạm vi cả nước để quản lý đối với tất cả doanh nghiệp vận tải. Nếu trong quá trình triển khai lắp đặt hộp đen, các doanh nghiệp đối phó với cơ quan chức năng bằng cách lắp đặt thiết bị không đạt tiêu chuẩn, thông số không phản ánh đúng thực tế… thì sẽ bị Trung tâm phát hiện, xử lý thông qua hệ thống quản lý trực tuyến.

 

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN