Siết chặt phân phối để chủ động cung ứng, bình ổn giá thuốc

Các nhà quản lý hy vọng các giải pháp trong Nghị định 54/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Dược, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, sẽ đối phó được tình trạng doanh nghiệp "phân phối núp bóng"; từ đó, chủ động trong việc cung ứng và góp phần bình ổn giá thuốc.

Giám sát, kiểm tra cũng là một giải pháp kiểm soát, hạn chế tình trạng giá thuốc "nhảy múa". Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Theo ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược, Bộ Y tế, năm 2007, khi Việt Nam ký kết Hiệp định và tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới, nền sản xuất thuốc của Việt Nam vẫn ở thời kỳ đầu của phát triển, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư gia tăng số lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất, chưa tập trung phát triển mạnh kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường.


Lúc này, đa phần các doanh nghiệp sản xuất tự tổ chức phân phối nhỏ lẻ, thị trường manh mún, khó cạnh tranh. Vì thế "miếng bánh" phân phối thuốc vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài một cách không chính thống.


Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FIE) đăng ký hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam đã liên kết với một số doanh nghiệp dược trong nước để thực hiện việc “phân phối núp bóng”. Nghĩa là, các doanh nghiệp dược của Việt Nam nhập khẩu rồi bán thuốc theo sự điều khiển của các doanh nghiệp FIE ở tất các các khâu, từ quy định giá bán, đối tượng bán, đến thời điểm xuất kho, phương pháp tiếp thị, nhận đơn đặt hàng, vận chuyển, thanh toán.


Hoạt động của các doanh nghiệp dược Việt Nam trong mối liên kết này phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp FIE và chỉ được hưởng một khoản phí rất thấp, chỉ khoảng 0,3%.


Năm 2016, chỉ với 3 doanh nghiệp FIE hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam (công ty mẹ tại nước ngoài cung cấp thuốc) có doanh số phân phối thuốc tại Việt Nam là 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng giá trị thuốc thành phẩm nhập khẩu và khoảng 30% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng một năm (4,2 tỷ USD).


Nếu không có giải pháp kiểm soát phù hợp, con số nêu trên sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa với doanh số phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn có xu hướng giảm. Và nếu tiếp tục để các doanh nghiệp FIE được phân phối trá hình như vậy thì không chỉ các doanh nghiệp dược Việt Nam giảm thị phần, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành dược trong nước, mà y tế Việt Nam sẽ ngày càng lệ thuộc vào một số doanh nghiệp FIE.


Trên thực tế, các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể thao túng giá thuốc, điều phối thị trường, nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh y tế. Và khi thị trường dược phẩm gần như thuộc về vài nhà phân phối nước ngoài thì mục tiêu bình ổn giá thuốc, quyết tâm kiềm chế giá dược phẩm cũng sẽ khó thực thi.


Vậy thị trường dược phẩm, nhất là việc phân phối thuốc sẽ có ảnh hưởng gì khi Nghị định 54/2017/NĐ có hiệu lực thi hành? Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Văn Đông khẳng định, các quy định về phân phối thuốc được nêu tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP rất cần thiết trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư.


Bởi lẽ, cần phải đảm bảo an ninh y tế, người dân cần được hưởng các chính sách bảo hiểm y tế, đồng thời bảo đảm môi trường đầu tư đúng với các cam kết quốc tế nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty FIE có hoạt động lành mạnh, phù hợp v
ới các quy định của pháp luật. Mặt khác, các doanh nghiệp FIE đang kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc tại Việt Nam đều có thể điều chỉnh mục tiêu hoạt động tại Việt Nam để phù hợp với quy định và đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.

"Nghị định 54/2017/NĐ-CP sẽ quy định chi tiết các hoạt động liên quan đến phân phối thuốc mà doanh nghiệp FIE không được thực hiện tại Việt Nam, trong khi vẫn đảm bảo toàn vẹn quyền nhập khẩu thuốc của các doanh nghiệp này", Đỗ Văn Đông khẳng định.


Theo đó, các doanh nghiệp FIE không được nhận vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc; không xác định, áp đặt giá bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối; không quyết định chiến lược phân phối, chính sách kinh doanh của thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối…


Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp dược trong nước xây dựng được mạng lưới phân phối thuốc chuyên nghiệp, đầu tư về công nghệ hiện đại, quy mô kho bãi hàng chục ngàn mét vuông, mạng lưới bao phủ trên toàn quốc, và hoàn toàn có thể kiểm soát tốt chất lượng, cung ứng thuốc kịp thời theo đặt hàng.


Hơn nữa, các quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP nhằm triển khai làm rõ các cam kết quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho hệ thống phân phối thuốc hoạt động minh bạch, tạo điều kiện phát triển ngành dược, để có thể chủ động trong việc cung ứng thuốc, góp phần bình ổn giá thuốc tại Việt Nam.


Phương Liên/Báo Tin Tức
 Lấp ‘lỗ hổng’ trong quản lý giá thuốc, vật tư y tế
Lấp ‘lỗ hổng’ trong quản lý giá thuốc, vật tư y tế

Nhiều người dân mắc bệnh mạn tính đang khổ sở vì phải mua thuốc điều trị giá cao. Đáng nói, cùng một chủng loại, nhà sản xuất, cùng trên một địa bàn mà giá thuốc và vật tư y tế ở mỗi đơn vị lại “nhảy múa” một kiểu... Đó là “bài toán” khó về quản lý giá thuốc, vật tư y tế đang cần sớm có lời giải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN