Xác nhận thông tin nước sông Đà đã được cấp trở lại, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông (đơn vị phân phối nước sạch sông Đà) cho biết, ban đầu áp lực nước chưa được mạnh nên đơn vị phải dùng bơm tăng áp để đưa nước tới các khu dân cư. “Về cảm quan ban đầu cho thấy chất lượng nước của Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà chưa có gì bất thường sau khi được cấp trở lại”, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông nói.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Tới, Tổng Giám đốc Công ty Viwaco (đơn vị phân phối nước sạch sông Đà), lúc 20 giờ ngày 16/10, Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà đã cấp nước trở lại. Viwaco đang mở van, tăng áp để cấp nước tới hơn 147.000 khách hàng thuộc khu vực Tây Nam thành phố như: quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy...
Đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội đóng trên địa bàn huyện Hoài Đức chia sẻ, rạng sáng 17/10 mới tiếp nhận nguồn nước từ phía Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà và đang cho cấp lại vào hệ thống truyền dẫn của đơn vị.
Liên quan đến thông tin cấp nước trở lại, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, sau khi lấy mẫu nước tại các khu vực trên, ngày 18/10 đoàn liên ngành của thành phố sẽ tiếp tục lấy mẫu nước tại đại diện một số hộ dân ở nhiều quận, huyện khác nhau (có sử dụng nước từ sông Đà) nhằm đối chiếu kết quả từ nhà máy về đến hộ sử dụng có bị suy giảm chất lượng nước cũng như có bị nhiễm các thành phần ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng hay không, sau đó sẽ khẩn trương công bố chất lượng.
Lý giải về điều này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, có thể ở phía Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà qua kiểm tra chất lượng đã đạt yêu cầu để cấp lại, tuy nhiên qua hệ thống phân phối, truyền dẫn cũng như một số bể chứa của khu chung cư còn tồn dư những tạp chất chưa súc rửa hết nên cần phải lấy mẫu để kiểm tra lại xem chất lượng nước được thật sự đảm bảo chưa, khi người dân sử dụng.
Trong một tuần qua, do nước sạch từ Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà có mùi lạ do nhiễm dầu nên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo: "Chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Vì vậy, cuộc sống của người dân vùng bị ảnh hưởng bị đảo lộn do thiếu nước sạch.
Trước thực tế trên, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước hoạt động tối đa, hết công suất các nhà máy, tuyến ống để cấp nước cho các khu vực đang bị thiếu. Đặc biệt, Công ty nước sạch Hà Nội đã nối tuyến ống TD D800 Pháp Vân - đường vành đai 3, mở thông để cấp nguồn nước từ Công ty nước sạch Hà Nội sang khu vực bán Đảo Linh Đàm, Định Công, Đại Kim, Thanh Liệt (Hoàng Mai) và một phần khu vực Khương Trung, Khương Đình (Thanh Xuân) với lượng nước cấp tăng trên 35.000 m3/ngày đêm.
Ngoài ra, Công ty này còn mở cửa 24/24 giờ các nhà máy sản xuất nước sạch gồm: Nhà máy nước Hạ Đình tại 14 Ngõ 192 Phố Hạ Đình (Thanh Xuân), Nhà máy nước Pháp Vân tại Ngã ba Pháp Vân Cầu Giẽ (Hoàng Mai), Nhà máy nước Mai Dịch số 1 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm), Trạm cấp nước Quỳnh Mai số 2 Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) để người dân chủ động vào lấy nước sạch sử dụng sinh hoạt trong lúc khó khăn.
Cùng với đó, Công ty nước sạch Hà Nội đã huy động tối đa nguồn dự phòng để cấp nước ổn định, đảm bảo chất lượng theo quy định vào mạng cấp nước của Công ty Viwaco thuộc quận Hoàng Mai gồm Đại Kim, Định Công, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt; quận Thanh Xuân gồm Kim Giang, Hạ Đình; quận Nam Từ Liêm là phường Phùng Khoang. Đối với huyện Thanh Trì là các xã phía Tây giáp quốc lộ 1A.
Công ty cũng thực hiện phát miễn phí bình nước 20 lít cho các trường Mầm non thuộc các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và một phần quận Cầu Giấy. Để lấy nước, các trường điện thoại qua số 0243.829.166 để được phục vụ.