Sẽ sắp xếp lại cơ sở dạy nghề

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá chiến lược phát triển dạy nghề, dự án đổi mới và phát triển dạy nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015: phương hướng và nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020”.


Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Tính đến hết năm 2015, cả nước có 1467 cơ sở dạy nghề, trong đó có 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác (cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp…) tham gia dạy nghề. Tuy nhiên có thực tế trong giai đoạn 2011-2015, số tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề là hơn 1,1 triệu người, chỉ đạt 53,4% so với mục tiêu. Nhiều trường không tuyển sinh được học sinh và đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Do đó, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, Tổng cục sẽ tổng rà soát lại hệ thống trường dạy nghề. Theo đó, trường nào không có học viên; cơ sở vật chất xuống cấp, không có khả năng đầu tư thì tiến hành giải thể, sát nhập…


Các đại biểu phía Bắc góp ý vào phương hướng phát triển dạy nghề giai đoạn 2016-2020


Trong giai đoạn tới, thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, nội dung chương trình đào tạo cũng có nhiều thay đổi. Theo đó các trường tự xây dựng nội dung chương trình và Tổng cục Dạy nghề chỉ quản lý đầu ra. “Nếu các trường không tự đổi mới thu hút người học cũng sẽ bị “đào thải””, ông Dương Đức Lân cho biết.


Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng thừa nhận những bất cập trong phát triển chương trình, giáo trình, xây dựng khung trình độ quốc gia, cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề, kiểm định chất lượng dạy nghề, hợp tác quốc tế… Trong đó, một số mục tiêu của Chiến lược đã không đạt yêu cầu được chỉ ra như mạng lưới cơ sở dạy nghề, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cấp chứng chỉ nghề quốc gia, hướng nghiệp phân luồng học nghề sau trung học cơ sở…


Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung đào tạo 120 ngành nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% vào năm 2020. Tổng kinh phí dự án dạy nghề giai đoạn 2016-2020 hơn 15.000 tỷ đồng.

Xuân Cường
Nỗi khổ của giáo viên văn hóa kiêm dạy nghề
Nỗi khổ của giáo viên văn hóa kiêm dạy nghề

Kể từ năm 2006 đến nay, hầu hết các trường THPT, thầy cô giáo bậc học này rất đau đầu, với nhiều nỗi khổ nhọc không thể diễn tả hết được khi tổ chức thực hiện hoạt động, dạy nghề, hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN