Sẽ phải sửa đổi các hợp đồng điện, nước, viễn thông... gây bất lợi cho người tiêu dùng

Một điểm đáng chú ý và được nhiều người tiêu dùng quan tâm là cùng với việc Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, các nhà cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực như điện, nước, viễn thông, internet... sẽ phải sửa đổi các hợp đồng hiện ký kết với hàng triệu khách hàng.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ở nước ta, lâu nay, có hiện tượng các dịch vụ như điện, nước, viễn thông, internet... do một hoặc một số ít nhà cung cấp. Khi muốn sử dụng các dịch vụ này, người tiêu dùng gần như buộc phải ký hợp đồng do các nhà cung cấp đưa ra mà không có quyền được thỏa thuận hoặc lựa chọn các quyền cho chính mình. Do đó, mỗi khi có khiếu kiện xảy ra, người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt thòi do các điều khoản quy định trong hợp đồng luôn có lợi cho nhà cung cấp.

Để hạn chế sự áp đặt của các doanh nghiệp với người tiêu dùng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đặt ra quy định: Đối với các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu liên quan đến nhiều người tiêu dùng, thì doanh nghiệp phải sử dụng các hợp đồng mẫu đăng ký với cơ quan quản lý. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành danh mục những sản phẩm hàng hóa thiết yếu phải sử dụng hợp đồng theo mẫu được đăng ký.

Sản phẩm điện dự kiến được đưa vào danh mục hàng hóa phải sử dụng hợp đồng theo mẫu đăng ký.


“Bộ Công Thương đang dự thảo quyết định danh mục để trình Thủ tướng quyết định trong thời gian tới. Theo đó, những loại hàng hóa sẽ phải thực hiện quy định trên gồm điện, cung cấp nước, viễn thông (trong đó có cả cố định và di động), bảo hiểm (gồm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ), các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực thẻ tín dụng và dịch vụ truyền hình cáp. Khi Thủ tướng ban hành các danh mục này, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên phải sử dụng hợp đồng theo mẫu”, ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh, về nguyên tắc cơ quan quản lý sẽ phải thẩm định các hợp đồng mẫu do doanh nghiệp gửi lên. Nếu hợp đồng có những điều kiện bất lợi hoặc không thuận lợi cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có quyền yêu cầu không được thực hiện hoặc loại bỏ khỏi hợp đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, việc sửa đổi các hợp đồng như trên chỉ là một trong những việc mà doanh nghiệp buộc phải làm để thực thi tốt hơn quyền của người tiêu dùng. Bởi, trong nền kinh tế chưa phát triển ở trình độ cao, sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng được nhu cầu thì người dân buộc phải chấp nhận những sản phẩm mà người sản xuất cung ứng. Nhưng trong cơ chế thị trường, khi kinh tế ngày càng phát triển, hàng hóa dồi dào, đa dạng hơn, người tiêu dùng ngày càng có quyền lựa chọn sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tốt hơn.

Tuy nhiên, điều mà các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần cân nhắc là với số lượng khách hàng khổng lồ lên tới 17,12 triệu khách hàng đang ký hợp đồng trực tiếp mua điện của riêng ngành điện và số lượng hợp đồng lên tới 100 triệu của các khách hàng sử dụng các dịch vụ điện thoại cố định, di động, internet, bảo hiểm, truyền hình cáp, điện thoại di động hiện nay, thời gian thực hiện việc chuyển đổi các hợp đồng mẫu theo quy định nếu làm nhanh cũng phải kéo dài trong vài tháng. Chi phí cho việc chuyển đổi, ký lại các hợp đồng này cũng phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, việc tiến hành chuyển đổi các hợp đồng cần được tính toán để vừa đảm bảo quyền của người tiêu dùng vừa không gây áp lực cho doanh nghiệp.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN