Sẽ chính thức hóa việc mua thông tin tố giác tham nhũng

Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), Phó Ban Nội chính Trung ương đã trao đổi với báo chí xung quanh nguồn kinh phí, cơ chế và mức tiền hỗ trợ cho người cung cấp thông tin tố giác tham nhũng:

Liên quan đến kinh phí để hỗ trợ người cung cấp thông tin tố giác tham nhũng, chủ trương có nguồn tài chính để các cơ quan phòng chống tham nhũng (PCTN) nói chung trong đó có Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương PCTN (trước đây) sau này chuyển tiếp để thực hiện là Ban Nội chính Trung ương. Theo quy định của của nhà nước thì đây là một phần kinh phí để phục vụ cho đấu tranh PCTN, nhằm hỗ trợ cho các cơ quan PCTN có được nguồn tin có giá trị về việc cung cấp, tố giác tội phạm tham nhũng.


Việc chi tiêu đảm bảo 2 yêu cầu, thứ nhất đảm bảo tính bí mật, an toàn cho người báo tin, thứ hai đảm bảo việc chi đạt đúng mục đích đặt ra, nghĩa là phải có được những thông tin có giá trị, được chứng minh trong trình khởi tố, điều tra.


Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh


Như thế có nghĩa là khi có kết quả rồi thì thông tin đó mới được xem xét hỗ trợ, thưa ông?


Không phải như vậy, khi tội phạm xử lý xong rồi mới chi trả thì không có ý nghĩa động viên. Đây được coi là khoản mật chi và người đứng đầu các cơ quan PCTN chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng tính hiệu quả của tin và mức độ chi trả cho tin báo.


Vậy khoản tiền chi trả lấy ở nguồn nào, thưa ông?


Trong hướng dẫn cho các Ban Nội chính ở các địa phương, hàng năm phải xây dựng kế hoạch chi và kế hoạch này sẽ được Thường trực tỉnh ủy của các địa phương đưa cân đối vào ngân sách, thậm chí có thể được Thường vụ của cấp ủy từng địa phương duyệt đưa vào kế hoạch chi. Sau đó, phân cho cơ quan chỉ đạo PCTN và Ban Nội chính và trưởng Ban Nội chính sẽ chịu trách nhiệm chính về việc tổ chức chi theo đúng định mức, đúng chế độ, đặc biệt là giám sát kiểm tra độ tin cậy và giá trị của tin để quyết định mức chi. Một tin cao nhất chi không được quá 10 triệu đồng. Như vậy tiền là nguồn ngân sách và nằm trong kế hoạch ngân sách hàng năm.


Theo ông, các nguồn tin mua có phát huy hiệu quả?


Vừa qua, việc tổ chức chi khoản ngân sách gọi là mật chi cho công tác PCTN thì đã được thực hiện ở các cơ quan PCTN Trung ương, đặc biệt là Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN trước đây và Văn phòng Ban chỉ đạo CPTN hiện nay. Đơn vị trực tiếp giúp Ban chỉ đạo là Ban Nội chính Trung Ương. Việc chi vừa qua, Ban Nội chính Trung ương đã mua thực sự việc mua các tin này nó góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ án trong đó có những vụ án lớn được dư luận xã hội quan tâm. Ví dụ vụ án liên quan Vinalines, vụ liên quan đến Dương Chí Dũng, tổ chức thuê bao tài chính với tàu lặn... đều có sử dụng việc mua tin.


Giá chi trả từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng phụ thuộc vào tiêu chí gì, thưa ông?


Vấn đề chính là độ tin cậy và giá trị của tin.


Có người đề xuất người báo tin được chia phần trăm tương đương tỷ lệ tài sản thu hồi được, quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?


Đây là vấn đề qua thực tiễn đặt ra qua hoạt động của các cơ quan PCTN, đặc biệt là kinh phí mua tin PCTN vẫn dựa vào ngân sách nên thụ động, tức là việc dự báo lên kế hoạch nó chưa có hoàn toàn có cơ sở để có dự báo chính xác nó phụ thuộc vào tình hình, kết quả, mức độ của việc đấu tranh PCTN, đặc biệt là sự giác ngộ của các tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm để PCTN. Giả sử cho phép thành lập quỹ PCTN trên cơ sở trích phần trăm từ tài sản công thu hồi được do việc PCTN đem lại để vừa hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho đội ngũ trực tiếp hoạt động và chi phí cho việc mua tin thì chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn.


Mức độ chính xác như thế nào với những tin được mua, thưa ông?


Phần lớn thông tin của người cung cấp với mục đích chính là báo tin góp phần PCTN, chứ họ không quan tâm nhiều về vấn đề hỗ trợ.


Theo ông có cơ chế nào để bảo vệ người báo tin chưa ?


Ngoài cơ chế chung để bảo vệ thì quy định việc sử dụng nguồn tài chính này còn gọi là mật chi không công khai danh tính và mức chi cho người đó.


Vậy sắp tới chúng ta có Luật hóa việc mua tin tố giác tham nhũng không thưa ông?


Hiện nay mới xác định trong quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về sử dụng chi ngân sách hỗ trợ cho thủ tục hỗ trợ.


Nhưng chắc chắn sau này sẽ phải chính thức hóa việc bố trí kinh phí ở mức độ phù hợp, hình thành được Quỹ và trên cơ sở đó hỗ trợ cho khai thác nguồn tin và khuyến khích tổ chức cá nhân tham gia cấp nguồn tin.


Thực tế, trong lĩnh vực khác như thanh tra, công an, tòa án thông thường cho mức trích cao nhất từ mức thu hồi tài sản như ở thanh tra khoảng 30% của giá trị thu hồi.


Hiện ở cấp độ tỉnh chưa triển khai vì chưa có quy định, phải có sự thống nhất, cho phép mới được triển khai.


Theo ông, việc báo tin tố giác tham nhũng thường nằm ở lĩnh vực nào?


Chủ yếu là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao liên quan đến quản lý đất đai, quản lý tài chính, ngân sách, phân bố nguồn lực cho đầu tư và ngân hàng tín dụng cũng có.


Mức 10 triệu tất nhiên chưa đủ khuyến khích mà vấn đề chính là sự tâm huyết nhiệt tình cung cấp.


Vậy nguồn tin tố cáo tham nhũng chủ yếu cung cấp qua kênh nào, thưa ông?


Các nguồn tin cung cấp đều có giá trị như nhau, nhưng phần lớn là họ gặp trực tiếp để phản ánh, có ghi chép. Nếu là nặc danh thì phải xử lý bằng con đường khác, vì không biết họ thì khó có cơ chế để thưởng.


Xin cảm ơn ông!


Xuân Minh (ghi)

Việt Nam, Nhật Bản họp bàn chống tham nhũng trong các dự án giao thông
Việt Nam, Nhật Bản họp bàn chống tham nhũng trong các dự án giao thông

Cuộc họp Việt Nam – Nhật Bản về các giải pháp tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các dự án giao thông vận tải sử dụng ODA lần thứ 2, đã diễn ra chiều 2/6, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN