Tại tọa đàm báo chí về những nội dung cải cách trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ LĐTBXH phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: Sau khi có ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và đại diện tổ chức công đoàn liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, cơ quan soạn thảo dự thảo đã rút nội dung liên quan đến vấn đề này khỏi dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Bà Trần Thị Thúy Nga giới thiệu về những điểm mới về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) |
Một trong những cải cách của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là đã bổ sung về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 3 tháng và hướng tới đối tượng là nông dân theo hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để thuận lợi cho việc đóng bảo hiểm tự nguyện, dự thảo luật sẽ không khống chế tuổi trần tham gia, có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đồng thời để thu hồi nợ bảo hiểm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng tăng quyền cho tổ chức công đoàn, BHXH được khởi kiện ra tòa; bổ sung thẩm quyền thanh tra cho BHXH với khoản nộp đóng BHXH; nộp số tiền lãi của số tiền chậm đóng bằng 2 lần lãi suất ngân hàng và đề xuất bổ sung Bộ luật Hình sự sửa đổi tội danh chiếm dụng tiền đóng Bảo hiểm xã hội
Về chế độ thai sản, dự thảo bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật.
XC