Rác đầy đường, phường kêu 'khó'

Năm 2012 được TP.HCM chọn là năm văn minh đô thị nhưng những hành vi xả rác nơi công cộng và kênh rạch, khạc nhổ bừa bãi... vẫn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này diễn ra thường xuyên và đã trở thành thói quen xấu của người dân, trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn.

 

Vô tư xả rác


Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, mỗi ngày TP.HCM có khoảng 40 tấn rác và 70.000 m3 nước thải xả ra các tuyến kênh rạch, sông ngòi. Việc xả thải trực tiếp ra môi trường sẽ làm tăng ô nhiễm môi trường như đất, nước, không khí; tăng chi phí xử lý rác đồng thời ảnh hưởng đến kinh tế và đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe con người.


Người dân vẫn vô tư xả rác xuống lòng kênh.

 

Thực tế cho thấy, ý thức giữ gìn vệ sinh đường phố của người dân hiện rất kém. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất là những vỏ lon nước ngọt, vỏ chai nước suối, thức ăn thừa... được người ta vứt ngay tại chỗ vừa ngồi, mặc dù thùng rác để gần đó. Hoặc ăn kẹo cao su, nhiều người cũng không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét bã kẹo lên ghế đá…


Không chỉ với những nơi công cộng, ở một số khu phố, con đường có đặt bảng khu phố văn hóa nhưng rác rưởi ngập khắp lối đi, mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Bên cạnh đó, ở một số hàng, quán bán trên vỉa hè, người bán vô tư đổ tất cả thức ăn thừa, nước rửa chén, bát xuống cống khiến cho nước thải bị ứ đọng, cống bị tắc nghẽn.


Thậm chí, ở một số dòng sông, dòng kênh, những người sống trên những ghe thuyền đậu ngay trên sông có những hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: xả rác trên kênh rạch, đi vệ sinh xuống sông rồi ngay lập tức lại lấy nước dưới sông lên tắm gội, giặt giũ, thậm chí là nấu ăn.


Chị Đỗ Ngọc Nga, nhà ở gần bờ kênh Nhiêu Lộc (quận Bình Thạnh) phàn nàn: “Việc xả rác ra kênh, rạch đã và đang trở thành thói quen đáng lo ngại của người dân ở khu vực dọc hai bên bờ kênh. Rất dễ bắt gặp hình ảnh rác thải trôi nổi theo dòng kênh và dạt vào bờ. Tuyến kênh mới sạch đẹp như thế mà nhiều người vô ý thức, mang rác ra quăng xuống đường hay xuống kênh hàng ngày”.


Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhìn nhận: “Hiện nay, còn một số hộ dân trong hẻm lén đổ rác ra đường, một số hộ dân không giao rác tận tay do không có mặt thường xuyên ở nhà nên thường mang bịch rác ra ngoài. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán còn khá phổ biến nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác vệ sinh.


Các đối tượng thuê mặt bằng kinh doanh cũng không trang bị thùng rác nên sau khi hết giờ bán thường để bịch rác bừa bãi ra vỉa hè. Tất cả hiện tượng này đều dẫn đến tình trạng “tái bẩn” sau khi công nhân vệ sinh đã quét dọn. Việc quảng cáo trái phép bằng hình thức phát tờ rơi tại các ngã ba, ngã tư, trước cổng trường học còn diễn ra rất phổ biến nên mặt đường thường ngập rác tại những khu vực này. Đồng thời, sự hưởng ứng của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh đô thị còn chưa nhiều, một số tham gia tích cực nhưng một số tham gia với tính chất phong trào và một số chưa tham gia do chưa triển khai sâu rộng trong toàn thể nhân dân”.

 

Khó xử lý


Thực hiện nếp sống văn minh đô thị, UBND TP.HCM đã có những chỉ đạo nhằm ngăn chặn và hạn chế không để tồn tại các điểm tập kết rác tự phát gây ô nhiễm, tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp xả rác, nước thải ra lòng đường, vỉa hè và lòng kênh. Xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm; đồng thời thu gom, vận chuyển rác, bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường…

 

Theo đó, những hành vi như vứt rác, chất thải, tiểu tiện, đổ nước thải ra đường phố, nơi công cộng; vẽ viết dán quảng cáo lên tường, cột điện theo quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng; buôn bán chiếm dụng hè phố, làm mái che, gây cản trở giao thông bị phạt 50.000 - 100.000 đồng. Mặc dù đã có quy định như trên nhưng vẫn khó xử lý các hành vi vi phạm. 


Hành vi vứt rác ra đường phố sẽ bị xử phạt 60.000-100.000 đồng. Ảnh Internet.


Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết rất khó phát hiện hành vi xả rác nơi công cộng của người dân, bởi việc quản lý lĩnh vực này mỗi địa phương được giao cho các bộ phận khác nhau; đồng thời lực lượng xử phạt vẫn còn mỏng. Mặt khác, việc tuyên truyền chưa đi sâu đi sát vào người dân dẫn đến việc chưa nâng cao được ý thức người dân.


Chị Lưu Thị Trinh, cán bộ Hội Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện rác thải dưới lòng kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh rất nhiều. Tuy nhiên, việc thu gom rác ở những khu vực này gặp rất nhiều khó khăn bởi ý thức của người dân chưa cao, họ sẵn sàng vứt rác ra sông, ra đường. Họ không ý thức được việc vứt rác như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ và những người sống xung quanh”. Trong khi đó, ông Lê Hữu Quang, Trưởng phòng kinh doanh dịch vụ khách hàng thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, cho rằng mức xử phạt hiện nay chưa đủ răn đe. “Chúng ta vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách trong việc kiểm tra theo dõi những hành vi xả thải ra môi trường. Hình thức tuyên truyền hiện nay chủ yếu mang tính phong trào, chưa đi sâu nên cũng gây khó khăn cho việc quản lý”.

 

Cần chế tài nặng hơn


Hậu quả của việc xả thải ra môi trường, đặc biệt xả ra các kênh rạch là làm cho nước tù đọng gây mùi hôi thối, làm mất mỹ quan đô thị, gây ngập lụt và tắc cống khi triều cường, mưa. Khi kênh rạch ô nhiễm còn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm, làm phát sinh các dịch bệnh như: đau mắt, viêm da, ghẻ lở, tiêu chảy, sốt xuất huyết...


Để hạn chế tình trạng người dân xả rác ra môi trường, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phòng quan hệ cộng đồng Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, cho biết: “Chúng ta cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cụ thể như vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ môi trường; tổ chức những buổi tuyên truyền, tập huấn; tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép vào các chương trình giảng dạy.

 

Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa công cuộc bảo vệ môi trường nước, xây dựng kế hoạch quản lý lâu dài”.


Còn chị Lưu Thị Trinh cũng cho rằng cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó làm chuyển biến hành động. Do đó, nội dung tuyên truyền phải sinh động phong phú, chẳng hạn như thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo, cuộc thi về bảo vệ môi trường hoặc các ngày cùng hành động vì môi trường để tham gia. Bên cạnh đó, có thể để người dân tham gia việc xử lý phân loại rác để họ biết phân loại rác như thế nào mà nâng cao nhận thức của mình hơn.

 

Ngoài ra, phải cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường cho người dân, ví dụ những tờ rơi về bảo vệ môi trường, pano, áp phích, hoặc hội thi tiểu phẩm về bảo vệ môi trường, ngày cùng hành động vì môi trường… Phát động các ngày chủ nhật xanh, vận động các đoàn viên thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, đồng thời cần có chế tài đối với các gia đình không tham gia việc bảo vệ môi trường. Chẳng hạn lần thứ nhất không tham gia có thể nhắc nhở, lần thứ 2 cảnh cáo trước tổ dân phố, lần thứ 3 là buộc đi lao động công ích, lần thứ 4 là xử phạt hành chính nặng.


Nhiều người dân cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xử phạt những hành vi hủy hoại môi trường thật nghiêm thì cần bổ sung thêm biện pháp song song là cưỡng chế người vi phạm thực hiện lao động công ích. Ngoài ra, nên có chính sách khen thưởng khích lệ những người dân, hộ gia đình tham gia bảo vệ môi trường và vận động người dân thực hiện tốt tiêu chí mà UBND TP.HCM phát động: Thành phố xanh, sạch, đẹp.

 

Bà Đinh Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hồ Chí Minh:

Chung tay bảo vệ môi trường Việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị đã được thành phố triển khai nhiều năm qua. Thực tế đã có những chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn những hình ảnh xả rác nơi công cộng, vứt rác xuống dòng kênh… Do đó phải tiếp tục tuyên truyền vận động cộng đồng, gia đình, cá nhân biết yêu môi trường hơn, đồng thời thấy việc bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết, sống còn của chúng ta mà biết chung tay bảo vệ môi trường. Việc vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường từ nhận thức đến hành động là một quá trình rất dài, cho nên chúng ta phải làm liên tục. Nội dung tuyên truyền tập trung làm sao cho người dân biết và hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, vì môi trường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của từng cá nhân, cộng đồng. Từ đó, người dân sẽ cùng chính quyền có những giải pháp hữu hiệu trong việc giữ gìn môi trường TP.HCM xanh, sạch, đẹp.

 

Anh Lê Hữu Quang, Trưởng phòng kinh doanh dịch vụ khách hàng thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn:

Mức xử phạt phải mang tính răn đe Rõ ràng việc xả rác ra đường phố, xả thải ra sông… còn phổ biến và việc ngăn chặn còn hạn chế. Một mặt do công tác tuyên truyền, một mặt do công tác xử lý của chúng ta còn chậm và nhẹ. Ở Xinhgapo, họ tiếp cận môi trường ở cả 3 góc độ và thực hiện song song. Ba góc độ đó là: Nâng cao nhận thức, xây dựng các cơ sở hạ tầng để bảo vệ môi trường, thi hành bằng luật pháp (cụ thể là phạt rất nặng). Thực tế ở TP Hồ Chí Minh chúng ta cũng có đầu tư cơ sở hạ tầng, ví dụ như đầu tư cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rất nhiều; cũng nâng cao nhận thức từ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cũng vận động người dân tham gia làm sạch môi trường... tuy nhiên, có vẻ như vấn đề nằm ở khâu xử phạt. Chúng ta vẫn đầu tư xây dựng, vẫn nâng cao nhận thức nhưng chúng ta không xử phạt nghiêm khắc sẽ dẫn tới đầu tư lãng phí và nói suông, hiệu quả đầu tư không cao. Vì vậy, chúng ta phải có mức xử phạt nghiêm để răn đe đối với những hành vi xả thải ra môi trường.



H.Tuyết - Đ.Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN