Quản lý cư trú tại TP Hồ Chí Minh: Bài 1- Hướng tới thực hiện tốt chính sách dân sinh

Trong 48 năm xây dựng và phát triển, công tác quản lý cư trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố đông dân nhất cả nước luôn là nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức.

Chính quyền Thành phố nói chung và lực lượng Công an Thành phố nói riêng đã có những biện pháp, giải pháp phù hợp trong từng thời kỳ để thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, thực hiện tốt chính sách dân sinh, ổn định cuộc sống... nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Chú thích ảnh
Người dân Quận 12 có thể tra cứu tiến độ làm CCCD trên Zalo. Ảnh: Công an Quận 12.

Tăng cường quản lý cư trú

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, những năm đầu mới giải phóng, tình hình nhân, hộ khẩu có những biến động mạnh vì nhiều lý do gây rất nhiều khó khăn và thách thức cho công tác quản lý cư trú.

Ngay sau ngày giải phóng, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai ngay các công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu để tất cả mọi thành phần cư dân cư trú tại Thành phố đều có nghĩa vụ đăng ký hộ khẩu với cơ quan Công an; đăng ký, quản lý hộ khẩu lấy hộ làm đơn vị, mỗi hộ gia đình, hộ tập thể phải kê khai một bản khai danh sách nhân khẩu của hộ, mỗi người dân bắt đầu từ tuổi 15 trở lên kê khai một bản khai nhân khẩu.

Ngày 1/10/1976, cả nước tiến hành tổng điều tra dân số để phục vụ cho bầu cử Quốc hội thống nhất đất nước. Công an Thành phố đã tiến hành các đợt thu đổi sổ hộ khẩu, qua đó rà soát để củng cố công tác quản lý nhân, hộ khẩu. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Công an Thành phố đã đề xuất UBND Thành phố ban hành nhiều chỉ thị về việc giải quyết đăng ký hộ khẩu cho những trường hợp chưa đăng ký thường trú, những trường hợp công dân có hộ khẩu gốc đi hồi hương, kinh tế mới trở về và người từ tỉnh khác đến thành phố tạm trú để giải quyết phù hợp với đặc thù biến động nhân, hộ khẩu của Thành phố. Năm 1976, Công an Thành phố tổ chức quản lý 557.187 hộ, với 3.454.141 nhân khẩu. Tất cả nhân, hộ khẩu thực tế cư trú đều được đưa vào danh sách để quản lý.

Tới năm 2006, Công an Thành phố đã tham mưu đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo tách bạch giữa nhà đất và hộ khẩu nhằm giải tỏa dư luận quần chúng, đồng thời làm cho các ngành nhận thức đúng về hộ khẩu chỉ nhằm mục đích quản lý cư trú của công dân và tạo điều kiện cho công dân được tiếp cận các dịch vụ công như việc học hành, khám chữa bệnh, sử dụng điện, nước... Ngoài ra, Công an Thành phố ban hành hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý từng diện nhân khẩu như: quản lý nhân khẩu KT2; quản lý học sinh - sinh viên; hộ, nhân khẩu trong các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở thờ tự; người nước ngoài...

Chú thích ảnh
Cấp căn cước công dân gắn chíp trong học sinh tại Công an Quận 8 vào sáng 26/3.
Ảnh: TTXVN phát

Chủ động triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư

Sau khi Luật Cư trú được ban hành vào năm 2007, tổng số nhân hộ khẩu thực tế cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1.265.495 hộ, 6.778.867 nhân khẩu, 4.608 người nước ngoài. Lúc này, Thành phố phải đối diện với những vấn đề của một đô thị lớn có dân số tăng quá nhanh, số nhân khẩu không thông báo cư trú, khai báo tạm trú: số người nước ngoài nhập cảnh trái phép, quá hạn tạm trú, hoạt động sai mục đích nhập cảnh, không xuất trình được giấy tờ tùy thân; không làm thủ tục đăng ký tạm trú, không cung cấp cách giấy tờ có liên quan để các chủ cơ sở cho thuê tiến hành đăng ký tạm trú cho họ với cơ quan Công an.

Bên cạnh đó, nhiều khu vực tập trung đông dân cư, chủ yếu là người từ các địa phương tập trung đến Thành phố cư trú, trong đó nhiều đối tượng tội phạm lẩn trốn (địa bàn giáp ranh các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, các khu gần bến xe, khu công nghiệp...) cũng gây khó khăn cho công tác quản lý.

Khi Luật Cư trú ban hành năm 2007, Công an Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện đăng ký và quản lý cư trú trên địa bàn. Công an Thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Luật Cư trú, chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền triển khai thực hiện Luật Cư trú cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân với nội dung rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo cho việc thực hiện Luật Cư trú được thống nhất; tổ chức các điểm tiếp nhận thông báo lưu trú tại khu phố, ấp, phường, xã, thị trấn để nhân dân biết và phân công cán bộ Công an phường, Cảnh sát khu vực, ban điều hành khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trực tiếp làm công tác tiếp nhận thông báo lưu trú. Qua đó, tất cả nhân khẩu thực tế cư trú đều đưa vào danh sách nhân, hộ khẩu để quản lý, trong đó hộ, nhân khẩu thường trú được lập số hộ khẩu gốc để lưu giữ. Hộ, nhân khẩu tạm trú được lập danh sách, hồ sơ để kịp thời bổ sung, điều chỉnh biến động.

Bước vào giai đoạn chuyển đổi số trong công tác quản lý dân cư, Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều khó khăn như: số lượng hồ sơ tiếp nhận quá tải, trang thiết bị thực hiện dịch vụ công hiện nay còn thiếu hoặc trang bị không đồng bộ, lực lượng cán bộ, chiến sỹ tại cấp phường, xã mỏng,…Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tăng cường chống phá, tung tin giả trên mạng khiến nhiều người dân, nhất là những người tạm trú trên địa bàn Thành phố e dè, không chủ động hợp tác với cơ quan chức năng.

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an Thành phố, Công an Thành phố đã chủ động triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư tại Công an quận Bình Thạnh, Quận 3, 5, Phú Nhuận, qua đó đưa công tác tiếp dân, đăng ký quản lý hộ khẩu, tạm trú - tạm vắng, chứng minh nhân dân... vào hệ thống máy tính. Toàn bộ hệ thống biểu mẫu, đề xuất đều được in ra từ máy tính để rút ngắn thời gian, giảm phiền hà cho nhân dân. Việc cập nhật nhân khẩu thường trú vào hệ thống đạt yêu cầu cao, giúp quản lý chính xác được nhân hộ khẩu.

Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư tại Công an quận Bình Thạnh, Quận 3, 5, Phú Nhuận là tiền đề giúp cho Thành phố Hồ Chí Minh đồng bộ nhanh chóng vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau này.

Bài cuối: Thúc đẩy chuyển đổi số vì lợi ích người dân

Thành Chung (TTXVN)
Quản lý cư trú tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Thúc đẩy chuyển đổi số vì lợi ích người dân
Quản lý cư trú tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Thúc đẩy chuyển đổi số vì lợi ích người dân

Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú (sửa đổi) năm 2020 có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật Cư trú 2020 quy định thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Dù nhiều khó khăn, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và lực lượng Công an Thành phố nói riêng đã có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện công tác chuyển đổi số trong công tác quản lý cư trú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN