Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc rễ, nền tảng

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về công tác chuẩn bị Đề án về công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới.

Xét nghiệm mẫu thực phẩm tại Trung tâm Y tế dự phòng Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Điểm nổi bật của Đề án về công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới là đánh giá đúng, đầy đủ hơn vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong hệ thống y tế để đưa ra những giải pháp đổi mới, dành nguồn lực mạnh mẽ cho hai lĩnh vực được coi là “người gác cổng”, là “gốc” của ngành y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bên cạnh những điểm nổi bật như mạng lưới, hệ thống dự phòng đã sớm hình thành và rộng khắp; khống chế kiểm soát được dịch bệnh, thay đổi được cơ cấu bệnh tật; tuổi thọ cao và cải thiện được chiều cao…, hiện nay y tế dự phòng, y tế cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn, không được coi trọng đúng mức.

Vấn đề lớn nhất là các cơ chế, chính sách đang được thiết kế theo hướng ưu tiên cho điều trị, coi “bộ mặt của ngành y tế là bệnh viện”. Điều đó dẫn đến thực tế dù có rất nhiều bệnh viện được đầu tư, xây mới, hiện đại, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Trong khi nguyên lý chung trên thế giới là đầu tư cho dự phòng để hạn chế người dân đến bệnh viện, rút ngắn thời gian điều trị. Đối với hệ thống y tế cơ sở, dù đã được đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả, chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, khoảng 30% người dân chưa đi khám bệnh định kỳ, khi phát hiện có bệnh thì đã nặng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Trọng tâm của Đề án phải coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc rễ, nền tảng, tập trung đầu tư cho những vùng thật sự khó khăn.

Những bất cập này đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách theo hướng sử dụng ngân sách nhà nước tập trung cho dự phòng, còn lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở sử dụng từ nguồn bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

Một lĩnh vực khác được thảo luận sâu tại cuộc họp là hoạt động phân phối thuốc, quản lý giá thuốc đang gây bức xúc trong xã hội, làm công nghiệp dược trong nước chậm phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vấn đề bán thuốc không theo đơn đang là tồn tại lớn nhất của ngành dược. Không kiểm soát được thuốc kê đơn tại hơn 40.000 nhà thuốc trên khắp toàn quốc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc, lạm dụng thuốc đáng báo động tại nước ta.

Vì vậy, cần kiên quyết chuẩn hóa lại hệ thống phân phối, từ bệnh viện đến nhà thuốc; đẩy mạnh cơ chế đấu thầu thuốc vừa bảo đảm không khan hiếm thuốc và người bệnh được dùng loại thuốc phù hợp nhất, có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp nhất.

Việc quản lý các nhà thuốc bán lẻ theo hướng tất cả các nhà thuốc phải có thiết bị đọc quét mã vạch các loại thuốc, thực hiện bán thuốc theo đơn. Đặc biệt cần xem xét đẩy mạnh đấu thầu thuốc tập trung, quản lý xuyên suốt các loại thuốc từ đầu vào, phân phối đến từng nhà thuốc. Đơn cử sau khi đổi mới cơ chế đấu thầu thuốc từ năm 2013, giá thuốc biệt dược đã giảm gần 50%.

Trong lĩnh vực y học cổ truyền, Phó Thủ tướng đánh giá, dù có nhiều nỗ lực nhưng đề án cần phải xem xét đầy đủ những hạn chế như chưa chú trọng đúng mức đến kết hợp đông y, tây y; nghiên cứu khoa học về đông y chưa được chú trọng đúng mức; không đưa ra được các bằng chứng khoa học xác đáng về các bài thuốc y học cổ truyền để thuyết phục người dân.


Bảo hiểm y tế là một trong những lĩnh vực lớn và quan trọng của ngành y tế được tập trung đầu tư nhiều năm qua nhưng mảng điều trị hiện bộc lộ rất nhiều bất cập. Đó là sự quá tải của tuyến trên và sự lãng phí tuyến dưới. Vấn đề y đức, tình trạng có người giỏi nhưng trình độ chuyên môn chung lại chưa đồng đều, đã gây ra những mâu thuẫn, sự cố y khoa, dù thiểu số nhưng vẫn luôn nổi cộm, khiến người dân bức xúc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh bức xúc lớn nhất hiện nay là tình trạng phân biệt giữa khám dịch vụ và khám Bảo hiểm y tế cùng với những tiêu cực từ việc đặt máy móc, thiết bị y tế xã hội hóa và một trong những nguyên nhân quan trọng là do cơ chế tài chính.

Tuy nhiên, giải pháp xã hội hóa cách đây gần 30 năm nhằm khắc phục vấn đề tài chính lại đang tiếp tục gây ra các vấn đề mới như sự quá tải; đầu tư mất cân đối, không tách bạch công tư, tình trạng lạm dụng xét nghiệm…

Bàn về giải pháp, Phó Thủ tướng khẳng định: Cần bóc tách rành mạch giữa công tư; khuyến khích tư nhân đầu tư vào khám chữa bệnh đặc biệt là khuyến khích đầu tư phi lợi nhuận.

Ngành y tế cần giữ vững lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tập trung cho những vùng thật sự khó khăn đồng thời phát huy hiệu quả cơ sở đã đầu tư. Để đảm bảo nguồn tài chính y tế bền vững cần có cơ chế huy động, chi tiêu phù hợp, trong đó Bảo hiểm y tế ngoài tăng diện bao phủ phải đa dạng gói bảo hiểm, kết hợp giữa Bảo hiểm y tế cơ bản với các gói bảo hiểm thương mại, giảm bớt chi tiêu từ tiền túi người dân.

TTXVN/Tin Tức
Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế dự phòng
Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế dự phòng

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 5/6, tại thủ đô Tokyo, đã diễn ra Lễ ký kết và trao thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Tập đoàn TH (đại diện là Công ty cổ phần phát triển Y học quốc tế TH) với International Total Engineering Corporation (ITEC) về việc xây dựng tổ hợp y tế và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN