Các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai đối phó với ngập lụt

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác khắc phục mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế

Lũ lụt làm 27 người chết và mất tích

Chiều 18/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra tình hình vận hành hồ thủy điện Bình Điền và công tác khắc phục mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cùng đi với Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành.

Phương tiện đi lại của người dân chủ yếu bằng thuyền. Ảnh: Viết Ý - TTXVN

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nghe Ban điều hành Nhà máy thủy điện Bình Điền báo cáo việc xả lũ trong mấy ngày qua và cho rằng: Ban điều hành hồ thủy điện Bình Điền đã xả lũ đúng quy trình, góp phần giảm lũ lụt cho phía hạ lưu. Phó Thủ tướng lưu ý, trước mùa mưa lũ đến, ban điều hành hồ cần báo cáo việc tích nước, quan trắc... cho ban chỉ đạo; cử người trực 24/24 giờ để nắm bắt thông tin và kịp thời báo cáo về ban chỉ đạo, để khi cần xả lũ thì có cơ sở khoa học chính xác nhất. Khi xả lũ, ban chỉ đạo thẩm định, đồng thời tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết để tránh gây hiểu nhầm và hoang mang.

Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nghe lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo thiệt hại về đợt mưa lũ vừa qua và các biện pháp khắc phục. Phó Thủ tướng biểu dương các cấp, các ngành trong tỉnh đã bình tĩnh, nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tỉnh không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống mưa lũ và khắc phục hậu quả; tăng cường tuyên truyền cho nhân dân trong mùa mưa lụt; triển khai ngay những biện pháp hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người và của. Phó Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 30 tỷ đồng, giống các loại rau màu, áo phao, hỗ trợ khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tái định cư để phòng chống lũ quét và sạt lở... như đề xuất của tỉnh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn trong đợt mưa lũ vừa qua; đồng thời lưu ý địa phương cần quan tâm thăm hỏi, giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả của mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Theo tin của phóng viên TTXVN thường trú tại các tỉnh miền Trung: Tính đến ngày 18/11, mưa to lũ lớn đã làm 20 người chết (Quảng Trị 1, Thừa Thiên - Huế 7, Quảng Nam 5, Quảng Ngãi 5 và Bình Định 2 người); có 7 người mất tích (Thừa Thiên -Huế 2, Quảng Nam 3, Quảng Trị 1 và Bình Định 1 người). Nhờ lượng mưa giảm đáng kể nên tình trạng ngập lụt tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi giảm dần; tỉnh Quảng Trị đã hết ngập, giao thông đi lại bình thường. Thừa Thiên-Huế diện tích ngập lụt trên địa bàn đã giảm, còn 11.336 hộ bị ngập. Các tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 49B đã thông xe bình thường. Một số tỉnh lộ và huyện lộ vẫn bị ngập.

Các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sơ tán 8.346 hộ với khoảng 30.000 khẩu, tập trung ở các huyện bị ngập sâu như: Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc…, hình thức sơ tán chủ yếu là xen ghép tại chỗ. Công tác sơ tán được thực hiện an toàn theo phương án đã chuẩn bị từ trước. Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo và tổ chức di dời, sơ tán đến nơi an toàn 1.857 hộ/7.795 khẩu. Một số nơi hiện vẫn bị chia cắt như huyện Sơn Tây, huyện Tây Trà, 4 xã thuộc huyện Trà Bồng, 5 thôn thuộc huyện Tư Nghĩa. Trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có khoảng 2.000 hộ bị ngập sâu từ 0,5 m đến 1,0 m (huyện Hoài Ân 1.600 hộ, huyện An Lão 400 hộ). Tỉnh đã di dời 65 hộ dân thuộc xã An Hòa, huyện An Lão ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Khu dân cư xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) bị ngập sâu trong nước lũ.Ảnh: Viết Ý - TTXVN

Lũ trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa đang tiếp tục lên, các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định tiếp tục xuống. Hầu hết các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã tích đầy nước, nước đã qua tràn, hiện các hồ vẫn an toàn. Một số hồ lớn đang xả lũ theo quy trình. Tình trạng ngập lụt tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi giảm dần. Tuy vậy, các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa vẫn cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối.

Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại buổi họp giao ban trực tuyến. Cụ thể: Lãnh đạo UBND tỉnh, thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai phương án phòng, chống mưa, lũ. Ban chỉ huy PCLB&TKCN các địa phương, đơn vị đã triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ, trong đó chú trọng đến việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa, hồ đập nhỏ do địa phương quản lý.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên nắm tình hình diễn biến của mưa lũ, tình hình mực nước các hồ chứa nước, thủy điện để có kế hoạch triển khai đối phó. Lãnh đạo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN, Sở NN và PTNT đã đi kiểm tra tình hình để chỉ đạo hai hồ thủy điện Bình Điền và Hương Điền vận hành xả lũ theo quy trình, xả nước vào ban ngày, hạn chế xả nước về đêm để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. UBND tỉnh đã phân bổ 30 nhà bạt các loại, 2.000 phao áo cứu sinh và 1.500 phao tròn cứu sinh do UBQG TKCN cấp năm 2010 cho các địa phương, đơn vị để chủ động trong phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; phân bổ 500 tấn gạo, 10 tấn mì tôm, 200 tấn giống, 10 tấn ngô và 3 tấn rau do Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương.

Ngày 18/11, ngay sau khi lũ rút, tỉnh Quảng Ngãi huy động các lực lượng vũ trang và đoàn thanh niên về địa phương giúp nhân dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa; chỉ đạo ngành y tế tập trung xử lý vệ sinh môi trường, nguồn nước, giám sát dịch sốt xuất huyết, bệnh đau mắt đỏ, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Trong trận lũ vừa qua, toàn tỉnh có trên 70 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn và hư hỏng nặng, hàng chục nghìn ha hoa màu bị thiệt hại, hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại ước tính trên 233 tỷ đồng.

- Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Bình Định cho biết: Đến 17 giờ ngày 18/11, trên địa bàn tỉnh đã có gần 10.400 ngôi nhà bị ngập sâu từ 0,7 - 1,5 m; trong đó có 15 nhà bị sập, 37 nhà khác bị hư hỏng nặng. Mưa lũ đã làm 4 người chết và 1 người mất tích, 1.114 tấn lúa giống bị trôi, 432 ha lúa bị đổ, 804 ha hoa màu hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính 142 tỷ đồng. Hiện nay, để đảm bảo an toàn hồ chứa nước lớn, tỉnh Bình Định đã cho xả lũ tại các hồ Định Bình, Núi Một, Hội Sơn. Lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai phương án phòng chống mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn, thường trực 24/24 giờ để xử lý những tình huống bất trắc với tinh thần trách nhiệm cao, không để người dân nào ở vùng lũ bị đói, rét và khát.

TTN/TTXVN

Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung
Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung

Trong ba ngày qua (từ ngày 14 - 16/11), do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường và hoạt động mạnh của đới gió đông trên cao, ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN