Ô nhiễm làng nghề Hà Nội - Bài 1: Nỗi lo chưa có lời giải

Mặt trái của "tấm huy chương” làng nghề chính là hậu quả to lớn về môi trường do các hoạt động tiểu thủ công nghiệp này gây ra.

Nước thải của làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) được xả thẳng ra các ao, hồ, kênh mương khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 156.000/m3/ngày đêm. Hầu hết các làng nghề đều bị ô nhiễm ở phạm vi khá rộng và nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân cũng như sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.

Phổ biến vẫn là ô nhiễm tiếng ồn, chất thải rắn, nước thải, không khí. Tại một số làng nghề, bằng mắt thường rất dễ nhận thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí mà không cần thông qua quan trắc, lấy mẫu xét nghiệm.

Sống chung với ô nhiễm

Với 51 làng nghề các loại, huyện Hoài Đức được coi là một trung tâm làng nghề của Thủ đô nhưng cũng chính đặc điểm này đã biến vùng quê giàu truyền thống nơi đây trở thành một “địa chỉ đen” trên bản đồ ô nhiễm môi trường Thủ đô. Đó là nỗi bức xúc kéo dài rất nhiều năm qua, là nguyên nhân bệnh tật, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân sống trong khu vực.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại 4 làng nghề chế biến nông sản của huyện Hoài Đức: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, Sơn Đồng, việc chế biến tinh bột phục vụ làm nghề qua chế biến đã tạo ra một lượng nước thải lên đến khoảng 3 triệu m3/năm. Nhưng điều đáng nói là toàn bộ khối lượng nước thải này được các hộ gia đình, cơ sở sản xuất xả thẳng ra môi trường mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào.

Bà Nguyễn Thị Hiền, người dân xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức bức xúc nói: “Cả thôn, cả xã bị ô nhiễm khủng khiếp. Nước thải từ cống rãnh làng nghề xả trực tiếp ra ngoài, nhất là vào những ngày nắng to hoặc mưa thì bốc mùi hôi thối, khiến cuộc sống của người dân càng trở nên ngột ngạt, khó chịu”.

Tại làng nghề Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), mặc dù một số nghề truyền thống như làm lông vũ, dệt, thu gom tái chế phế thải… đã đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân, nhưng đây cũng chính là lý do khiến môi trường sống của người dân bị ô nhiễm nặng nề. Dọc theo những con đường và mương máng bao quanh các làng nghề, bụi bặm, nước thải đặc quánh, bốc mùi như cái bọc khổng lồ, “bủa vây” làng nghề. Độ ô nhiễm nặng nề đến mức, tại hầu hết các ao, hồ trong làng, không thể tìm thấy bóng dáng, sự tồn tại nào của bất kỳ loài thực vật thủy sinh nào.

Hay đến các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Kì Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Bắc Từ Liêm)... mới thấy được lượng nước thải phát sinh do quá trình tẩy rửa các nguyên liệu, chế biến sản xuất là rất lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày. Tương tự các làng nghề ở huyện Hoài Đức, phần lớn nước thải sản xuất tại các xã trên đều đổ thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao.


Điển hình ở làng bún Phú Đô - thương hiệu bún nức tiếng ở Hà Nội với sản lượng 10.200 tấn bún/năm, kéo theo hàng năm một lượng chất thải rất lớn hủy hoại môi trường nước như COD (76,9 tấn); BOD (553,14 tấn); SS (9,38 tấn). Người dân địa phương cho biết, những ngày nắng nóng, ô nhiễm lên tới đỉnh điểm, nước vo gạo chua đổ ra cống rãnh dồn về phía mương bốc mùi nồng nặc, chiếm trọn bầu không khí của người dân.


Cùng chung cảnh ngộ, người dân làng nghề Trát Cầu (huyện Thường Tín) cũng đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường bởi các nghề truyền thống về các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm…


Chỉ tay về phía bãi chôn lấp rác thải, chị Nguyễn Thị Trà, người dân sống tại làng nghề Trát Cầu cho biết, hầu như ngày nào cũng vậy, các cơ sở sản xuất này đều đem rác thải ra hố chôn lấp rác của thôn để đốt. Khí nóng, khói bụi bốc lên khét lẹt, bao phủ cả thôn và khu vực lân cận. “Nếu để tình trạng này tiếp diễn sức khỏe người dân sẽ bị đe dọa nghiêm trọng...”, chị Trà lo lắng.


Ý thức kém, xử lý vi phạm “lỏng”

Rác được đổ rồi đốt trong cánh đồng làng Trát Cầu (huyện Thường Tín). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Không thể phủ nhận việc các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội đã tích cực hơn trong việc thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Song, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn chưa được cải thiện khiến nhiều người dân bức xúc, kiến nghị nhiều nhưng chưa được giải quyết.


Qua kết quả khảo sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội và Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nhiều quận, huyện vẫn có chỉ số ô nhiễm làng nghề vượt quá 30 lần cho phép. 100% làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích vượt tiêu chuẩn. Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề đều bị ô nhiễm bởi COD, NH4, phenol; nước bề mặt ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc; hay các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng như As, Hg khá cao…

 

Điều đáng lo ngại là trong khi các đơn vị chức năng của Hà Nội chưa thực sự chú trọng việc kiểm tra, xử lý vi phạm dù cảnh báo đã tới mức nguy hiểm, thậm chí, một số địa phương thiếu trách nhiệm đối với công tác này, thì ý thức của người dân lại là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Nhiều hộ gia đình biết rõ mức độ nguy hiểm của việc gây ô nhiễm nhưng vẫn cố tình vi phạm và chấp nhận sống chung với ô nhiễm để có lợi ích kinh tế.


Cũng từ thực tế kiểm tra, khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiệu quả xử lý vi phạm môi trường ở làng nghề chưa rõ nét, đặc biệt là việc phối hợp giữa người dân với các lực lượng chuyên môn trong phát hiện và đấu tranh phòng, chống vi phạm về bảo vệ môi trường còn chưa đem lại hiệu quả.


Một nguyên nhân khác là nguồn kinh phí đầu tư cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế; thiết bị, công nghệ sản xuất vẫn lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Đa phần cơ sở sản xuất, hộ gia đình còn xem nhẹ, không có kinh phí hoặc chưa coi trọng việc đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn...


Xử lý ô nhiễm tại các làng nghề khó khăn hơn rất nhiều so với các loại ô nhiễm khác, bởi môi trường làng nghề còn liên quan đến truyền thống văn hóa, kinh tế và thói quen của người dân… Vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, thành phố đã có một lộ trình cụ thể nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Bởi chính cộng đồng làng nghề là những người trực tiếp tham gia sản xuất, cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của ô nhiễm này...


Bài 2: Để ô nhiễm không còn là nỗi ám ảnh


Minh Nghĩa/TTXVN
Thái Bình xử phạt cơ sở gây ô nhiễm làng nghề
Thái Bình xử phạt cơ sở gây ô nhiễm làng nghề

Xã Thái Phương, huyện Hưng Hà (Thái Bình) có làng nghề dệt nhuộm Phương La. Làng nghề này có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm nay, nổi tiếng trong và ngoài nước với các sản phẩm khăn dệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN