Nụ cười trở lại với người trồng hành tím Sóc Trăng

Với sự chung tay của cả nước, lượng hành tím tồn đọng của bà con Vĩnh Châu, Sóc Trăng đang được tích cực thu gom. Nụ cười đang trở lại với người dân một nắng hai sương vất vả trên những cánh đồng xứ biển Vĩnh Châu.

Sóc Trăng là địa phương có diện tích trồng hành tím lớn của cả nước, tập trung chủ yếu ở thị xã Vĩnh Châu với diện tích trồng hàng năm khoảng 6.500 ha, sản lượng đạt trên 120.000 tấn. Vụ hành năm nay, do thị trường nước ngoài tiêu thụ khó khăn, lượng hành tím tồn đọng trong dân khá lớn với khoảng trên 50.000 tấn. Nhiều hộ dân tồn đọng hàng tấn, hàng chục tấn nên gặp nhiều khó khăn để tái đầu tư sản xuất.

Trước thực tế này, nhiều Bộ ngành, tỉnh, thành trong cả nước đã phát động phong trào chung tay tiêu thụ hành tím cho người dân và tại Sóc Trăng, phong trào này cũng đang được triển khai rộng khắp.

Thu hoạch hành tím tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu/TTXVN


Theo anh Nguyễn Thành Duy, Phó Bí Thư tỉnh Đoàn Sóc Trăng, hiện t ỉnh đoàn đã làm đầu mối liên hệ và kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm hỗ trợ tiêu thụ hành tím. Theo đó, Tập đoàn Vingroup và các nhà phân phối thực phẩm ký hợp đồng tiêu thụ được 130 tấn hành tím với giá 7.500 đồng/kg. Đồng thời, các tổ, nhóm, câu lạc bộ thanh niên tình nguyện trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh thành lập được 7 đội, nhóm và nhận tiêu thụ trên 8 tấn hành tím. Ngoài ra, đoàn viên, thanh niên ở các tỉnh lân cận phối hợp với Tỉnh đoàn để tạo kênh phân phối ngoài tỉnh . Các ban ngành, đoàn thể tại địa phương vận động hơn 400.000 đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh đăng ký mua hành tùy theo nhu cầu. Đối tượng được hỗ trợ thu mua hành trong chương trình nghĩa tình này là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tại công viên 30 - 4, thành phố Sóc Trăng, Câu lạc bộ “Những củ hành nhỏ” gồm các bạn là đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã chính thức mở gian hàng bán hành tím giúp người dân thị xã Vĩnh Châu. Các tình nguyện viên của câu lạc bộ đã nhờ chính quyền địa phương giới thiệu nhóm đến những hộ nghèo đã thu hoạch hành nhưng không thể tiêu thụ để mua hành với giá 8.000 đồng/kg. Không chỉ bán tại chỗ, các tình nguyện viên trong câu lạc bộ còn nhận giao hàng tận nhà trong nội ô thành phố Sóc Trăng, với số lượng 5 kg trở lên và giao hàng ngoài tỉnh không tính phí vận chuyển, nếu khách đặt hàng từ 10 kg trở lên.

Cũng theo anh Nguyễn Thành Duy, hưởng ứng phong trào giúp dân Sóc Trăng tiêu thụ hành tím, các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền quảng bá về hành tím Vĩnh Châu đồng thời phát động lực lượng đoàn viên, CBCNV chức cơ quan trực tiếp mua và bán hành tím với mức giá gốc. Cụ thể, Công đoàn, Đoàn thanh niên Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội, báo Tuổi trẻ Thủ Đô, mỗi đơn vị đặt tiêu thụ 10 tấn hành cho bà con. Tỉnh đoàn đang chuẩn bị nguồn và chuyển hàng ra Hà Nội cho các đơn vị đặt hàng ngay trong tuần sau.


Các hệ thống phân phối, chợ đầu mối nông sản và doanh nghiệp chế biến tích cực chung tay để “giải cứu” mặt hàng này. Trong đó, hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã ký kết hợp đồng giúp bao tiêu 100 tấn hành tím Vĩnh Châu và bán với giá gốc tại các siêu thị Co.opMart, Co.opXtra và Co.op Food. Giá thu mua của Saigon Co.op bảo đảm cao hơn thương lái, giúp nông dân có lãi. Hầu hết, củ hành tím Vĩnh Châu mà Saigon Co.op thu mua đều đạt chuẩn GlobalGAP. Việc đóng gói tùy theo đơn vị đặt hàng được đóng theo từng kg hoặc 2 kg, 5 kg, 50 kg/gói. Giá hành tím t ới tay người tiêu dùng tính cả chi phí vận chuyển có mức dao động từ 12.000 - 13.500 đồng/kg.

Trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người trồng hành tím Vĩnh Châu, Bộ Công Thương đã có công văn gửi đến các đơn vị địa phương nhằm mở lối tiêu thụ hành tím đang rớt giá cho nông dân tỉnh Sóc Trăng. Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các doanh nghiệp phân phối liên hệ trực tiếp với Sở Công Thương, thương nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn Sóc Trăng; chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, siêu thị, chợ đầu mối nông sản trên địa bàn tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ hành tím cho người dân; giúp đỡ các thương nhân trong thu mua, vận chuyển đến nơi tiêu thụ; yêu cầu các đơn vị liên quan gửi thông tin về các đầu mối phân phối lớn về Bộ trước ngày 28/4.

Ông Triệu Sươl, ở khóm Cà Săng, phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho biết: "Trước Tết Chôl Chnăm Thmây của bà con Khmer (giữa tháng 4 dương lịch), giá hành chỉ có 1.500 - 2.000 đồng/kg, trong khi giá đầu tư tới 7.000-8.000 đồng/kg, nếu bán thì lỗ quá. Vì vậy, nhà có 8 tấn hành, thu hoạch để hoài không bán được. Bây giờ được bên đoàn thanh niên tổ chức mua giá 7.500 đồng/kg, mới bán được 3 tấn nhưng vậy là rất vui rồi. Nghe báo đài nói nhiều đơn vị cơ quan ủng hộ mua hành tím cho bà con nên cũng mừng…".

Ông Huỳnh Lợi, ở cùng phường 2, thị xã Vĩnh Châu có gần 1 ha đất trồng hành, thu được 20 tấn hành cũng cùng chung số phận khi giá thời điểm thu hoạch chỉ có hơn 3.000 đồng/kg. Mới đây có đoàn thanh niên đến khảo sát mua 5 tấn hành với giá 8.000 đồng/kg nên ông rất phấn khởi.

Hướng tới biện pháp lâu dài hơn, giúp người dân có thể tồn trữ hành tím an toàn khi giá cả thấp, ngày 22/4 vừa qua, Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu đã tổ chức Hội thảo về mô hình sơ chế sấy và bảo quản, tồn trữ hành tím Vĩnh Châu do Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND thị xã Vĩnh Châu và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức. Theo đó, Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh đã phối hợp với Công ty Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ Bách khoa (thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện mô hình mini sơ chế sấy và bảo quản, tồn trữ hành tím thương phẩm nhằm duy trì chất lượng và kéo dài thời gian tồn trữ để chờ giá.

Qua thời gian thử nghiệm và được giới thiệu tư vấn, đa số các đại biểu là thành viên Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu nhận định, bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả đáng khích lệ. Thời gian thực hiện thử nghiệm sấy, bảo quản được tiến hành 2 đợt: Đợt 1 sấy 1.260 kg và bảo quản được gần 4 tháng; đợt 2 sấy 940 kg và bảo quản được 2 tháng 13 ngày. Thông qua buổi Hội thảo này, Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh sẽ có cơ sở đánh giá kết quả đạt được và mức độ khả thi của mô hình để có thể áp dụng nhân rộng thực hiện trong thời gian tới.


Trung Hiếu (TTXVN)

Quảng Nam không còn dưa hấu để thu hoạch
Quảng Nam không còn dưa hấu để thu hoạch

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ở thời điểm này không còn dưa hấu thu hoạch để bán ra thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN