Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ:

Nơi giữ vững mạch máu giao thông phục vụ chiến dịch

Trong chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm trước, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo giao thông, chi viện cho chiến trường, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch.


Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ; cùng với quân và dân các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 4, Liên khu 3, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh các hoạt động giữ vững giao thông, bảo đảm chi viện sức người, sức của từ hậu phương ra mặt trận Điện Biên Phủ. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hai Đại đội 44 và 45 của Tiểu đoàn 88 được lệnh phối hợp cùng lực lượng dân công và đồng bào các dân tộc gấp rút sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường, trong đó có tuyến đường 1B, trong thời gian ngắn nhất. Lực lượng dân quân du kích bố trí các trạm gác máy bay trên các điểm cao dọc đường để theo dõi, thông báo kịp thời hoạt động của máy bay địch để kịp ứng phó.

Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (7-5-1954)


Thời điểm đó, tỉnh Lạng Sơn đã huy động mọi phương tiện (xe đạp, xe trâu, ngựa thồ, thuyền mảng) và trên 1 nghìn dân công tham gia vận chuyển hàng chục tấn lương thực, thực phẩm lên công trường bảo đảm cho các lực lượng hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Sau hơn 2 tháng lao động khẩn trương với gần 300 nghìn ngày công, quân và dân Lạng Sơn đã hoàn thành nâng cấp tuyến đường 1B đoạn Lạng Sơn - Bắc Sơn, rải cấp phối mặt đường rộng 8 m, bảo đảm cho các phương tiện vận tải và dân công vận chuyển hàng hoá xuống Thái Nguyên, kịp chi viện cho chiến trường.


Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thuận An, năm nay 84 tuổi, người đã tham gia thanh niên xung phong bảo vệ và mở đường giao thông phục vụ chiến dịch cho biết: Chúng tôi cùng anh em thanh niên xung phong ở Lạng Sơn làm nhiệm vụ giữ vững mạch máu giao thông phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời gian này, không khí phục vụ cho chiến dịch rất khẩn trương vì địch đang tăng cường dùng bom đánh phá đường để hạn chế việc tiếp viện cho Điện Biên Phủ. Tôi và đồng đội đã phải canh gác ngày đêm để đảm bảo giao thông bảo đảm an toàn kịp chi viện cho chiến dịch.


Từ tháng 1 đến đầu tháng 2/1954, hàng trăm chiếc máy bay của Pháp đã ném trên 11 nghìn quả bom vào các tuyến đường số 1 và số 4. Các trọng điểm Sài Hồ, Mỏ Chảo, Cáp Mèo (trên đường 1A) liên tục bị đánh phá, bọn biệt kích tăng cường hoạt động, phá hoại dọc đường 1A. Đầu tháng 2/1954, tỉnh Lạng Sơn huy động trên 11 nghìn dân công trong đợt 1 (trong đó có 1.577 dân quân xung phong) các huyện phía đông và nam của tỉnh tham gia sửa chữa, khắc phục giao thông trên quốc lộ 1A và trên 3 nghìn dân công sẵn sàng được huy động đợt 2 để chi viện khi cần thiết. Lực lượng du kích các bản làng ven đường 1A, 1B tổ chức thành nhiều bộ phận để trực chiến, theo dõi hoạt động của máy bay địch, báo động phòng không, tuần tra, canh gác, kiểm soát các đoạn đường xung yếu. Các khẩu đội đối không của Đại đội 43, Trung đội trợ chiến 27 thuộc Tiểu đoàn đối không 681 của Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu, sẵn sàng đánh trả máy bay địch khi chúng đến. Mạng lưới quân báo nhân dân, do các cơ quan quân sự địa phương đảm nhận, các đồng chí chính trị viên từ tỉnh đội đến xã đội trực tiếp phụ trách và tích cực hoạt động.


Đầu tháng 5/1954, toàn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức được 95 tổ quân báo nhân dân, với 202 quân báo viên và hàng nghìn cộng tác viên. Mạng lưới quân báo nhân dân hoạt động rất hiệu quả, mọi hoạt động phá hoại của bọn biệt kích, gián điệp và các phần tử phản động được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang và mạng lưới quân báo nhân dân rộng rãi, các trục đường giao thông, hệ thống kho tàng của tỉnh Lạng Sơn và các huyện được an toàn.


Ngày 13/3/1954, cùng lúc quân ta bắt đầu mở cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì tại Lạng Sơn, thực dân Pháp huy động máy bay đánh phá xuống một số trọng điểm rất ác liệt. Trên đoạn đường 1A dài 70km, địch dùng bom đạn đánh phá nhiều lần nhằm cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Với tinh thần địch phá một, ta làm hai, từ sáng sớm đến chiều tối, các đoàn dân công tham gia vận chuyển xếp hai bên đường hàng nghìn mét khối đất đá, gỗ và làm thêm nhiều đường vòng, bến vượt qua các cầu cống bị đánh sập, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Các tổ phá bom của bộ đội, du kích lợi dụng địa hình, địa vật che chắn để phá bom nổ chậm. Bộ đội đối không của Lạng Sơn chủ động vừa chốt chặn, vừa cơ động đón lõng đánh máy bay địch, bảo vệ đường, bảo vệ mục tiêu được phân công và phối hợp với Tiểu đoàn phòng không 681 bắn rơi 1 máy bay địch tại Cấm Sơn. Lực lượng đảm bảo giao thông vận tải của chiến tranh nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã góp phần xứng đáng để ngành vận tải quốc phòng nhanh chóng vận chuyển một khối lượng lớn vật chất, kỹ thuật, trực tiếp chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ.


Cùng với đó, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã quyên góp, gửi hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hơn 200 trâu, bò, góp phần tiếp thêm thực phẩm bảo đảm cho bộ đội ta chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, trong đó có sự đóng góp sức người, sức của của quân và dân các dân tộc miền biên ải Tổ quốc.


Thắng Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN