Nhiều trở ngại trong phòng chống dịch bệnh

Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, hai loại dịch bệnh liên quan đến muỗi là Zika và sốt xuất huyết hiện vẫn tiếp tục gia tăng. Mặc dù các địa phương đã có những nỗ lực trong việc tuyên truyền phòng chống dịch nhưng vẫn không thể xóa hết được các điểm dịch bệnh tồn tại đã lâu.

Nỗ lực chống dịch

Theo Trung tâm Y tế dự phòng, trung bình mỗi tuần thành phố ghi nhận hơn 600 ca mắc sốt xuất huyết, đến nay toàn thành phố đã có hơn 19.000 ca, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng bệnh do virút Zika đang có chiều hướng gia tăng, đã ghi nhận khoảng 103 trường hợp nhiễm vi rút Zika được xác định, trong đó có 13 thai phụ được theo dõi theo quy định. Hiện nay, vi rút Zika đã có mặt ở 20/24 quận huyện, trong đó, nhiều quận huyện có số ca cao như Bình Thạnh (20 ca), quận 2 (14 ca), quận 12 (10 ca), quận Tân Phú (9 ca)...

Những công trình xây dựng chậm tiến độ là mầm mống dẫn đến các dịch bệnh do muỗi gây ra.

Trước tình hình dịch bệnh do muỗi diễn biến phức tạp, các quận huyện, phường xã đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng... Bà Thái Hồng Nga, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết ngay sau khi phát hiện các ca nhiễm virút Zika trên địa bàn, quận đã chỉ đạo và yêu cầu tất cả các ban ngành như Phòng y tế, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên... triển khai các hoạt động cụ thể như phun hóa chất diệt muỗi mỗi ngày tại các khu vực phát sinh ổ dịch và các vùng lân cận, phát tờ rơi, loa phát thanh di động... đồng thời, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, đi đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh.

Trong khi đó, quận 12 cũng kiên quyết hơn trong công tác diệt muỗi, lăng quăng trên địa bàn. Theo đó, UBND quận đưa phong trào phòng chống dịch bệnh Zika vào tiêu chí thi đua. Nếu tổ chức, cá nhân trên địa bàn khu phố, phường để phát sinh lăng quăng thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính sau khi đã nhắc nhở hai lần; tổ chức và cá nhân trong khu phố, phường nào bị phạt thì ban điều hành khu phố và lãnh đạo phường đó sẽ bị hạ điểm thi đua.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước chủ động tầm soát bệnh do vi rút Zika với số điểm giám sát nhiều nhất nước. Ngành y tế cũng thành lập các đoàn kiểm tra giám sát chỉ đạo các địa phương trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và virút Zika; tuyên truyền phòng chống dịch trong địa bàn dân cư; xác định các điểm nguy cơ, phun hóa chất diệt muỗi; đảm bảo đủ số hóa chất phun diệt muỗi cho địa phương xử lý các vùng có nguy cơ và địa bàn có ca bệnh. Các bệnh viện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, trang thiết bị y tế, bố trí đội ngũ bác sĩ thường trực cấp cứu...

Ý thức còn kém

Để giám sát chặt chẽ hơn, lãnh đạo thành phố và Hội đồng nhân dân đã liên tục đến các quận, huyện có ca dịch để giám sát và kiểm tra, nhưng theo đánh giá chung, tới nay dù các địa phương đã có những nỗ lực nhưng không thể xóa hết được các điểm nguy cơ tồn tại đã lâu.

Nhiều người dân chưa hợp tác khi chính quyền thông báo tổ chức diệt muỗi, diệt lăng quăng trong hộ gia đình.

Một thực tế là nhiều người dân chưa hợp tác với chính quyền trong việc diệt muỗi, lăng quăng trong hộ gia đình. Do đó, việc phun xịt hóa chất chỉ ở mức xung quanh nhà; chưa kiểm tra loại bổ được hết vật dụng và dụng cụ chứa nước trong gia đình là nguồn phát sinh lăng quăng. Bên cạnh đó, việc vận động người dân diệt lăng quăng chưa đồng bộ ở các quận huyện, chất lượng phun xịt hóa chất chưa đồng đều, thiếu nhân sự nên chưa đảm bảo kỹ thuật phun xịt, nhiều khu vực rất khó phun xịt hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, các dự án chậm triển khai hay tình trạng kênh rạch ô nhiễm môi trường còn tồn tại ở nhiều nơi… dẫn đến tồn đọng các điểm phát sinh muỗi, lăng quăng.

“Khi đến truyền thông, một số hộ dân ở phường không chấp hành. Khi cán bộ đi phun thuốc diệt muỗi họ không mở cửa cho phun xịt. Lý do được đưa ra là hóa chất có mùi hôi không muốn cho phun vào nhà”, chị Nguyễn Thị Duyến, Trưởng trạm y tế phường Phú Thạnh (quận Tân Phú), chia sẻ. Còn theo Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú, hiện có đến 50% công trình có xuất hiện lăng quăng khi tái kiểm tra.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết mức độ quan tâm của người dân còn nhiều hạn chế nên ở mỗi khu phố ngành y tế đã đề xuất với Ủy ban phường thành lập các đội diệt lăng quăng để xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây truyền virút Zika. Bên cạnh đó, cũng theo ông Dũng, mặc dù Nghị định 176 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) đã có hiệu lực từ lâu nhưng số địa phương thực hiện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Theo đó, hiện chỉ có quận Tân Phú đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, để phát sinh ổ lăng quăng. Trong khi đó, các địa phương khác như Bình Thạnh, quận 2, quận 12… chỉ mới chỉ xử phạt được 1 - 2 trường hợp và mức xử phạt còn rất nhẹ nên người vi phạm nộp phạt xong vẫn tái diễn, nhất là ở các công trình xây dựng.
Bài và ảnh: Đan Phương
Khẩn trương triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika
Khẩn trương triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika

Ngày 5/12, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp khẩn cùng các sở, ngành và địa phương liên quan nhằm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với vi rút Zika.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN