Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế

Hiện, việc xây dựng mô hình đổi mới đào tạo y khoa tại Việt Nam được tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế


Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành y tế đặc biệt quan tâm thực hiện. Hiện, việc xây dựng mô hình đổi mới đào tạo y khoa tại Việt Nam được tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế với điểm thay đổi chính là phân định rõ 2 hướng đào tạo là hệ nghiên cứu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và hệ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý.


* Đổi mới để nâng cao chất lượng


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã nghiên cứu, đề xuất mô hình đổi mới đào tạo nhân lực y tế và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trong đó đào tạo y khoa có bác sĩ y khoa và bác sĩ chuyên khoa, theo đó bác sĩ y khoa tương đương trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa tương đương trình độ tiến sĩ.


Bộ hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về việc tổ chức thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và trình Chính phủ xem xét ban hành; triển khai xây dựng các tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế. Trong năm 2016, Bộ đã hoàn thành xây dựng và ban hành Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ Răng Hàm Mặt, tiếp tục triển khai xây dựng Chuẩn năng lực cơ bản các ngành: Y tế công cộng, Dược, Dinh dưỡng; phát triển mạng lưới đào tạo liên tục cán bộ y tế để triển khai thực hiện đào tạo liên tục cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế.


Bên cạnh tiếp tục triển khai Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ tổng hợp nhu cầu nhân lực y tế trên cơ sở báo cáo và đề xuất của các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Đông Nam bộ để đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân cho các khu vực này.


Bộ tăng cường giám sát đào tạo nhân lực y tế, tập trung vào công tác đào tạo liên thông, liên kết, đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, công tác tuyển sinh, đảm bảo bảo chất lượng đào tạo; đồng thời triển khai thử nghiệm kiểm định chất lượng đào tạo liên tục tại Sở Y tế Nam định và Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học đặc thù ngành y tế, tổ chức thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú.


Bộ Y tế đã ban hành văn bản về chủ trương dừng đào tạo chuyển đổi cấp chứng chỉ từ y sĩ sang điều dưỡng và không cấp chứng chỉ hành nghề điều dưỡng cho đối tượng chuyển đổi từ y sĩ sang điều dưỡng để thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục và Luật Khám bệnh, chữa bệnh; trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.


*Thực hiện giám sát thường xuyên


Tuy vậy, cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, công tác đào tạo nhân lực y tế hiện nay chưa có đánh giá khách quan, độc lập (các trường tự ban hành chuần đầu ra, chấm điểm và công bố đạt). Trong đào tạo còn lẫn giữa năng lực nghiên cứu và năng lực khám chữa bệnh. Vai trò cốt lõi của đào tạo y (năng lực khám chữa bệnh) chưa được hệ thống bằng cấp nhìn nhận đúng mức. Phương pháp đào tạo nặng về truyền đạt kiến thức, chưa thực sự thiết kế để tạo ra năng lực…


Bên cạnh đó, hệ thống văn bản về đào tạo hiện hành còn thiếu những qui định cho đào tạo nhân lực y tế; việc phân bổ nguồn nhân lực y tế chưa hợp lý, thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng giữa các vùng, các tuyến.



Ngoài ra, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt còn xảy ra tiêu cực, gây phiền hà đối với người bệnh. Một số cán bộ y tế mặc dù đã được tập huấn, nhưng còn cứng nhắc, không thân thiện trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh.


“Học y vất vả là một thực tế và khi làm việc cũng có rất nhiều áp lực, khó khăn. Việc nghiên cứu, đề xuất cũng như thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức ngành y tế trong thời gian qua đã được Đảng và Chính phủ quan tâm...’ Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết. Mặc dù vậy, trong thực tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, mức lương khởi điểm chưa tương xứng với thời gian đào tạo; thầy thuốc chưa được hưởng phụ cấp thâm niên nghề; chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế phù hợp với khả năng của Nhà nước và điều kiện kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế để đáp ứng chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Bộ tăng cường quản lý chất lượng đào tạo thông qua giám sát thường xuyên, kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về nhân lực y tế. Bộ tăng cường phối kết hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác chỉ đạo và quản lý chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế.



TTXVN/Tin Tức
Kiểm định chất lượng nhân lực y tế thông qua các quy chuẩn
Kiểm định chất lượng nhân lực y tế thông qua các quy chuẩn

Làm thế nào kiểm soát được chất lượng nhân lực y tế, vừa có thể đáp ứng yêu cầu vừa đảm bảo chất lượng vừa đủ về số lượng? Đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp cho vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN