Nhãn hiệu tập thể giúp miến dong Bắc Kạn phát triển bền vững

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp Giấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho thương hiệu miến dong Bắc Kạn của tỉnh Bắc Kạn. Đây là việc làm cần thiết để phát triển thương hiệu của sản phẩm mang tính đặc sản này của tỉnh, đồng thời giúp bảo vệ quyền lợi người sản xuất, góp phần cải thiện đời sống của người dân miền núi Bắc Kạn.

 

Giúp dân yên tâm sản xuất


Bắc Kạn có điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển cây dong riềng, đặc biệt các huyện Na Rì và Ba Bể đã có truyền thống trồng dong riềng từ hàng trăm năm nay với giống dong riềng địa phương rất nổi tiếng. Những năm gần đây, diện tích trồng dong riềng và số lượng cơ sở chế biến miến dong đều tăng lên; nhất là khi miến dong đã trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị cao được người tiêu dùng ưa chuộng do có chất lượng, màu sắc, hương thơm đặc trưng.


 

Chế biến miến dong Bắc Kạn.

 

Miến dong bây giờ không chỉ có ở Na Rì- huyện đầu tiên có những cơ sở sản xuất nhỏ, thủ công. Các cơ sở chế biến miến dong đã được nâng cấp, công suất lớn hơn và được đặt ở tất cả các huyện tùy vào diện tích trồng dong riềng của từng huyện. Riêng huyện Na Rì đã có trên 40 HTX chế biến bột và miến dong. Còn ở huyện Ba Bể, Công ty Hoàng Giang, Công ty Nhất Thiện đã có những cơ sở sản xuất bột lên đến 100-200 tấn củ/ngày.


Theo ông Nông Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Việc lập các cơ sở chế biến là rất cần thiết, bởi giúp người dân tin tưởng sản phẩm dong riềng củ sẽ được tiêu thụ hết và không bị ép giá. Tỉnh đã có nhiều khảo sát đánh giá năng suất dong riềng ở tất cả các huyện, căn cứ vào tổng sản lượng để thành lập các cơ sở chế biến, đảm bảo tiêu thụ hết dong riềng nguyên liệu. Tuy nhiên, để bảo vệ người sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo uy tín và danh tiếng của sản phẩm, thì việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn là rất cần thiết. Chính vì thế, UBND tỉnh Bắc Kạn đã sớm chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ lập dự án Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Miến dong Bắc Kạn.


Miến dong Bắc Kạn là một sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao, có uy tín trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng. Trong một thời gian dài, do chưa được đăng ký thương hiệu nên trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại miến dong chất lượng kém nhưng cũng lấy tên Miến dong Bắc Kạn, trong đó miến dong Na Rì bị nhái nhiều nhất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng và lợi ích kinh tế của người trồng và sản xuất miến dong nói riêng và lợi ích người tiêu dùng nói chung. Đặc biệt làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững ở địa phương. Từ những thực tế đó, để đảm bảo quyền lợi của nông dân sản xuất và đồng thời tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Miến dong Bắc Kạn là một việc làm hết sức cần thiết, giúp cho chính quyền cũng như nhân dân địa phương mở rộng diện tích, quy mô sản suất, nâng cao chất lượng… để đóng góp hơn nữa vào cải thiện thu nhập của người dân một cách bền vững.

 

Phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương


Địa hình Bắc Kạn chủ yếu là đồi núi với nhiều núi đá vôi, thung lũng hẹp thích hợp cho cây dong riềng phát triển. Cây dong riềng đã mọc tự nhiên và được khai thác lâu đời tại các địa bàn Bắc Kạn, trong đó huyện Na Rì có nhiều xã, thôn, bản trồng nhiều. Tuy nhiên, do tập quán làm ăn nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp là chính nên nghề làm miến không phát triển. Nghề làm miến dong xuất hiện ở Na Rì từ những năm 80 của thế kỷ trước, ban đầu chỉ là món ăn phục vụ trong phạm vi thôn bản, và cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Qua thời gian, miến dong Na Rì trở thành hàng hóa có giá trị, được người nội trợ nhiều nơi tin dùng vì chất lượng đặc biệt. Miến dong Bắc Kạn được sản xuất ở hai địa phương chính là Na Rì và Ba Bể bằng tinh bột dong nguyên chất, sợi miến dong thành phẩm của hai địa phương cũng có màu khác nhau, nhưng đều hơi xám. Đây là màu nhựa của củ dong vì người dân nơi đây không dùng hóa chất tẩy trắng, nhuộm màu sản phẩm, nên trông sợi miến không bắt mắt như những sản phẩm miến trắng khác; sợi miến dai và có hương thơm đặc trưng của bột dong. Sợi miến sau khi nấu có thể để lâu mà không bị bở, nát và không có sạn.


Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Kạn: Năm 2011, toàn tỉnh có 22 cơ sở chế biến tinh bột và 26 cơ sở chế biến miến dong, năm 2012, toàn tỉnh có 92 cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột và miến dong. Trong đó số cơ sở sản xuất tinh bột đã lên đến 86; có 7 cơ sở vừa chế biến tinh bột vừa sản xuất miến dong. Ở hai huyện Na Rì và Ba Bể đều có 41 cơ sở sản xuất và chế biến bột và miến dong.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Trình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN