Nhà máy xử lý rác thải tiền tỷ 'đắp chiếu'

Từng được coi là "hình mẫu" trong xử lý rác thải với các ưu điểm như: sử dụng công nghệ xanh thân thiện với môi trường, không chôn lấp, không gây ô nhiễm thứ cấp, tận thu túi nylon và kim loại để tái chế, rác thải được xử lý theo hướng năng lượng tái tạo... Thế nhưng chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động (từ tháng 4/2011) đến nay, Nhà máy xử lý rác thải Sông Công (thị xã Sông Công, Thái Nguyên) lại hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều ngày phải "đắp chiếu", chưa phát huy hiệu quả như mong muốn ban đầu.

Dự án Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công được xây dựng bằng công nghệ MBT - CD.08, do Công ty TNHH Thủy lực -Máy hoàn thiện và thi công, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 35 tỷ đồng từ nguồn vốn tài trợ của nước ngoài (hơn 50%; vốn góp của Công ty TNHH Thủy lực - Máy (15,3%) và vốn đối ứng từ ngân sách của địa phương (32%).

Sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản, tháng 5/2011, dự án được chủ đầu tư ban giao cho UBND thị xã Sông Công quản lý. Tiếp đó, UBND thị xã Sông Công đã giao cho Ban quản lý Đô thị thị xã Sông Công quản lý, vận hành nhà máy.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian chạy thử, nhà máy đã rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thỉnh thoảng khởi động lại để phục vụ các đoàn khách đến tham quan rồi lại... đóng cửa. Nhiều tháng gần đây, khu vực công trình rộng hàng chục ha nằm im lìm, vắng lặng, cỏ mọc um tùm xung quanh khuôn viên và khu nhà xưởng chính.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc phải đóng cửa là do 2 sản phẩm chính của nhà máy là viên đốt và gạch không nung sản xuất từ rác gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Mặc dù Ban quản lý đô thị thị xã Sông Công đã chào hàng ở nhiều nơi song cũng chỉ có một vài đơn vị sử dụng thử nghiệm, sau đó "biệt tăm".

Lý giải điều này, lãnh đạo Ban quản lý đô thị thị xã Sông Công thẳng thắn: viên đốt thì đạt nhiệt lượng quá thấp, nhanh tàn lại còn “nặng mùi”; còn gạch không nung vì lẫn bùn đất nên độ kết dính không cao, mủn rất nhanh và cũng có “mùi”. Sản phẩm tồn kho, nhà máy hoạt động không đạt công suất theo thiết kế (50 tấn rác/ngày) khiến cho lượng rác bị tồn ứ ngày càng nhiều, hơn 20 công nhân mới được tuyển thay vì vận hành nhà máy thì lại phải đi thu gom rác ngay trong khu vực nhà máy mang đi chôn lấp...

Hành vi này lại đương nhiên vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do chôn lấp chất thải rắn không đúng quy định, đốt rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp, chôn lấp rác thải y tế lẫn với rác thải sinh hoạt ...

Để giải quyết tình trạng này, ông Đào Qúy Trọng - Trưởng Ban quản lý đô thị thị xã Sông Công cho biết: Sắp tới phía Công ty TNHH Thủy lực - Máy sẽ triển khai việc lắp đặt một lò đốt rác với công suất từ 1.000 - 1.500 kg/h để xử lý triệt để lượng rác tồn đọng, song đây chỉ là giải pháp tình thế.

Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần chuyển Ban quản lý đô thị thị xã thành doanh nghiệp và bàn giao nhà máy để sử dụng thay vì giao nhiệm vụ quản lý vận hành như hiện nay thì đơn vị mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối các bên liên quan để tìm ra giải pháp hữu hiệu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc thù của nhà máy.


P.V


Lò đốt rác thải y tế công nghệ cao đầu tiên
Lò đốt rác thải y tế công nghệ cao đầu tiên

Ngày 10/8, Công ty TNHH Nhiệt Công nghiệp Hỏa Tự Long có trụ sở tại Bắc Kạn đã đưa vào vận hành lò đốt rác thải độc hại, rác thải y tế, công suất từ 30-50 kg rác thải y tế/1 giờ, đã được Bộ Khoa học & Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền cho ông Trịnh Đình Năng, Giám đốc Cty HTL.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN