Nhà hàng quán Nga ở TPHCM: Bà chủ quán say mê làm từ thiện

Ở TP.HCM, dân sành ăn thường tìm đến Nhà hàng quán Nga ở số 9A và 21 Tôn Đức Thắng, quận 1 để thưởng thức món đặc sản nổi tiếng: riêu cá chép. Nhiều khách đến nhà hàng nhiều lần nhưng rất ít khi gặp được bà chủ Phạm Thị Nguyệt Nga, vì bà dành nhiều thời gian cho các chuyến đi từ thiện.

 

Đầu tư nhà hàng kết hợp với trang trại


Chỉ cần vào trang tìm kiếm Google tìm quán Nga (chuỗi nhà hàng Quán Nga 1 và Quán Nga 2 ở số 21 và 9A Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM) thì ngay lập tức sẽ có hàng trăm kết quả vì quán này nổi tiếng với các món ăn hương vị miền Bắc như riêu cá chép, chồn hương (thịt thơm ngon do ăn trái cà phê). Nhiều bạn bè tôi ở Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc khi đi công tác vào TP.HCM đều chọn nơi này để ăn uống.


 

Chị Nguyệt Nga tặng 100 triệu đồng cho các nạn nhân bị chất độc da cam tại Thanh Hà - Hải Dương.

 

Bí quyết tạo ra những món ăn ngon chính là khâu thực phẩm phải tươi ngon. Điều này hoàn toàn đúng đối với nhà hàng Nga khi mà cá chép hay chồn hương đều có “xuất xứ” từ những trang trại chăn nuôi chuyên biệt. Chồn hương được ăn những trái cà phê chín đỏ đã rửa sạch. Hết mùa cà phê, nhiều trang trại chuyển sang sản xuất chồn thương phẩm. Vì thế, nuôi chồn hương nhân đôi giá trị, được coi là con vật “vàng sống” của xứ cà phê. Anh Nguyễn Quốc Khánh chủ trang trại nuôi chồn hương ở thôn 6 Krông Buk, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết: “Chồn hương dễ nuôi trong chuồng hay thả hoang vì chúng ít mắc bệnh. Thịt chồn hương thơm ngon, bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng. Chồn hương sinh sản mỗi năm 1 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con”.


Bà Phạm Thị Nguyệt Nga tâm sự: “Tôi và anh Khánh giúp nhau cùng phát triển kinh tế và tránh nạn săn bắt chồn hương tự nhiên. Tôi liên kết và đầu tư 2 tỷ đồng để Khánh mở rộng trang trại sinh sản, nâng tổng số chồn hương nuôi tại đây từ 500 con lên 2.000 con. Đây là một trong những nguồn cung cấp chồn hương ổn định của nhà hàng quán Nga”.


Bà Nguyệt Nga còn giúp nhiều nông dân ở Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Củ Chi (TP.HCM) làm giàu bằng việc triển khai các trang trại nuôi chồn hương với quy mô lớn mà đầu ra được bao tiêu khiến nhà nông yên tâm.

 

Làm từ thiện lặng lẽ


Sinh ra ở vùng quê vải thiều, xã Cẩm Chế (Thanh Hà - Hải Dương), chị Nga biết thương người từ nhỏ. Sống ở Hà Nội nhưng nhiều lần về quê cùng cha, chị Nguyệt Nga đã dành phần lớn thời gian đi thăm bà con còn khó khăn ở quê và chia sẻ với họ về vật chất bằng tất cả sự thương yêu, kính trọng.


Năm nào chị Nga cũng tổ chức hàng chục chuyến đi từ thiện “đến với người nghèo, chẳng kể xa hay gần”… Mới đây, chị vừa có chuyến đi khám bệnh và mổ mắt, tặng quà cho người nghèo cùng đoàn của bác sĩ Trần Hoa Sen, gia đình chị Trần Hoa Mai (quận 10, TP.HCM) ở một số tỉnh thành phía Nam. Chương trình mổ mắt từ thiện của các chị hướng tới con số 30.000 bệnh nhân nghèo trên cả nước. Chị Phạm Thị Nguyệt Nga tâm sự: “Những chuyến đi làm từ thiện của chúng tôi là những chuyến trải nghiệm tuyệt vời: đến với người nghèo, đến với vùng quê khó khăn. Nhiều người nghèo được sáng mắt đã ôm lấy chúng tôi và òa khóc khiến chúng tôi cũng vui mừng khóc theo!”.


Ông Nguyễn Năng Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng hương Hải Dương tại TP.HCM cho biết: “Bà Nguyệt Nga là một trong những mạnh thường quân. Từ nhiều năm nay bà thường xuyên tham gia những chuyến đi làm từ thiện của Hội đồng hương huyện Thanh Hà và tham gia đóng góp cao. Bà đã nhiều lần về quê làm từ thiện”.


Ông Nguyễn Trọng Sáu, ở xã Hồng Lạc, có con bị tâm thần, xúc động nói: “Chúng tôi được biết bà Nguyệt Nga quê quán ở xã Cẩm Chế, Thanh Hà. Tôi thật cảm động khi nhận được những phần quà của bà Nguyệt Nga, của Hội đồng hương Thanh Hà tại TP.HCM tặng. Nếu ai đi làm ăn xa sau khi thành đạt đều nhớ đến quê hương và có tấm lòng giúp đỡ những người khó khăn ở quê như bà Nguyệt Nga thì thật đáng trân trọng biết bao”!

 

Bài và ảnh: Phạm Đăng Giới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN