Người dân Đồng Nhân, Hà Nội mỏi mòn chờ sổ đỏ

Báo Tin Tức đã nhận được kiến nghị tập thể của 117 hộ dân ở tổ 3a và 3c thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội), phản ánh việc họ sinh sống ổn định từ trước đến nay mà không được chính quyền cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Mặc dù, từ năm 2000 đến nay, ít nhất 4 lần chính quyền phường yêu cầu các gia đình khai báo, nộp giấy tờ làm sổ đỏ, ai cũng vui mừng nhưng chỉ là niềm vui trên giấy.

Không được quyền trên tài sản

Tại buổi làm việc với phóng viên, đại diện các hộ dân chưa được cấp sổ đỏ ở tổ 3a, 3c thuộc cụm dân cư số 3, phường Đồng Nhân gay gắt nói: “Người dân chúng tôi quá khổ, chạy lên chạy xuống vẫn không được cấp sổ đỏ”.

Đại diện các hộ dân chưa được cấp sổ đỏ ở tổ 3a, 3c thuộc cụm dân cư số 3 phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) họp và phản ánh với phóng viên.

Theo phản ánh của các hộ dân, họ đã sinh sống ổn định tại đây từ những năm 1960 - 1970, một số hộ thuộc tập thể ca nô sà lan được phân nhà, một số khác khi mua nhà đã được phường chứng nhận trên giấy tờ mua bán là “nhà tự quản”, tất cả đóng thuế đất đầy đủ hàng năm. Ông Bùi Huy Quân, nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân phường Đồng Nhân (khóa 2001 - 2015) cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri và kỳ họp hội đồng nhân dân, tôi đã ý kiến nhưng chính quyền vẫn không có giải pháp để mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân. Chính quyền dựa vào Quyết định xếp hạng và mốc giới bảo vệ di tích đình, đền, chùa Hai Bà Trưng năm 1962 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để không cấp sổ đỏ cho dân liệu có còn phù hợp thực tế?

“Người dân chúng tôi sống trong ngôi nhà được tạo dựng bằng công sức cả đời người, nhưng không được ghi nhận quyền đối với tài sản của mình, không được sửa chữa, xây dựng, không được mua bán, không thể thế chấp vay tiền làm ăn, không thể làm di chúc thừa kế”, ông Bùi Huy Quân nói.

Trong buổi giao lưu trực tuyến giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) với người dân (20/9/2006), Sở đã trả lời chỉ có các trường hợp nằm trong vành đai 1 của di tích không được cấp sổ đỏ, còn lại xét cấp theo quy định chung, nhưng chủ sử dụng đất phải chấp hành đúng quy định về xây dựng, vệ sinh môi trường. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa Thông tin chỉ đạo Ban Quản lý di tích danh thắng phối hợp với các quận, huyện xác định ranh giới cụ thể của từng di tích, ranh giới bảo vệ di tích để chuẩn bị điều kiện giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho các quận, huyện cấp sổ đỏ cho các gia đình vùng bảo vệ di tích. Tập thể người dân cho rằng: “Các cấp chính quyền và ban ngành liên quan vẫn chưa vào cuộc”.

Mập mờ “kẻ cấp, người không”

Theo người dân phản ánh, lý do mà chính quyền đưa ra không cấp sổ đỏ là do các thửa đất nằm trong chỉ giới bảo vệ khu di tích đình, đền, chùa Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, cán bộ tổ dân phố thống kê cả tổ 3a và 3c có 72/217 thửa đất đã được cấp sổ đỏ, trong đó có 10 trường hợp nằm trong vành đai 1 (quy định không được cấp sổ đỏ). Nhiều hộ dân nhiều lần làm thủ tục xin cấp sổ đỏ thì không được, nhưng những hộ mua lại một phần đất của họ thì được chính quyền cấp sổ đỏ!?

Vì dụ, bà Hoàng Thị Nhài, số 31 ngõ 43 Đồng Nhân ở đây trên 80 năm. Năm 2000 bà chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất cho bà Kiều Thị Ngọc. Năm 2002, diện tích đất của bà Kiều Thị Ngọc được chính quyền cấp sổ đỏ, còn đất của bà Nhài không được cấp sổ đỏ với lý do “đất không đủ giấy tờ và nằm trong vành đai 2”. Tương tự, bà Đào Thị Thanh Hằng ở số nhà 20A ngõ 43 cắt 2 mảnh đất chuyển nhượng cho bà Kiều Thị Ngọc và bà An Văn Minh, năm 2002 hai hộ này được cấp sổ đỏ, còn bà Hằng không được cấp sổ đỏ vì nằm trong vành đai 2…

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch phường Đồng Nhân cho biết: “Chúng tôi cũng mong muốn làm sổ đỏ cho các hộ dân, tuy nhiên chính sách cấp trên triển khai xuống thế nào thì dưới phải làm theo. Một số hộ nằm trong vành đai 1, vành đai 2 được làm sổ đỏ thì bản thân tôi không biết!?”.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: “TP Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành liên quan xác định phạm vi cụ thể để bảo vệ di tích lịch sử đình, đền, chùa Hai Bà Trưng để tiến hành cấp sổ đỏ cho người dân. Về sai phạm của cấp dưới, báo chí cứ nêu và Sở thành lập đoàn kiểm tra xác minh, nếu đúng sẽ xử lý nghiêm”.


Bài và ảnh: Việt Hoàng
“Sổ đỏ”- có bớt...
“Sổ đỏ”- có bớt...

Chắc hẳn nhiều người không lấy làm bất ngờ với kết quả điều tra về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) năm 2015 vừa được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố: Có khoảng 44% số người khi làm thủ tục liên quan đến “sổ đỏ” trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới được việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN