Ngư dân bức xúc vì tàu cá vỏ thép đóng mới liên tục bị sự cố

Theo phản ảnh của ngư dân Phú Yên, có ít nhất 2 trong số 6 tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã bị sự cố sau vài chuyến biển.

Tàu cá vỏ thép của ông Phan Thanh Trị (Phú Yên) được hạ thủy ngày 21/9/2016 đã gặp sự cố sau vài chuyến đi biển.

Cụ thể, tỉnh Phú Yên có 6 trong số 12 tàu cá là tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, theo phản ảnh của ngư dân, có ít nhất 2 trong số 6 tàu vỏ thép nói trên đã bị sự cố sau vài chuyến biển. Hai chiếc tàu này do Liên danh Công ty Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Phà Rừng thi công.

Chiếc bị nặng nhất là tàu cá công suất 829 mã lực hành nghề lưới chụp của ngư dân Phan Thanh Trị ở Phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa được bàn giao vào ngày 21/9/2016. Tàu mang biển hiệu PY 99991-TS dài 27,88 mét, rộng 7,2 m, chiều cao mạn 3,15 m và lượng nước chiếm 235 tấn. Tổng mức đầu tư gần 18 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Phú Yên cho vay 95%.

Theo thiết kế, tàu được trang bị đầy đủ các trang, thiết bị nghề cá hiện đại hành nghề lưới chụp theo tiêu chuẩn cấp 1 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Biên chế thuyền viên từ 14 đến 18 người, đảm bảo tàu hoạt động trên biển trong 30 ngày.

Toàn bộ hải sản khai thác được bảo quản trong kho lạnh cấp đông âm 20 độ C hoặc trong các khoang đá. Các hầm bảo quản này được thi công theo công nghệ tiên tiến; cách nhiệt bằng poly-ê-than, bọc composite và được lát gỗ sàn chắc chắn với hệ số cách nhiệt cao, tiết kiệm năng lượng.

Ngày 26/2/2017, tàu cá ông Phan Thanh Trị ra khơi chuyến biển thứ 3 thì xảy ra sự cố gãy cây sào chụp lưới trước mũi, làm thiệt hại 71 bóng đèn nên đưa tàu vào sữa chữa, khắc phục.

Ông Trị bức xúc nói: “Trong thiết kế, thép tròn dùng làm cây sào chụp phải dày từ 8 đến 9 mm nhưng khi xảy ra sự cố tôi kiểm tra lại độ dày chỉ có 4,7 mm. Trong khiết kế, cây sào chụp này phải chịu lực sức nặng của lưới và cá, nhưng hôm đó chỉ kéo lưới không thì nó bị gãy”.

Đến ngày 16/3/2017, tàu cá của ông Trị tiếp tục chuyến thứ 4 thì bị sự cố lục lư cần cẩu bị đứt, đập vào mắt ông Trị làm tổn thương mắt phải. Trước đó, hai chuyến biển đầu tiên tàu cá của ông Trị cũng gặp trục trặc về mô tơ và máy phát điện nên chỉ hành nghề trên biển một tuần buộc phải vào bờ sớm. Hậu quả sau những chuyến biển ông Phan Thanh Trị lỗ gần 600 triệu đồng.

Ông Trị cho biết thêm, theo thiết kế 3 máy phát điện trên tàu cá của ông đều xuất xứ Hàn Quốc, mỗi máy trị giá gần 900 triệu đồng nhưng do Công ty Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á bảo hết hàng nên phải thay loại máy khác. Hậu quả, khi hành nghề trên biển thì máy phát điện chỉ chạy vài giờ lại ngừng.

“Nghề này chủ yếu dựa vào điện chiếu sáng, không có điện thì đánh bắt thứ gì. Tôi bảo họ sửa chữa, thay thế lại nhưng họ chẳng làm, bức quá nên tôi thuê người làm lại két nước ngọt để làm mát máy thì máy hoạt động liên tục được”, ông Trị nói.


Một tàu cá vỏ thép khác của ngư dân Đỗ Ngọc Tín ở thôn Phú Lạc, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hòa được bàn giao vào ngày 12/1/2017. Ông Tín cho biết sau khi bàn giao đã thực hiện 2 chuyến biển nhưng chỉ thu được hơn 20 tấn cá vì tàu bị sự cố phải vào bờ sớm hơn dự định.

Tàu cá vỏ thép của ông Đỗ Ngọc Tín ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa bị sự cố trong cả 2 chuyến đi biển.

Ông Tín cho biết: “Chuyến biển đầu tiên tàu bị sự cố ở tời kéo lưới. Khắc phục sự cố này tôi phải bỏ chi phí gần 60 triệu đồng, nhưng hiện tại tôi lo nhất là tải trọng của tàu”.

Theo ông Tin, theo thiết kế tải trọng của tàu hơn 120 tấn nhưng chỉ mới hơn 50 tấn thì mạn chắn sóng tàu đã bị chìm vượt mực nước đăng kiểm. “Tàu lắc lư khi sóng chỉ cấp 5, cấp 6, không tài nào đánh bắt được. Vì hạn chế như vậy nên chuyến biển chỉ đi được hơn một tuần là phải vào bờ, chỉ đủ chi phí chuyến biển”.

Như vậy, đến nay Phú Yên là một trong những tỉnh ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có tàu cá vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính Phủ liên tục bị sự cố. Thiết nghĩ UBND tỉnh Phú Yên cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp xử lý khắc phục để ngư dân yên tâm hành nghề, vừa đánh bắt xa bờ vừa góp phần bảo vệ an ninh vùng biển.

Tin, ảnh: Thế Lập (TTXVN)
Kiểm tra, giám sát các cơ sở đóng tàu cá vỏ thép
Kiểm tra, giám sát các cơ sở đóng tàu cá vỏ thép

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN