'Ngoại giao vaccine', tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vaccine phòng COVID-19

Tại Phiên họp Chính phủ khóa XV dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 11/8, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa lưu ý rằng, thông qua việc “Ngoại giao vaccine” phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vaccine phòng COVID-19. “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch bệnh. ẢNh: TTXVN

Xác định vaccine có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai chiến lược vaccine gồm 3 nội dung lớn: Tiếp cận, mua vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể; Đẩy nhanh tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine tại Việt Nam; Thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Trong đó, "Ngoại giao vaccine" được xác định là một mũi nhọn để thực hiện chiến lược trên, trong bối cảnh nguồn vaccine trên thế giới tiếp tục là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu.

Cũng tại Phiên họp Chính phủ ngày 11/8, một lần nữa Thủ tướng nhắc lại: Xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất. Tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết.

Thủ tướng lưu ý có thể cắt bớt các quy trình, thủ tục về mặt hành chính nhưng phải bảo đảm yêu cầu về y tế, khoa học và chuyên môn.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, "Ngoại giao vaccine" được triển khai từ cấp cao nhất. Tất cả các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, từ Quốc hội đến Chính phủ, trong tất cả các cuộc điện đàm, tất cả các cuộc gặp, qua nhiều hình thức đều đề cập đến việc các nước và các tổ chức quốc tế có thể hỗ trợ cung cấp vaccine cho Việt Nam. Qua đó, các nước và các tổ chức quốc tế cũng nhận thức được nhu cầu rất lớn của Việt Nam trong việc tiêm vaccine và nguồn vaccine.

Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế đã triển khai rất tích cực, tiếp cận các cơ quan đại diện, các cơ quan tổ chức quốc tế. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo 98 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, tiếp cận các đối tác, đặc biệt những nơi mà có dư thừa vaccine, sản xuất được vaccine, qua các kênh, các hình thức. 

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, khi triển khai chiến dịch “Ngoại giao vaccine” cũng gặp những thách thức rất lớn. Đó là nguồn cung vaccine trên thế giới hiện nay rất khan hiếm, như Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo. Nếu như nhu cầu chính thức của thế giới từ nay đến cuối năm là 10 tỷ liều vaccine thì hiện nay mới sản xuất được 4,5 tỷ liều.

Nguồn cung khan hiếm lại không đều, tập trung ở các nước phát triển, nơi họ sản xuất được vaccine. Nỗ lực phòng chống COVID-19 cũng được huy động ở cấp quốc tế, cho nên tất cả đều thông qua nguồn COVAX của Tổ chức Y tế thế giới cũng như ở các nước có nguồn sản xuất được vaccine hoặc có vacine dư thừa.

“Với tinh thần đó, chúng ta cũng phải tiếp cận cả về song phương, là những đối tác mà có nhiều nguồn vaccine; và thông qua cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc, nơi mà đang cung cấp vaccine cho chúng ta”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, từ nay đến tháng 10/2021, chúng ta đang tiếp cận tiếp thông qua COVAX và Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức Liên Hợp Quốc như là Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc… Đồng thời tiếp cận với các tổ chức song phương với các đối tác quan trọng của Việt Nam.

“Cách đây không lâu, tôi cũng đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và đề nghị Pháp với quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ truyền thống giữa hai bên; đề nghị Pháp hỗ trợ Việt Nam trong lúc khó khăn này. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cũng phản hồi rất tích cực và nói rằng sẽ thông qua COVAX của Liên Hợp Quốc, đề nghị COVAX chuyển được sớm nhất, nhiều nhất vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế này. Ngoài ra, các đoàn đến thăm Việt Nam gần đây khi lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đề xuất, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh khi Thủ tướng Chính phủ tiếp gần đây, cũng đề cập đến vấn đề này và nhận được phản hồi tích cực”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.

Để thực hiện chiến lược vaccine, Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; tiếp, điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy "Ngoại giao vaccine", đạt một số kết quả. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine vẫn rất khó khăn, cần tiếp tục triển khai tích cực, Bộ Ngoại giao thúc đẩy "Ngoại giao vaccine".  
Chú thích ảnh

 

V.T/Báo Tin tức
Bảo vệ chắc những vùng xanh, phân tầng đúng và chuyển viện đúng để hạn chế tối đa việc quá tải
Bảo vệ chắc những vùng xanh, phân tầng đúng và chuyển viện đúng để hạn chế tối đa việc quá tải

Phải làm sao phân tầng đúng và chuyển viện đúng để hạn chế tối đa việc quá tải trên tầng 3, đồng thời hạn chế tối đa ca tử vong. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN