Miền Trung khẩn trương ứng phó với bão số 4 đang áp sát

Các tỉnh miền Trung đang khẩn trương thông tin, kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4.

Nghệ An kêu gọi tàu thuyền trên biển tìm nơi trú ẩn

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, tỉnh Nghệ An đã quyết định cấm biển từ 17 giờ ngày 24/7 và đang tiến hành kêu gọi, thông tin để các tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để thoát ra vùng nguy hiểm hoặc nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân Nghệ An vào bờ neo đậu an toàn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Nghệ An hiện có 3.912 tàu thuyền với 18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Cùng với các tàu thuyền của ngư dân Nghệ An thì hiện nay trên vùng biển Nghệ An cũng có nhiều tàu thuyền của các tỉnh hoạt động.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, đến sáng 25/7 hầu hết chủ các tàu thuyền đã nhận được thông tin về diễn biến của bão và đang tìm nơi tránh trú bão tại các cảng cá hoặc những nơi quy định tránh trú bão ở các địa phương ven biển.

Tại Nghệ An, hiện nay việc tránh trú bão cho các tàu thuyền đang gặp nhiều khó khăn, do tỉnh có số lượng tàu thuyền lớn, trong khi các khu vực neo đậu tránh trú bão đang trong tình trạng xuống cấp, bồi lắng, tàu thuyền khó ra vào để tránh trú bão. Tỉnh Nghệ An đã quy hoạch được các khu vực tránh trú bão nhưng do nguồn vốn có hạn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên việc triển khai thực hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Tuy gặp khó khăn trong tránh trú bão nhưng trước diễn biến phức tạp của bão số 4 có thể đổ bộ vào địa phương, tỉnh Nghệ An kiên quyết yêu cầu các tàu thuyền tìm nơi tránh trú bão an toàn; địa phương tạo điều kiện tối đa, đảm bảo các tàu thuyền có nơi tránh trú bão, bất kể đó là tàu thuyền của ngư dân Nghệ An hay ngư dân các tỉnh khác.

Quảng Bình chủ động di dời dân vùng xung yếu

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ tối 24 đến sáng 25/7, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa vừa đến mưa to và rất to. Tỉnh đã có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống bão; sử dụng các phương tiện thông tin phối hợp với các địa phương, gia đình giữ vững liên lạc với tất cả các tàu cá đang hoạt động trên biển, hướng dẫn tàu cá vào nơi neo đậu an toàn.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 3.652 tàu thuyền hoạt động trên biển với 14.939 lao động; hầu hết đều nắm rõ hướng di chuyển của bão số 4 và vào nơi trú ẩn. Đến 6 giờ ngày 25/7, đã có 3.555 tàu cá với 14.139 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão an toàn. Hiện Quảng Bình còn 97 tàu với 800 lao động đang hoạt động trên biển Đà Nẵng. Các Đồn Biên phòng dọc bờ biển Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu và thuyền trưởng thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi trú, tránh bão an toàn.

Tỉnh Quảng Bình tổ chức các đoàn kiểm tra về các xã ven biển thuộc huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới, yêu cầu các địa phương kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú bão; hướng dẫn người dân neo, chằng chống nhà và lên phương án di dời dân ở các vùng xung yếu. Các địa phương vùng miền núi chủ động phương án di dời người dân ra khỏi các vùng có nguy cơ bị sạt lở hoặc lũ quét./

Trên 6.000 tàu thuyền Hà Tĩnh đã vào nơi trú ẩn an toàn

Đến sáng 25/7, tất cả tàu, thuyền của ngư dân tỉnh Hà Tĩnh đã vào nơi trú ẩn an toàn để tránh bão số 4.

Thông tin từ Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển tỉnh Hà Tĩnh, tất cả 6.102 tàu thuyền với 17.676 lao động hoạt động đánh bắt hải sản trên biển đã vào nơi trú ẩn an toàn. Trong đó có 5.947 tàu, thuyền với trên 16.700 lao động đánh bắt hải sản vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình đã vào nơi trú ẩn là âu thuyền, lạch sông, đa số thuyền nhỏ được người dân ven biển đưa lên bờ giằng néo an toàn. Khoảng 150 tàu, thuyền với trên 900 lao động thường đánh bắt ở vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh và vùng biển phía nam thuộc Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Thuận cũng đã về nơi trú ẩn vào chiều tối 24/7.

Tàu thuyền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh vào trú bão ở âu thuyền Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: Công Tường/TTXVN

Huyện Lộc Hà có 7 tàu cá với 38 thuyền viên thuộc các xã Thạch Kim và Thạch Bằng sau khi nhận thông tin có bão số 4 các tàu, thuyền này đã vào đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) tránh, trú bão. Tại âu thuyền tránh bão xã Thạch Kim có trên 200 chiếc tàu, thuyền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh vào neo đậu và được các ngư dân che chắn, bảo vệ nhằm tránh thiệt hại do bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Từ chiều tối 24/7 đến sáng 25/7 tại Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to, tại các huyện ven biển đã có gió cấp 3 - 4. Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tuyên truyền vận động ngư dân không ra khơi đánh bắt cá vì có sóng lớn, gió to. Trạm biên phòng thuộc khu vực ven biển từ huyện Nghi Xuân đến thị xã Kỳ Anh tăng cường lực lượng, ngăn chặn ngư dân chủ quan ra vùng cửa biển, cửa sông đánh bắt cá. Tỉnh Hà Tĩnh có công điện yêu cầu các đơn vị chức năng, các huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng chống bão số 4.

Quảng Trị lên phương án đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 4 dự kiến đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Trị vào chiều tối 25/7 làm các sông trên địa bàn xuất hiện lũ từ mức báo động I-II, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông, suối cũng như sạt lở đất vùng núi và ngập úng ở các huyện vùng trũng…, tỉnh Quảng Trị đang tập trung triển khai các phương án hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Theo đó, từ 14 giờ ngày 24/7, UBND tỉnh đã ra lệnh cấm biển đồng thời tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đến sáng 25/7, có 2.287 chiếc tàu, thuyền với 6.808 người trên tổng số 2.305 chiếc với 6.997 người đã vào nơi neo đậu an toàn. Hiện còn 18 chiếc tàu, thuyền với 189 người đang hoạt động trên biển; các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên liên lạc, hướng dẫn cụ thể cho các tàu về nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, còn có 59 chiếc tàu, thuyền ngoại tỉnh với 402 người đang tránh trú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng xây dựng kế hoạch sơ tán dân tránh bão đổ bộ trực tiếp, tập trung ở vùng ven biển với 3.381 hộ/7.710 người tại các huyện như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Cồn Cỏ. Riêng đối với huyện đảo Cồn Cỏ, nếu bão đổ bộ trực tiếp sẽ sơ tán toàn bộ số người có trên đảo vào các vị trí trú ẩn an toàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 131 hồ chứa nước, trong đó có 1 hồ thủy lợi-thủy điện với tổng dung tích trữ là 162,99.10 m3 vào 130 hồ thủy lợi dung tích khoảng 260.10 m3. Các hồ chứa đang phục vụ tưới, dung tích đạt khoảng 50 - 70% so với dung tích thiết kế.


Trước đó, để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra các hồ chứa trên địa bàn cũng như kịp thời khắc phục các sự cố, hư hỏng nhỏ. Đối với các công trình hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao thì không tích nước để đảm bảo an toàn các công trình hạ du. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án hộ đê ở những tuyến đê xung yếu; lên kế hoạch điều tiết các cống tiêu, trục tiêu hợp lý nhằm hạn chế úng ngập khi có mưa lớn.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trước diễn biến của cơn bão số 4, tỉnh Quảng Trị đã sẵn sàng kích hoạt phương án di dời dân. UBND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra các điểm xung yếu đề phòng lũ quét, lũ ống để đảm bảo tính mạng của người dân. Đối với các vùng dễ sạt lở trên các tuyến đường ở huyện miền núi, yêu cầu chính quyền địa phương và lực lượng công an theo dõi, hướng dẫn giao thông cho người dân hạn chế tình huống xấu có thể xảy ra. Mặt khác, kiểm tra, rà soát lại các phương án, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; tập trung theo dõi diễn biến của bão 24/24 giờ để có phương án ứng phó kịp thời…/.

Thừa Thiên - Huế không cho tàu thuyền ra biển

Sáng 25/7, vùng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có gió mạnh và mưa to do ảnh hưởng của bão số 4. Bộ đội Biên phòng trên tuyến biển đã phối hợp với các địa phương ven biển kêu gọi gần 1.900 phương tiện tàu, thuyền với khoảng hơn 12.000 lao động đang đánh bắt thủy sản trên biển vào bờ neo đậu để tránh bão.

Các Đồn Biên phòng cửa biển Thuận An, Tư Hiền phối hợp với các địa phương trong vùng theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ không cho các tàu thuyền ra biển và hoạt động trên đầm phá để đề phòng các tình huống xấu; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, nhất là các khu vực neo đậu quanh các âu thuyền Phú Hải, Thuận An, Tư Hiền.

Chính quyền các vùng bãi ngang ven biển, ven đầm phá hướng dẫn nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình đang thi công trên địa bàn; sẵn sàng sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng sạt lở, ven biển, ngập lũ, lũ quét khi có lệnh của tỉnh; hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết.

Tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung: Tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi và đánh giá công tác vận hành điều tiết các hồ chứa nước trên địa bàn quản lý; triển khai phương án phòng chống lụt bão công trình. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát các vùng ở hạ du hồ chứa tập trung đông dân cư, khu kinh tế, khu công nghiệp và các công trình quan trọng khác có nguy cơ ngập lụt, chuẩn bị phương án cảnh báo cho nhân dân biết để sẵn sàng ứng phó khi xả lũ.

Đới với các công trình đang thi công trong mùa mưa bão, khi có bão phải ngừng thi công, có phương án chằng chống đảm bảo an toàn. Ngoài kiểm tra an toàn hồ đập ở những hồ có dung tích lớn, tỉnh khẩn trương kiểm tra các trụ điện cao thế, hệ thống anten, các trạm BTS viễn thông, các biển quảng cáo, cây xanh có thể ảnh hưởng hạ tầng đô thị; thường xuyên cập nhật tình hình và cảnh báo theo từng loại hình thiên tai cho các ngành, địa phương và nhân dân để chủ động các phương án phòng ngừa, ứng cứu, tìm kiếm kịp thời.

Đơn vị thi công đã bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ tai nạn tại nút giao thông Hai Bà Trưng - Nguyễn Huệ (thành phố Huế). Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Thành phố Huế tổ chức kiểm tra an toàn thi công hệ thống thoát nước thải tại 31 điểm của dự án cải thiện môi trường nước thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ Yên Nhật, tương đương khoảng 3.170 tỷ đồng (trong đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ hơn 20,88 tỷ Yên Nhật). Tại các điểm thi công ở các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Đặng Huy Trứ, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học, Chu Văn An... do đang trong quá trình tiến hành đào bới, lắp đặt ống cống, thành phố yêu cầu đơn vị thi công bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường nếu mưa to đường bị ngập lụt…

PV TTXVN tại các địa phương
Vietnam Airlines và Vasco điều chỉnh khai thác do bão số 4
Vietnam Airlines và Vasco điều chỉnh khai thác do bão số 4

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) vừa có thông báo, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, hai hãng dự kiến sẽ điều chỉnh kế hoạch khai thác tại các sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình) trong ngày 25/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN