Lo lắng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần

Nước ta có trên 12 triệu người mắc 10 chứng rối loạn tâm thần thường gặp như: Lo âu; trầm cảm; rối loạn tâm thần do nghiện ma túy; mất trí tuổi già... Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người mắc các bệnh này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

80% bệnh nhân tâm thần chưa được điều trị đúng cách


Nhiều người bệnh tâm thần vẫn chưa dược điều trị đúng cách


Nước ta có 15% dân số mắc các bệnh về tâm thần, trong đó có tới 80% người bệnh không được chăm sóc và điều trị đúng cách do thiếu đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách về vấn đề này.

Ông Bùi Thế Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho rằng: Hiện nay hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần còn mỏng và yếu, nhiều địa phương hiện không có cơ sở điều trị nội trú bệnh nhân tâm thần hoặc có nhưng số giường bệnh còn rất ít. Đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nên chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Cụ thể, tổng số cán bộ nhân viên y tế tại các bệnh viện khu vực phía Nam phục vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần chỉ khoảng 5.693 người, tỷ lệ bác sỹ tâm thần là 0,42/100.000 dân. Tỷ lệ này còn thấp so với Nhật Bản là 94 bác sĩ, Canađa là 13 bác sĩ, các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaixia 0,66 bác sĩ/100.000 dân. Tại các cơ sở y tế tuyến xã, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần chủ yếu do các y sĩ đảm nhận. Ngoài ra, nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này cũng được phân bố không đều từ tuyến trung ương đến tuyến địa phương, giữa các khu vực, có tỉnh chỉ có 1 bác sỹ tâm thần. Hàng năm, chỉ tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần là rất lớn nhưng hầu như không có cán bộ nào tham gia đào tạo về lĩnh vực này. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cán bộ y tế còn mặc cảm trong việc chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần, chưa có nhiều chế độ thu hút cán bộ y tế trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cơ sở điều trị nội trú cho bệnh nhân tâm thần cũng còn thiếu, tỷ lệ giường bệnh cho bệnh nhân tâm thần chỉ có 19 giường/100.000 dân, trong khi nhu cầu tối thiểu là 30 giường/100.000 dân, như vậy nước ta vẫn còn thiếu khoảng 9.000 giường.

Đẩy mạnh công tác trị liệu

Bác sỹ Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết: Thái độ nhận thức của cộng đồng đối với loại bệnh này còn chưa đúng, ngay cả trong đội ngũ những người làm công tác y tế. Nhiều người vẫn cho rằng, người mắc bệnh tâm thần là do ma quỷ nhập, không chữa khỏi, nguy hiểm cho gia đình và xã hội… Nên thường xảy ra tình trạng người mắc các bệnh này không được điều trị đúng cách, đôi khi bệnh còn trầm trọng hơn.

Chị Ngô Thị Mến, ngụ ở Định Quán, Đồng Nai, đưa con đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 điều trị, tâm sự: Trước kia, con tôi cũng bình thường nhưng từ hồi cháu chứng kiến bạn bị xe tải tông chết rồi từ đó cho tới giờ cháu trở nên điên điên, dại dại. Tôi nghe thầy bói nói con tôi bị ma nhập nên tôi đi cúng bái đủ nơi mà cháu cũng không khỏi. Tôi đưa cháu tới đây để khám thì các bác sỹ cho biết cháu bị rối loạn thần kinh do gặp phải cú sốc gì đó cần phải điều trị bằng biện pháp trị liệu kết hợp với uống thuốc.

Hiện cả nước có hệ thống bệnh viện tâm thần từ Trung ương đến địa phương, có dự án quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, tuy nhiên khả năng phục vụ chỉ ở mức thấp so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, trong công tác phục hồi chức năng đưa người bệnh tâm thần trở lại với xã hội còn rất yếu; đa số những người được đưa đến bệnh viện điều trị là những người bị tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm thể nặng, chiếm không quá 10% tổng số bệnh nhân tâm thần nói chung. Trong khi đó, những đối tượng bị rối nhiễu tâm trí do tác động từ môi trường xã hội là rất lớn và phổ biến ở mọi đối tượng vẫn chưa được quan tâm.

Theo bác sỹ Trần Tuấn, đối với những người bị mắc các bệnh này do ảnh hưởng từ môi trường xã hội thì phải chữa trị bằng phương pháp trị liệu. Công tác xã hội cần đến cho người bình thường thì những người bị rối nhiễu tâm trí lại càng cần sự quan tâm hơn của xã hội. Chính vì vậy, tại mỗi cơ sở y tế nên thành lập một nhóm làm công tác xã hội. Họ là những nhân viên trong êkíp trị liệu, thu thập thông tin về điều kiện sống, tâm lý, trợ giúp về vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, hiện nay tại các bệnh viện tâm thần đều điều trị bằng thuốc là chủ yếu, rất ít triển khai tâm lý trị liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN