Lập lại trật tự vỉa hè ở Hà Nội: Tránh 'con ghẻ, con cưng'

Nhiều nơi, người dân vẫn chưa "tâm phục", nên chưa tình nguyện thực hiện, vì trên cùng một dãy phố, thậm chí hai nhà sát kề nhưng được hưởng quyền lợi khác nhau...

Một điểm đón xe điện trên phố Hàng Bồ bị chiếm làm nơi bán hàng, mặc kệ người đi bộ phải đi xuống lòng đường để đi, rất nguy hiểm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Chỉ còn vài ngày nữa, Hà Nội sẽ ra quân trên diện rộng ở tất cả các quận huyện để thiết lập trật tự đô thị, nhất là xóa bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Nhiều người hy vọng đây là thời điểm mạnh mẽ và quyết liệt để tạo sự đột phá; trong đó không ít ý kiến hoan nghênh, đồng tình ủng hộ nhưng vẫn còn những băn khoăn, liệu có được làm bền vững, đồng bộ và nhất là có tạo được "sân chơi" công bằng, khách quan giữa các hộ kinh doanh.

Trên thực tế, nhiều nơi người dân vẫn chưa "tâm phục", nên chưa tình nguyện thực hiện, vì trên cùng một dãy phố, thậm chí hai nhà sát kề nhưng được hưởng quyền lợi khác nhau, thậm chí có những cơ quan công quyền vẫn ngang nhiên vi phạm.

Theo ghi nhận của phóng viên, trước "giờ G" Hà Nội đồng loạt ra quân "đòi" lại vỉa hè cho người đi bộ, tình trạng vi phạm trật tự đô thị ở Thủ đô dường như chưa có sự chuyển biến lớn. Ngoài những tuyến phố đã được tập trung tuyên truyền, lập lại trật tự giúp cho đường thông hè thoáng, vẫn còn rất nhiều tuyến phố bị một bộ phận người dân thiếu ý thức và cả những cơ quan nhà nước lấn chiếm.

Ngày 7/3, tại nhiều tuyến phố trong khu vực phố cổ như: Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Bông... hay các đường phố như Láng, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển..., vỉa hè dành cho người đi bộ cơ bản đã được trả lại thông thoáng.

Như ở phường Thanh Xuân Trung - một địa bàn khá đặc biệt tại quận Thanh Xuân khi nhiều trục đường, phố chính trên địa bàn, dù vỉa hè hẹp ngang như phố Vũ Trọng Phụng, Hạ Đình, Nguyễn Tuân..., song có không ít trong số gần 1.000 nhà dân nằm trên mặt phố, mặt ngõ, vẫn cố tình chiếm dụng trái phép làm nơi kinh doanh, buôn bán. Nhưng sáng 7/3, phần lớn người dân, các hộ kinh doanh này đã "trả lại" vỉa hè.

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Dung, chủ cửa hàng bán bánh mỳ ở 280 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), dù việc kinh doanh ít nhiều bị ảnh hưởng từ chủ trương của thành phố song bà ủng hộ việc lập lại trật tự đô thị, xử lý vi phạm vỉa hè. “Chúng tôi đồng tình ủng hộ, tuy nhiên mong rằng việc xử lý phải dứt điểm và nghiêm túc, đồng bộ, không có phân biệt xử lý. Tôi tin rằng vỉa hè sẽ thông thoáng, đô thị trật tự văn minh", bà Dung nói.

Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung, Nguyễn Hữu Thọ cũng cho hay: Việc giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung được thực hiện đảm bảo tính kiên quyết, kiên trì và bền bỉ.

Việc thực hiện sẽ tiến hành lần lượt theo các bước tuyên truyền vận động, đôn đốc nhắc nhở và xử lý vi phạm. Trước mắt, trong khâu tuyên truyền vận động, phường đã quán triệt cách làm là có lý, có tình, đúng đối tượng, đúng nội dung. Vận động kết hợp với biểu dương, phê bình.

Quận và phường sẽ xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm, làm không hiệu quả, có quan hệ che chắn với các chủ nhà hàng, quán bia... "Sáng 7/3, chúng tôi đã mời các hộ dân có nhà nằm ở mặt ngõ, mặt phố ký cam kết không chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, để xe", ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết.

Xe để tràn lan ở vỉa hè của quán bia trên phố Lê Duẩn. Người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nhưng bên cạnh những chuyển biến trên, cũng theo ghi nhận của phóng viên, không ít tuyến phố trong ngày 7/3 dường như vẫn "bất động" trước quyết tâm của thành phố trong chấn chỉnh, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Tại các tuyến phố như: Phạm Ngọc Thạch, Đại Cồ Việt, vẫn có không ít những người dân thiếu ý thức và cả một số cơ quan hữu quan vẫn "cưỡng chiếm" vỉa hè.


Tại những phố này, xe máy, ô tô đỗ kín vỉa hè buộc người đi bộ xuống lòng đường... tham gia giao thông cùng xe máy, ô tô.

Như tại phía trước trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Thăng Long địa chỉ tại số 4 phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), gần như toàn bộ khu vực vỉa hè là hàng chục xe ô tô án ngữ, không còn chỗ dành cho người đi bộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Quách Tùng Lâm, một người dân ở Tập thể B9 Kim Liên, Đống Đa, bức xúc cho biết: Tình trạng cưỡng chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đã diễn ra từ nhiều năm nay tại phía trước trụ sở ngân hàng này. Đã nhiều lần ông và người dân khu phố kiến nghị UBND phường Kim Liên, các cơ quan chức năng song việc kiến nghị đó không khác nào "bắt cóc bỏ đĩa", chỉ được một, hai ngày là "đâu lại vào đó" khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Nhằm đem lại bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại, duy trì nếp sống văn minh, chính quyền và phần lớn người dân Thủ đô đang quyết tâm, đồng lòng "dẹp loạn" vỉa hè. Song để quyết tâm đó thực sự hiệu quả, rất mong thành phố không để xảy ra tình trạng nơi hô xử lý, nơi thì... bình chân.

Hiện nay, nhiều địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt, với phương châm không làm ồ ạt, không gây phản cảm, mà coi đây là việc làm lâu dài, bền vững nên phải sâu sát đi vào lòng người. Chẳng hạn, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã gửi thư ngỏ vận động người dân chấp hành. UBND phường Định Công đã chuẩn bị xong tài liệu tuyên truyền các chủ trương trên loa phát thanh và phát văn bản quy định, thông báo các nội dung vi phạm đến từng hộ kinh doanh, doanh nghiệp...

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Quận 1 'hốt' các công trình lấn chiếm vỉa hè trong đêm
Quận 1 'hốt' các công trình lấn chiếm vỉa hè trong đêm

Đêm 7/3, ông Đoàn Ngọc Hải cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Trật tự và lực lượng Quản lý Trật tự đô thị quận 1 tiếp tục xuống đường chấn chỉnh trật tự đô thị khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN