Kí ức của người tiểu đội trưởng chiến trường Tây Nguyên

Mấy chục năm nay, người thương binh nặng Ngô Văn Thịnh sống cùng vợ trong căn nhà của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Mới chỉ bước sang tuổi 63, nhưng nhìn ông già yếu hơn tuổi rất nhiều, mái tóc bạc, đôi tay run run, giọng nói khó khăn, nhưng trí nhớ của ông thì vẫn còn minh mẫn. Ông kể cho chúng tôi nghe về một thời khói lửa hào hùng, một phần ký ức không thể nào quên của mình. Khó khăn lắm mới nói được một câu liền mạch, ông cười: “Các anh chị thông cảm, tôi bị tai biến, nói khó nghe lắm”.

Bồi hồi nhớ về quá khứ


Sinh năm 1954, tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; năm 1971, giữa lúc trận chiến đang cam go, ác liệt, chàng trai Ngô Văn Thịnh với nhiệt huyết của người thanh niên, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã tình nguyện xung phong lên đường ngập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại đơn vị C15 E42 Quân khu 3 tỉnh Quảng Ninh, tháng 11/1971, ông cùng đồng đội lên đường hành quân đi B, được biên chế về đơn vị C17 E24 F10, chiến đấu ở các chiến trường tỉnh Gia Lai – Kon Tum, Đắc Lắc, tỉnh Quảng Trị. 


Nhớ lại những ngày đó, ông Thịnh xúc động run run: “Nhiều lắm, nhiều anh em đã ngã xuống lắm… những người còn sống thì cũng nhiều người như tôi đây, mang thương tật cả đời. Trung đội của tôi có 2.500 người, khi về chỉ còn 900 người. Có những người chỉ mới chào nhau một câu, vừa ngồi với nhau ăn bữa cơm, hỏi han chuyện nhà thì lần đó đã trở thành lần cuối... Nỗi đau khi phải chứng kiến những người đồng đội cứ lần lượt ngã xuống là quá lớn, càng thôi thúc tôi đấu tranh vì độc lập tự do cho Tổ quốc”.

Đến nay, ông Ngô Văn Thịnh đã có 45 năm tuổi Đảng.

Anh thanh niên trẻ tuổi đầy cống hiến nhanh chóng được giữ chức vụ Tiểu đội trưởng, được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở 4 chiến dịch. Nhiệt huyết là thế, nhưng chiến tranh đã cướp đi sức khỏe và cả những hoài bão nung nấu trong một chàng trai trẻ. “Trong lúc ý chí chiến đấu đang sôi sục nhất, thì tôi bị thương, liệt hai chân, phải rời khỏi chiến trường”, ông Thịnh bồi hồi nhớ lại.


Ông run run kể về cái ngày định mệnh, khiến ông phải bỏ dở cuộc chiến còn đang cam go: “Vào chiến trường được 3 năm thì tôi bị thương, tôi còn nhớ đó là vào tháng 4/1974 tôi bị bom dội vào, mảnh bom găm vào cột sống, tôi bị liệt hai chi dưới, lúc đó thấy khổ lắm, còn bao nhiêu những điều dang dở, thân đàn ông tôi mất hai chân thì còn biết làm gì…”. Kể từ đó, ông Ngô Văn Thịnh đã không còn được tiếp tục chiến đấu và trở thành thương binh hạng nặng 1/4 loại A, 91% thương tật, có vết thương đặc biệt nặng.


“Để đánh đổi được hòa bình ngày hôm nay thế hệ chúng tôi sẵn sàng hi sinh…”


Sau khi bị thương, ông Thịnh được đưa vào điều trị ở các bệnh viện trong chiến trường. Mất ròng rã 2 năm để ổn định vết thương, năm 1976 ông Thịnh được chuyển về điều trị tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cũng chính tại đây, ông gặp và kết duyên với người vợ của mình.

Điều khiến ông Ngô Văn Thịnh cảm thấy an ủi nhất chính là người vợ luôn túc trực bên cạnh chăm sóc, trọn nghĩa, vẹn tình với mình.

Đã mấy chục năm nay,  hai chân bị liệt, ông không đi lại được, hầu hết thời gian là nằm trên giường, còn muốn đi lại phải dùng xe lăn. Tất cả mọi sinh hoạt thường ngày đều do vợ của ông túc trực bên cạnh, chăm sóc cho ông vẹn tròn từng bữa ăn, giấc ngủ. Người vợ của ông xoa lưng, trấn tĩnh chồng mình. Bà bảo: “Tôi vốn làm điều dưỡng tại Trung tâm, khi ông ấy về đây, tôi chăm sóc cho ông ấy, rồi kết duyên vợ chồng. Đến nay, chúng tôi đã có hai đứa con trưởng thành, con chúng tôi cũng làm trong quân đội, tiếp tục phụng sự Tổ quốc”.


Bà bồi hồi tâm sự: “Ông ấy hay đau ốm lắm, sau lần tai biến cách đây 2 năm, ông ấy lại yếu đi nhiều, liệt thêm tay bên trái, thế nên mọi sinh hoạt lại càng thêm khó khăn, nhưng đã bao năm nay tôi quen việc chăm sóc cho ông ấy rồi. Ông ấy tình cảm nên mỗi lần nhắc tới kỉ niệm thời chiến là xúc động khóc mãi”.


Mặc dù sức khỏe đã “tàn” nhưng người lính năm ấy không cho phép mình “phế”. Với tinh thần của một người lính, sau khi về Trung tâm điều dưỡng, ông Thịnh vẫn tiếp tục cống hiến, ông tham gia làm chi ủy viên, bí thư Chi bộ thương binh, Chủ tịch Hội đồng thương – bệnh binh, là cầu nối, đại diện cho thương – bệnh binh để nói lên tâm tư, nguyện vọng của họ. Chỉ tới cách đây 3 năm, khi cơn tai biến quái ác xảy ra khiến sức khỏe của ông mong manh giữa ranh giới sống, chết thì ông mới dừng hoạt động. Bên trong người đàn ông đang chậm chạp nằm xuống giường mệt lử sau cuộc nói chuyện là một tinh thần thép, đầy kiên cường, ông Thịnh khẳng định: “Chiến tranh là như thế đấy, đã nhiều người ngã xuống, nhưng để đánh đổi được hòa bình ngày hôm nay, thế hệ chúng tôi sẵn sàng hi sinh…”


Kiều Hà/ Báo Tin Tức
Trung tâm thương binh Thuận Thành, ngôi nhà lớn ấm áp tình thương yêu
Trung tâm thương binh Thuận Thành, ngôi nhà lớn ấm áp tình thương yêu

Sống trong Trung tâm điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) là những người một phần thân thể của họ đã để lại nơi chiến trường ác liệt. Họ vẫn tiếp tục sống và chiến đấu trong một “trận chiến mới”: chiến thắng bệnh tật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN