Không quy định chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Như báo Tin tức đã đưa, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung quy định lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề lái xe, sau đó dư luận cho rằng, quy định này không cần thiết, dễ tạo thêm giấy phép con... Tiếp thu ý kiến, ngày 8/6, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự thảo sẽ không bổ sung quy định này.

Từ trước tới nay, những người tham gia khoá học lái xe tại cơ sở đào tạo lái xe, khi kết thúc khoá học sẽ được cơ sở đào tạo lái xe tổ chức thi tốt nghiệp cuối khoá để cấp chứng chỉ nghề lái xe. Theo quy định, việc thi chứng chỉ là bắt buộc và là điều kiện cần và đủ để các cá nhân được tham dự kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX).

Còn theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, GPLX là một loại giấy phép/chứng chỉ mà người điều khiển các phương tiện giao thông được cấp bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Có GPLX có nghĩa là được phép vận hành các loại xe máy, xe ô tô, xe tải, xe khách… tham gia giao thông công cộng. Muốn có GPLX, người học phải đăng ký các thủ tục thi GPLX, học thi GPLX/thi sát hạch lái xe để được chứng nhận về khả năng lái xe theo quy định. Sau khi được cấp phép, người thi mới có quyền hợp pháp để điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chú thích ảnh
Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Ngọc Hà (Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Tuy nhiên, chứng chỉ nghề lái xe không có giá trị thay thế GPLX, mà chỉ là điều kiện đủ để học viên tham dự kỳ thi sát hạch cấp GPLX. Chính vì lý do này mà hiện nay không ít cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay bỏ qua khâu sát hạch chứng chỉ nghề, nhằm rút gọn quy trình đào tạo.

Trên thực tế, căn cứ vào từng hạng GPLX sẽ có quy trình thi chứng chỉ khác nhau về lý thuyết, thực hành. Song, để cầm được “vô lăng”, bắt buộc người lái xe phải có GPLX. Bên cạnh đó, lái xe từng hạng muốn thi thăng hạng đều phải trải qua quá trình và các quy trình đào tạo, sạt hạch, cấp GPLX nghiêm ngặt; đồng thời, phải có đủ thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn. Cụ thể, học hạng B1 lên B2 phải có thời gian hành nghề từ 1 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên; từ B2 lên C, C lên D, D lên E, các hạng B2, C, D, E lên F phải có thời gian hành nghề 3 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên. Đây chính là những chứng chỉ thực tế, mà lái xe cần phải có để được cấp GPLX.

Điều 109 dự thảo Luật Giao thông đường bổ (sửa đổi) quy định, người có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định; chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chỉ cấp cho người có giấy phép lái xe (các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE) để lái xe kinh doanh vận tải; người có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định…

Trước đó, trong văn bản góp ý về quy định này gửi Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định, chứng chỉ hành nghề lái xe là một loại giấy phép mới so với hiện hành và cần được cân nhắc.

Thực tế, để được cấp GPLX, lái xe đã phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại GPLX, đào tạo để nâng hạng GPLX) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép. Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.

Bên cạnh đó, mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” nhằm đảm bảo lái xe có đủ kỹ năng lái xe an toàn, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng hành khách và an toàn hàng hóa. Song, mục tiêu này trùng với vai trò của “GPLX” là lái xe phải đặt đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, GPLX đã bao gồm chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.

Do vậy, văn bản góp ý của VCCI nêu, việc yêu cầu lái xe vận tải đã có GPLX phải có thêm “chứng chỉ hành nghề lái xe” là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe và doanh nghiệp, khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép.

Theo Phó Giám đốc Công ty Vận chuyển khách du lịch Linh Anh (Hà Nội) Đặng Ngọc Phương, chứng chỉ hành nghề lái xe vận tải tạo thêm “gánh nặng” cho doanh nghiệp. Một lái xe chuyên nghiệp sau khi hoàn thành khóa đào tạo lái xe để được cấp GPLX đều đã được học về vận tải hành khách, hàng hóa như thế nào để đảm bảo an toàn hay nắm rõ các kỹ thuật lái xe, phòng cháy chữa cháy… bài bản. Việc phát sinh ra thêm chứng chỉ hành nghề lái xe vận tải là phát sinh ra thêm một chứng nhận mà lái xe đã được học rồi, nên không cần thiết, vì chỉ tạo thêm “gánh nặng” cho doanh nghiệp trong việc tập huấn cho lái xe.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, thêm chứng chỉ hành nghề lái xe vận tải là đi ngược chủ trương cải cách thủ tục hành chính. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tập trung cải cách các thủ tục hành chính, giảm bớt các điều kiện kinh doanh. Nếu thực hiện quy định này, tức là tách điều kiện kinh doanh của các doanh nghiêp, cá nhân người hoạt động vận tải (đội ngũ lái xe đông đảo hiện nay) thành 2 loại chứng chỉ. Đương nhiên, điều này sẽ gây tốn kém, phiền phức cho các doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị giữ nguyên các quy định liên quan đến vấn đề này như hiện hành... 

Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho rằng, 3 loại chứng chỉ mới của vận tải: Hành nghề lái xe, điều hành vận tải, theo dõi an toàn giao thông, đã được tiếp thu, không quy định trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Đối với lái xe kinh doanh vận tải quy định theo hướng lái xe có nhu cầu kinh doanh vận tải thì có thể đăng ký tham gia khóa đào tạo và cấp giấy chứng nhận về nghiệp vụ vận tải đường bộ trong quá trình học lái xe, giấy chứng nhận sẽ được cấp đồng thời và tích hợp với GPLX.  

Đối với lái xe kinh doanh hiện nay (từ hạng B2 trở lên), khi hết hạn sẽ được cấp lại theo hạng mới; đồng thời, được cấp chứng nhận nghiệp vụ lái xe kinh doanh vận tải, không phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Ông Võ Văn Hưng được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị
Ông Võ Văn Hưng được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị

Ngày 8/6, Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị lần thứ 30, khóa XVI, nhằm tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; bàn phương hướng nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN