Không để trường dạy nghề sống lay lắt

Ngày 10/9,  tại Hà Nội, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội- Bộ LĐ,TB & XH) đã tổ chức hội thảo "Dịch vụ sự nghiệp công về dạy nghề, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số người làm việc và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực dạy nghề".


Việc tự chủ đối với các trường nghề công lập là quá trình tất yếu


Theo ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB & XH, việc tự chủ trong các trường công lập thuộc lĩnh vực dạy nghề là hướng đi tất yếu trong quá trình phát triển. Nhà nước sẽ chỉ có cơ chế hỗ trợ với một số ngành nghề đặc thù, khó thu hút người học và các vùng khó khăn.


Để thúc đẩy việc tự chủ cho các cơ sở dạy nghề công lập, về mặt vĩ mô, công tác phân luồng cần được đẩy mạnh để mang tính hướng nghiệp, chất lượng đào tạo cũng cần được nâng lên theo hướng chuẩn hóa với các nước ASEAN.


Đóng góp vào dự thảo cho Nghị định quy định dịch vụ sự nghiệp công về dạy nghề, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bộ máy, tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực dạy nghề, đại diện đơn vị dạy nghề cho rằng, các trường dạy nghề có lợi thế thấp, khó thu hút học sinh, nên cần có quy định phù hợp với từng địa bàn, ngành nghề; đồng thời có lộ trình tự chủ phù hợp…


Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng: Một trong những chủ trương lớn trong việc tự chủ đối với các trường dạy nghề là Nhà nước sẽ đấu thầu dịch vụ công theo “sản phẩm đầu ra”, tính đến hiệu quả của việc đào tạo. Với cơ chế này, sẽ tạo sự công bằng đối với cả trường công lẫn trường tư. Theo đó, những trường hoạt động tốt sẽ có cơ hội phát triển, các trường không thích ứng sẽ phải sáp nhập. Đây là quá trình tất yếu trong quá trình hội nhập và vận hành theo cơ chế thị trường, không để những trường nghề yếu kém “sống lay lắt” như hiện nay.


XC

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN