Khó thuyết phục lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Một trong những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là mở rộng đối tượng, trong đó hướng tới nhóm lao động thời vụ, lao động có hợp đồng dưới 3 tháng. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng này đang là bài toán khó với ngành bảo hiểm xã hội (BHXH).

Chi trả lương hưu tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Xuân Cường.


Không mặn mà

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

“Đổi mới thông tin và hỗ trợ ngân sách”

Tình trạng doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH đang diễn ra ngày càng phổ biến với hơn 50% doanh nghiệp không tham gia BHXH, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Đáng chú ý, Luật BHXH sửa đổi hướng tới đối tượng lao động dưới 3 tháng. Tuy nhiên, theo kiểm tra của Liên đoàn Lao động các cấp thì nhiều người ký hợp đồng 3 tháng nhưng có khi đã làm việc cả năm trời. Do đó, để có tính khả thi với đối tượng này thì cơ quan BHXH tăng cường công nghệ thông tin, cấp mã số định danh. Thực tế, hiện TPHCM đã triển khai hoạt động này và chỉ cần truy cập vào trang web của BHXH sẽ nắm được thông tin về việc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động. Còn với nông dân là khu vực phi chính thức thì cần sự hỗ trợ một phần của Nhà nước khi tham gia BHXH. Đổi mới công nghệ thông tin và hỗ trợ ngân sách thì sẽ mở rộng được đối tượng tham gia.

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:

"Sẽ giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính”

Việc giao dịch BHXH hiện khá rườm rà. Doanh nghiệp (DN) lập danh sách, đóng dấu và nộp “bản cứng” cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH lại lập danh sách và rà soát. Như vậy, việc nhập danh sách thực hiện 2 lần, chưa kể việc đi lại và chờ đợi tốn nhiều thời gian cho DN. Trong đề án về giao dịch điện tử mà BHXH Việt Nam đang xây dựng, việc lập danh sách chỉ cần nhập 1 lần, giảm thiểu tối đa các thủ tục và số giờ tham gia BHXH. BHXH Việt Nam đang bàn với Tổng cục Thuế để thống nhất sử dụng chung chữ ký số và thông tin thuế của DN nhằm hỗ trợ công tác kiểm tra BHXH. Theo Luật BHXH sửa đổi, sổ BHXH sẽ giao cho người lao động, cứ 6 tháng BHXH sẽ cung cấp danh sách để DN công khai cho người lao động. Đồng thời, người lao động chỉ cần dùng số CMT hoặc số sổ BHXH để có thể kiểm tra việc đóng BHXH của mình theo từng tháng trên mạng Internet.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội: 

“Cần có chế tài đối với chủ sử dụng lao dộng”

Cơ chế đóng BHXH hiện nay là phải đóng thông qua người chủ sử dụng lao động; trong khoản tiền phải đóng thì chủ sử dụng lao động phải đóng đến 2/3, nên nếu có thể thì người chủ sẽ tìm cách trốn BHXH. Do đó, cần áp dụng hình thức mã số cá nhân cho từng người lao động để khi trả lương, tiền đóng BHXH sẽ hiển thị rõ và minh bạch. Đồng thời, phải có chế tài với người sử dụng lao động để họ thực hiện nghiêm túc việc đóng BHXH. Hiện một bộ phận người lao động cũng chưa ý thức được đầy đủ sự cần thiết của việc đóng BHXH, cứ thấy càng ít bị trừ vào thu nhập càng tốt, để khoản nhận về được nhiều hơn.

Anh Hà Văn Thà, quê Hải Dương, làm tại một xưởng mộc ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Tôi được chủ sử dụng lao động trả tiền theo ngày công, khoảng 200.000 đồng/ngày và nuôi cơm nên thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và có chút tích lũy gửi về quê. Trước đây, chủ có gọi lên ký hợp đồng 3 tháng, sau đó, cứ mặc nhiên gia hạn quay vòng 3 tháng/lần. Qua đài báo, tôi được biết đây là cách “lách luật” của chủ sử dụng lao động để không phải đóng BHXH. Theo quy định mới của Luật BHXH sửa đổi, chúng tôi cũng rất mừng vì thuộc diện được chủ sử dụng lao động mua một phần BHXH nhưng cũng lo vì vừa nhận thông báo nếu ai muốn đóng BHXH sẽ trừ vào tiền công để đóng BHXH. Nếu như vậy, tiền công của chúng tôi sẽ thấp và không còn tích lũy nữa”.

Phân vân như anh Thà, anh Nguyễn Văn Hùng, nhân viên phụ trách mảng điện máy của một doanh nghiệp tư nhân cũng không quá mặn mà với việc tham gia BHXH. Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Công ty trả tôi hơn 4 triệu đồng/tháng và ký hợp đồng 3 tháng. Lương được trả theo sản phẩm và nếu muốn đóng BHXH sẽ ký hợp đồng trên 6 tháng và tiền đó sẽ khấu trừ vào lương. Hiện, chi phí thuê nhà ở và ăn uống cũng đã hết ngần đó tiền lương nên cũng không muốn đóng BHXH.

Ông Nguyễn Tiến, quản lý nhân sự của Công ty du lịch và thương mại Hà Phương (Hà Nội) chuyên tổ chức tiệc cưới cho biết: “Đơn vị thường xuyên tuyển lao động thời vụ, đặc biệt là dịp cuối năm do số lượng đơn đặt hàng về cưới hỏi. Hết thời vụ thì nhiều người xin nghỉ. Với nhiều người như vậy họ không mặn mà làm thủ tục đóng BHXH. Nhưng ngại nhất đối với cả chủ sử dụng lao động và người lao động là thủ tục khai nộp đóng và cắt BHXH rất phức tạp, trong khi người lao động thời vụ đa số chỉ quan tâm thu nhập chứ không muốn đóng BHXH”.

Còn ông Trần Quốc Hải, Phó Giám đốc Công ty Thương mại và sản xuất thực phẩm Lợi Hanh (Hà Nội) chia sẻ: “Với đơn vị chúng tôi, lao động dưới 3 tháng thường là đối tượng thử việc xem có thích ứng được công việc không. Thực tế nhiều lao động có bằng cấp nhưng chủ yếu biết lý thuyết  và thường phải đào tạo lại. Nếu lao động muốn gắn bó với doanh nghiệp thì việc đóng BHXH là đương nhiên bởi đây là một biện pháp ràng buộc lao động với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục đóng và cắt BHXH hiện rất phức tạp. Riêng việc khai báo làm thủ tục BHXH hiện mất cả tuần lễ. Do đó, với lao động dưới 3 tháng mà nghỉ việc rồi phải làm thủ tục cắt BHXH mất cả tuần lễ thì chúng tôi không có đủ nhân sự để làm việc “hành là chính” này.

Phải cải tiến thủ tục

Đại diện Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết: Cơ quan BHXH không nắm được số lượng lao động thực tế tại các doanh nghiệp. Doanh nghiệp khai số lượng lao động bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Có những doanh nghiệp cần giữ chân lao động giỏi thì chủ động đăng ký tham gia BHXH cho lao động đó. Ngược lại, có doanh nghiệp làm ăn không bền vững lâu dài, thời vụ, thì họ tìm cách trốn, không tham gia BHXH. Để phát triển, mở rộng đối tượng hay để giảm nợ đọng thì một mình ngành BHXH không thể làm nổi mà phải có sự phối hợp của các ngành liên quan.

Trong khi đó, theo đại diện BHXH TP Hồ Chí Minh: “Đơn vị phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và Cục Thuế tiến hành rà soát các doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động. BHXH phối hợp với các UBND xã, phường rà soát đôn đốc các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tham gia BHXH cho người lao động theo đúng quy định. Nhờ các giải pháp đó có hơn 31.000 doanh nghiệp nhỏ dưới 10 lao động tham gia, chiếm gần 66% tổng số doanh nghiệp tham gia trên địa bàn. Đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ, vai trò hỗ trợ của UBND xã, phường đóng vai trò quan trọng”.

Việc mở rộng đối tượng lao động đóng BHXH là yếu tố mở rộng an sinh xã hội. Do đó, Luật BHXH sửa đổi hướng tới đối tượng có quan hệ lao động “dễ bị tổn thương” là những trường hợp thường ký hợp đồng dưới 3 tháng. Hiện nhóm này chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động. Bên cạnh đó, Luật BHXH hướng tới nhóm lao động phi chính thức (lao động tự làm và lao động gia đình) thông qua BHXH tự nguyện.

“Theo thống kê, cả nước có hơn 480.000 doanh nghiệp dùng mã số thuế giao dịch với cơ quan thuế và hải quan, nhưng số doanh nghiệp tham gia BHXH chỉ khoảng 150.000. Điều này cho thấy rất nhiều doanh nghiệp đang cố tình không đóng BHXH cho người lao động, nhất là lao động thời vụ”, đại diện BHXH Việt Nam cho biết.

“Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định nhiều chính sách để thu hút người lao động tự nguyện tham gia, song nếu không thay đổi cách làm, mục tiêu mở rộng đối tượng BHXH rất khó khả thi”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết. Qua gần 8 năm thi hành Luật BHXH năm 2006 cho thấy khó thu hút người lao động tham gia BHXH do thủ tục hành chính phiền hà, thông tin thiếu minh bạch và lợi ích trước mắt cũng như lâu dài không rõ nét. Cả nước có khoảng 17 triệu lao động đang có quan hệ lao động bắt buộc tham gia BHXH nhưng hiện mới chỉ có khoảng 11 triệu người tham gia. Nhiều doanh nghiệp cố ý “lách luật” bằng cách chỉ ký hợp đồng thử việc, ngắn hạn (dưới 3 tháng) cho người lao động để trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, hiện 70% lực lượng lao động Việt Nam làm trong khu vực phi chính thức (ước tính khoảng 37 triệu người) là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 173.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) thừa nhận, đảm bảo tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia BHXH là nông dân cũng như nhóm có hợp đồng lao động dưới 3 tháng là bài toán rất khó. Thực tế hiện nay, số người tham gia BHXH tự nguyện thấp và đa phần là những người đã có thời gian tham gia bắt buộc.

Để khắc phục hiện tượng này, Luật BHXH sửa đổi quy định lao động hợp đồng dưới 3 tháng sẽ đóng BHXH và sẽ tăng mức chế tài xử phạt. Do đó, việc thanh tra, xử phạt phải được tăng cường. Hiện Bộ đang xây dựng quy định để thực hiện việc này, tuy nhiên cùng với đó hệ thống BHXH phải hoàn thiện công nghệ thông tin, cấp thẻ BHXH điện tử, quản lý qua giao diện điện tử. Còn với bảo hiểm tự nguyện, giải pháp sẽ là hạ mức trần đóng BHXH xuống, không khống chế tuổi tham gia BHXH, cách đóng linh hoạt dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng cho người nghèo, nhưng quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức.


Xuân Minh
BHXH phải học người làm bảo hiểm nhân thọ
BHXH phải học người làm bảo hiểm nhân thọ

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN