Khó khăn “bủa vây” ngành cá tra - Bài 3: Gỡ khó cho ngành cá tra

Tổng cục Thủy sản xác định, năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tái cơ cấu ngành, tập trung phát triển đối tượng nuôi phục vụ chế biến, xuất khẩu. Theo đó, cá tra tiếp tục được xác định là một trong 5 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của ngành.

 

Vượt khó, ngành cá tra đang cần sự chung tay của người chăn nuôi, doanh nghiệp và nhà quản lý.

 

Dự báo của Bộ Công Thương, năm 2013 vẫn là một năm đầy khó khăn với ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra phấn đấu đạt mức kỳ vọng 1,8 tỷ USD nhưng trong tình hình xấu nhất, có thể chỉ đạt mức 1,2 tỷ USD. Trước tình hình đó, hiện bộ đang chủ trì cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu mặt hàng này ở những thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Trong khi đó, ngành nông nghiệp đã xem xét các kiến nghị của các địa phương nhằm đưa việc chăn nuôi, chế biến cá tra phát triển bền vững theo hướng không tăng sản lượng và mở rộng diện tích. Các giải pháp sẽ tập trung vào việc tăng giá xuất khẩu nhằm đẩy giá thu mua cá nguyên liệu lên, tổ chức sản xuất lại theo hướng liên kết chặt chẽ giữa người nuôi cá với doanh nghiệp chế biến; nuôi theo quy hoạch và quy trình tiên tiến, kiểm soát chất lượng đầu vào từ con giống đến thức ăn...


Một tin vui cho ngành cá tra, đầu tháng 3/2013, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã được thành lập. Người chăn nuôi và doanh nghiệp hy vọng, đây là cú hích giúp giải quyết tình trạng bất ổn trong ngành cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiệp hội được giao trọng trách phát triển ổn định, bền vững nghề nuôi cá tra; điều hòa cung cầu, giá thu mua cá nguyên liệu bảo đảm người nuôi có lãi; tổ chức thu mua tạm trữ khi tồn đọng nguyên liệu, ấn định giá sàn, tổ chức lại cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ chủ động tái lập trật tự trong khâu chế biến, xuất khẩu, chấm dứt tình trạng gian lận chất lượng và phá giá.


Ngân hàng Phát triển Việt Nam vừa cam kết sẽ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu theo cơ chế vay vốn tín dụng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng sẽ xem xét gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 - 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu cho nhóm hàng thủy sản... Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ - CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường... Trong đó, thủy sản là một trong số ít ngành được hưởng chính sách ưu tiên. “Hiện chúng tôi đang kết hợp với ngành chức năng sớm hoàn thiện nghị định về quản lý, sản xuất và xuất khẩu cá tra nhằm tạo cơ sở pháp lý trong hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung rà soát, quy hoạch lại diện tích nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn; đa dạng hóa đối tượng nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm thiểu rủi ro cũng như tăng cường các mối liên kết theo hướng bền vững”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay.


Tin vui mới nhất, sau thời gian dài tranh luận, thời điểm đầu năm 2013, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên đã đồng ý đưa cá tra vào “danh sách xanh” trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản với gợi ý khách hàng nên sử dụng thường xuyên. Ngoài ý nghĩa “minh oan” cho con cá tra, động thái trên đã khẳng định với bạn hàng thế giới về việc cá tra ở Việt Nam được nuôi và chế biến đảm bảo những tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Nhờ có sự “minh oan” kịp thời này, cộng với việc chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện các cơ sở pháp lý để tổ chức lại sản xuất, hướng tới phát triển cá tra bền vững...; con cá tra sẽ có vị thế và phát triển chắc chắn hơn trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhận định.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

 

Bài cuối: Giải bài toán cung - cầu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN