Khi “tự nguyện” trở thành bắt buộc

Cuộc vận động tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học nhằm bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trong điều kiện ngân sách nhà nước cấp chưa đủ là một chủ trương đúng đắn. Thế nhưng trên thực tế ở Nghệ An, việc “tự nguyện” gần như trở thành bắt buộc. Nhiều cha mẹ học sinh và cả giáo viên bày tỏ ý kiến muốn khôi phục Quỹ xây dựng như trước đây.

Khoản đóng góp tự nguyện nhưng lại là nỗi day dứt đối với nhiều cha mẹ học sinh.

Day dứt “tự nguyện”


Năm học 2010 - 2011 là năm thứ 3 tỉnh Nghệ An thực hiện cuộc vận động huy động các nguồn lực xã hội “tự nguyện” góp sức xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Đầu năm học nào, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đều có công văn yêu cầu tất cả các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc các khoản thu theo quy định, công khai các khoản thu tới tận cha mẹ học sinh và tổ chức vận động các lực lượng đóng góp xây dựng trường.

Tuy nhiên, khoản đóng góp tự nguyện thực sự là nỗi niềm day dứt âm thầm đối với cha mẹ học sinh và cả giáo viên. Tự nguyện, nghĩa là tuỳ thuộc vào khả năng và hảo tâm của từng người. Người đóng góp nhiều, người đóng góp ít, người vì hoàn cảnh nào đó mà không đóng góp cũng không sao. Nhưng thực tế không như vậy. Nhiều người quá khó khăn, phải chạy ăn từng bữa song dưới danh nghĩa “tự nguyện”, họ vẫn phải gồng mình để đóng góp gần bằng những người khá giả. Còn với những người kinh tế khá giả, muốn đóng góp cao hơn cũng phải nhìn trước, ngó sau kẻo mang tiếng là bỏ tiền để “mua điểm” cho con.

Không được thu Quỹ xây dựng trường học, muốn nâng cấp, sửa chữa phòng ốc, mua sắm bàn ghế, thiết bị dạy học, chỉ có cách vận động cha mẹ học sinh đóng góp; còn việc vận động doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan đoàn thể thì mấy nơi làm được? Vận động được ít, mọi hoạt động sẽ thua trường khác, khi đó chính hiệu trưởng lại bị đánh giá là thiếu năng động, thiếu cố gắng. Và để khỏi thua trường bạn, hiệu trưởng đành phải “năng động”. Hầu hết các trường cũng tổ chức kêu gọi các bậc phụ huynh ủng hộ nhưng lại thông qua Hội cha mẹ học sinh để ngầm định một mức sàn. Chị Lê Thị Duyên, ở phường Lê Mao, thành phố Vinh cho biết: “Hội trưởng Hội phụ huynh của trường đã đưa ra mức sàn vận động 300.000 đồng, cả hội phí là 350.000 đồng”. Còn chị Kim Lan, ở phường Lê Lợi than vãn: “Trường con tôi còn phải đóng 400.000 - 450.000 đồng”.

Năm nay, các trường không lập danh sách “tự nguyện” đăng ký nộp tiền xây dựng trường với mức tiền có sẵn để cha mẹ học sinh ký vào như năm trước. Nhiều trường đã “đổi mới” bằng cách gửi cho mỗi cha mẹ học sinh một tờ phiếu gọi là “phiếu tự nguyện” để cha mẹ học sinh tự điền số tiền mình nộp vào.

Trong lúc cha mẹ học sinh ấm ức vì khoản tự nguyện đầu năm thì các giáo viên chủ nhiệm lớp cũng mệt không kém. Các thầy cô giáo chủ nhiệm được giao nhiệm vụ phải truyền đạt tinh thần “tự nguyện” đến cha mẹ học sinh. Trong lớp cả trăm phần trăm cha mẹ học sinh đều “tự nguyện” thì không sao, chỉ cần một đến hai người không “tự nguyện” thì giáo viên lớp đó bị đánh giá là “năng lực thuyết phục kém”.

Không phù hợp với khu vực khó khăn

Tuy nhiên, việc vận động đóng góp tiền xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học chỉ gây bức xúc cho cha mẹ học sinh ở đô thị và vùng kinh tế khá, chứ đối với vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực miền núi, vùng cao thì chuyện vận động quả là xa lạ với các bậc phụ huynh và cả các trường. Ở những vùng này, muốn các em đi học, thầy cô giáo phải dỗ dành từng em. Thương học trò nghèo, nhiều thầy cô giáo đã tự nguyện bỏ tiền cá nhân mua tặng học sinh quần áo, sách vở, mua mì sợi, đường sữa dự trữ phòng khi học sinh mệt lả vì đói. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, trường THCS Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Trái ngược với miền xuôi, ở đây chúng tôi lại tự nguyện đóng tiền cho các em. Được nhìn thấy các em đến trường đều đặn là niềm vui lớn nhất với những giáo viên miền núi rồi”.

Rõ ràng là cuộc vận động này không phù hợp với các huyện miền núi, vùng cao. Tiên phong nhất và thu được nhiều tiền ủng hộ nhất trong cuộc vận động ở khu vực miền núi là huyện Anh Sơn, nhưng cả huyện cũng chưa đến tiền tỷ. Có vị chủ tịch xã đã chia sẻ: Đối với các huyện miền núi có kêu gọi đóng góp cũng chẳng được bao nhiêu. Chính vì vậy, dẫu trường có hư hỏng, xuống cấp hay cần xây mới, xã cũng đành trông chờ vào dự án, vào Nhà nước, chứ xã nghèo biết làm sao được.

Trước những bất cập về vấn đề đóng góp tự nguyện, ngày 8/10/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn lưu ý việc huy động và tiếp nhận các khoản đóng góp của xã hội cho nhà trường phải quán triệt nguyên tắc tự nguyện giữa hai bên. Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hoá mức đóng góp đối với cha mẹ học sinh là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục và đào tạo.

Tiếp xúc với nhiều cha mẹ học sinh, ai cũng cho rằng chủ trương vận động đóng góp xây dựng trường học mà tỉnh phát động là đúng, nhưng cần phải có biện pháp chỉ đạo, quản lý, kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc. Họ cũng thẳng thắn nêu quan điểm nên bãi bỏ cuộc vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học và kiến nghị Chính phủ cho trở lại thực hiện thu Quỹ xây dựng trường học. Hầu hết đều cho rằng, đã đi học thì phải đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Có quy định rõ ràng mới công bằng, nhà trường mới không thể làm sai, dân mới biết mà giám sát. Nhà nước chỉ nên bỏ việc thu Quỹ xây dựng trường học khi mà Nhà nước có đủ tiền cấp cho các nhà trường.

Bích Huệ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN