Huy động mọi lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền Trung

Mưa lũ trong những ngày qua tính đến sáng 16/10 tại các tỉnh miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã làm 15 người chết.

Xe cứu hộ giao thông trên địa bàn thành phố Đồng Hới hoạt động hết công suất. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, có 9 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 8 người); 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 3 người, Thừa Thiên-Huế 2 người). Mưa lũ cũng làm 7 nhà bị sập; tổng số nhà hiện còn ngập: 98.215 nhà; diện tích l úa bị ngập: 1.598ha; hoa màu bị ngập: 9.143 ha. Nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Lũ trên sông Ngàn Phố, hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên. Đến trưa, chiều 16/10, mực nước sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 12,8m, dưới báo động 3 là 0,2m; hạ lưu sông Cả và sông La Sông La ở dưới mức báo động 2.

Để đối phó với mưa lũ tại miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1826 ngày 15/10 yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng và các Bộ, ngành tập trung ứng phó, khắc phục sự cố ách tắc giao thông; Công điện số 1827 ngày 15/10 đề nghị các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế và các Bộ, ngành chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với tình hình mưa lũ.

Theo đó, chiều 15/10 Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn đã đi chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, huy động lực lượng Quân khu 4 và 5; Quân đoàn 3 và 4 ứng trực, sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, gồm 215.992 chiến sĩ và 1.932 phương tiện (947 ô tô, 50 xe lội nước, 80 tàu, 855 xuồng các loại). Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, gửi thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, tàu thuyền biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương, các sở, ban, ngành tập trung ứng phó với mưa, lũ, đồng thời tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương trực tiếp chỉ đạo phòng, chống mưa, lũ. Trong đó đã huy động lực lượng bộ đội di dời 1.856 hộ dân đến nơi an toàn (Quảng Trạch: 78 hộ; Bố Trạch: 1.500 hộ; Tuyên Hóa: 278 hộ). Tiếp cận và hỗ trợ cung cấp nhiên liệu, thức ăn, nước uống cho cán bộ và hành khách trên tàu bị ách tắc.

UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Nghệ An đã và đang chỉ đạo các địa phương, các sở ban, ngành nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ và phân công cán bộ trực tiếp xuống địa phương đôn đốc việc thực hiện. Các tỉnh, thành phố ven biển khác từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã có công điện thông báo, chỉ huy các địa phương, các sở, ban ngành tổ chức ứng phó với bão số 7 (Sarika).

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ nhất là đối với các khu vực đã xảy ra mưa rất to thời gian qua. Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7, kịp thời thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh.

* Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Cục Hàng hải Việt Nam) vừa cho biết, đến 7 giờ 50 phút ngày 16/10, xuồng cứu nạn của tàu SAR 412 đã tiếp cận và giải cứu thành công 4 thuyền viên của tàu NĐ 2626 bị mắc kẹt do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6. Hiện tàu SAR 412 cùng với tàu CSB 9004 đang tiếp tục tìm kiếm cứu nạn 5 thuyền viên còn mất tích.

Trước đó, vào lúc 3 giờ 45 phút ngày 15/10, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được thông tin: Các tàu vận tải ven biển HD 2155, HD 2138, HD 2578, NĐ 2626, NĐ 1789 chở clinke trong khi neo tránh gió tại khu vực Cửa Gianh (tỉnh Quảng Bình) bị lũ lớn làm các tàu rê neo (neo trôi, không bám đất, tàu bị trôi), nguy hiểm cho các thuyền viên và phương tiện.

Các tàu SB nói trên thuộc Công ty Vận tải thương mại Trường Thành. Các tàu chở clinke, tàu HD 2578 chở 1.800T, tàu NĐ 2626 chở 1.000T, tàu HD 2155 chở 1.600T, tàu HD 2138 chở 1.300T. Tàu NĐ1789 đã vào đến Hòn La an toàn. Hai tàu: Tàu HD 2578 và tàu NĐ 2626 bị mắc cạn. Hai tàu: Tàu HD 2138 và tàu HD 2155 đã bị chìm, có 5 thuyền viên còn mất tích.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã tiến hành phát thông báo hàng hải trong khu vực để cho các phương tiện ở gần các tàu bị nạn biết để hỗ trợ. Đồng thời, điều động tàu SAR 412 đi cứu nạn.

Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường vụ việc cứu nạn 4 thuyền viên tàu NĐ 2626, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã yêu cầu huy động nhân lực và phương tiện, cũng như triển khai đồng thời nhiều phương án để đưa được 4 thuyền viên tàu ND 2626 về bờ an toàn. Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải tải tích cực phối hợp với các đơn vị tìm kiếm chạy đua với thời gian để tìm kiếm 5 thuyền viên còn mất tích.

Thời tiết khu vực có dông, gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật trên cấp 7, nước lũ chảy mạnh, khiến cho công tác tiếp cận 4 thuyền viên tàu NĐ 2626 và tìm kiếm 5 thuyền viên mất tích tích (4 thuyền viên tàu HD 2155 và 1 thuyền viên tàu HD 2578) gặp rất nhiều khó khăn, các tàu, phương tiện tại hiện trường không thể tiếp cận được với tàu NĐ 2626. Tuy nhiên, với những nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua nguy hiểm, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã khẩn trương triển khai nhiều phương án để tiếp cận tàu NĐ 2626 và đã giải cứu thành công 4 thuyền viên trên tàu.

TTXVN/Tin Tức
Lũ tiếp tục lên, vùng núi Hà Tĩnh, Nghệ An đề phòng lũ quét
Lũ tiếp tục lên, vùng núi Hà Tĩnh, Nghệ An đề phòng lũ quét

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nước hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) và sông Cả (Nghệ An) đang lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN