Hơn 5.100 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 2% số hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3,5 - 5%/năm; 100% số hộ nghèo và cận nghèo có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.

Tỉnh hỗ trợ 100% số hộ nghèo về nhà ở; 95% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Từ vốn vay hỗ trợ hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông Phạm Bá Long, xóm Vũ Thịnh 1, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã đầu tư thâm canh vườn chè đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thái Nguyên dự kiến bố trí hơn 5.100 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, trong đó hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, gần 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng và vốn ngân sách địa phương, vốn huy động hợp pháp khác...

Theo ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn giai đoạn đến năm 2020 được thực hiện đồng bộ bằng các giải pháp hỗ trợ người nghèo đa chiều tiếp cận với các dịch vụ cơ bản.

Cụ thể là hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn, đảm bảo 80% người sau học nghề có việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo trong độ tuổi lao động tiếp cận, tham gia chương trình xuất khẩu lao động, làm việc tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn...

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập, ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo; xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phù hợp, thiết thực.

Đồng thời, mỗi năm tỉnh bố trí kinh phí thực hiện ít nhất 5 mô hình giảm nghèo bền vững; tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ giảm nghèo đặc thù như phát triển hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống...

Qua đánh giá mới nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, tỉnh vẫn còn trên 42.000 hộ nghèo, chiếm 13,4% số hộ nghèo toàn tỉnh và hơn 28.000 hộ cận nghèo, chiếm gần 9% số hộ trên địa bàn.

Giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh đã huy động hơn 6000 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, giúp hơn 36.000 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,7%/năm. Riêng ở huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh là Võ Nhai, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm...

Tuy vậy, chương trình giảm nghèo ở Thái Nguyên bộc lộ một số hạn chế: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng lại chuyển sang cận nghèo, sự chênh lệch về số hộ nghèo khu vực thành thị (thành phố Thái Nguyên, Sông Công và thị xã Phổ Yên) với các huyện miền núi, vùng cao (Định Hóa, Võ Nhai) còn khá lớn...

Tin, ảnh: Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc để giảm nghèo bền vững
Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc để giảm nghèo bền vững

Tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 90 xã vùng đặc biệt khó khăn, 136 xã vùng cao, 21 xã và thị trấn biên giới. Thu nhập của đồng bào chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm gần 70% tổng số hộ dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN